Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Cần Thơ, Trương Quốc Trạng chia sẻ bức tranh thu hút đầu tư cùng giải pháp thu hút đầu tư trong nỗ lực thích ứng với nền sản xuất mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Minh Kiệt thực hiện.
Xin Ông cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động thu hút đầu tư tại Cần Thơ, đặc biệt là đầu tư FDI cũng như tác động của nguồn vốn FDI đối với cơ cấu kinh tế Cần Thơ?
Hiện dự án FDI tại Cần Thơ còn rất khiêm tốn. Đến năm 2005, Cần Thơ chỉ có 36 dự án FDI với tổng vốn 140 triệu đô la Mỹ. Trong vòng 3 năm trở lại đây, công tác thu hút vốn FDI cũng gặp không ít thăng trầm. Năm 2016, chúng tôi thu hút được 8 dự án với tổng vốn 226 triệu đô la Mỹ. Năm 2018, thành phố thu hút 7 dự án với tổng vốn 11,2 triệu đô la Mỹ. Tính đến cuối năm 2018, Cần Thơ có 82 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 693,4 triệu đô la Mỹ. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như chế biến công nghiệp thủy sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ về ô tô, khách sạn; sản xuất thuốc lá, kinh doanh dầu động thực vật, sản xuất và kinh doanh hàng may mặc, kinh doanh bất động sản, kinh doanh, gia công chế biến, đóng gói sản phẩm nông nghiệp, kinh doanh các loại thức ăn nhanh.
Dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, nhưng các dự án FDI đã góp phần quan trọng vào công tác tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Cần Thơ, khoảng 42% trong tổng số 82 dự án FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, 56% trong lĩnh vực dịch vụ-thương mại và số còn lại tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, dự án trung tâm thương mại tổng hợp Lotte Cần Thơ đã góp phần làm tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, đưa Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại của vùng. Ngoài ra, dự án “nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao” cũng đã góp phần giải quyết số lượng lớn lao động tại thành phố.
Cần Thơ có giải pháp nào để thu hút đầu tư hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thưa ông?
Hiện chúng tôi đã đề ra 8 giải pháp nhằm cải thiện tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Một là, xây dựng và ban hành chính sách đặc thù thu hút đầu tư.
Hai là, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, cải cách toàn diện phương thức xúc tiến đầu tư, xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư trọng điểm tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia và cả khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ba là, tập trung cải cách hành chính, giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bốn là, thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường, thu hút dự án quy mô lớn với sản phẩm cạnh tranh cao.
Năm là, hoàn thiện chính sách liên quan đến đầu tư và chuyển giao công nghệ, xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn việc đào tạo nghề ở các trường với các doanh nghiệp.
Sáu là, hỗ trợ tăng cường tính kết nối giữa nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Bảy là, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng cao, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.
Tám là, cung cấp các dịch vụ ổn định đời sống cho các chuyên gia nước ngoài đến đầu tư và làm việc tại Cần Thơ.
Lợi thế của Cần Thơ nằm ở vị trí địa lý và chiến lược phát triển, xin ông cho biết tỉnh có những nỗ lực như thế nào trong việc tận dụng lợi thế này nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư?
Cần Thơ giữ vị trí đầu mối giao thông quan trọng, giàu tiềm năng và là động lực phát triển của vùng ĐBSCL.
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã triển khai nhiều công trình lớn như cảng biển, cảng hàng không, các tuyến quốc lộ (91B, Nam sông Hậu), các nhà máy nhiệt điện, đường cao tốc Tp.HCM-Cần Thơ, các nhà máy cấp nước sạch và sắp tới là dự án cầu Vàm Cống. Ngoài ra, Cần Thơ cũng đã đầu tư hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề đáp ứng yêu cầu trong khu vực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các chương trình và dự án đầu tư trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh ở 03 cấp độ: thành phố, doanh nghiệp và sản phẩm, tạo ra tác động tương hỗ giữa lợi thế của thành phố và các dòng vốn đầu tư, làm nên nét riêng của thành phố so với các địa phương lân cận trong vùng ĐBSCL, góp phần đưa thành phố Cần Thơ trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Với quyết tâm “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, sự đồng thuận của các ngành, các cấp, đã từng bước đưa Cần Thơ trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, kinh doanh, sức cạnh tranh từng bước được nâng lên, hợp tác quốc tế được tăng cường.
Quan điểm của Cần Thơ về xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và đồng hành cùng doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ là như thế nào? Cần Thơ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi luôn bám sát các nghị quyết của chính phủ, đặc biệt là nghị quyết số 35 và 19, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, 4), cải thiện chỉ số PCI, đơn giản hoá thủ tục thuế và hải quan…Tất cả nhằm hưởng ứng chủ trương lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng tinh thần chính phủ kiến tạo.
Cần Thơ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tiến tới thích ứng với nền sản xuất mới trong CMCN 4.0 trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Hiện Cần Thơ đang triển khai khai một số giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, tăng cường trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện về nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hai là, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Ba là, đổi mới công tác quản lý Nhà nước, nhất là từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro; tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Bốn là, nâng cao chất lượng các buổi gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp, tập trung gặp gỡ theo chuyên đề có trọng tâm vào lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm.
Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường Cao đẳng, Đại học; khuyến khích thành lập các Viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo.
Sáu là, tăng cường công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, huấn luyện các kỹ năng, vận hành doanh nghiệp hiệu quả, tổ chức kết nối cung cầu doanh nghiệp…
Võ Minh