(VHDN) – Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mối quan hệ giữa báo chí với doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng tương hỗ nhau cùng phát triển. Chưa bao giờ giới doanh nhân có cơ hội phát triển thuận lợi như hiện nay. Cũng chưa bao giờ báo chí phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, báo chí giống như tấm gương phản ánh đời sống kinh tế với cả sáng và tối. Kinh tế có phát triển thì báo chí mới lớn mạnh được, và ngược lại. Có thể khẳng định vai trò của báo chí, nhất là báo chí kinh tế đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội hiện nay nói chung, đối với xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là vô cùng to lớn.
Nhiệm vụ “Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam”
Nói đến vai trò của báo chí đối với việc xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp ở nước ta không thể không nói tới sự khơi nguồn tư tưởng, tạo nên sự thay đổi, cái nhìn mới đối với giới kinh doanh bắt đầu từ công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội VI của Đảng khởi xướng, từ “đổi mới tư duy” đã tạo ra sự chuyển mình to lớn đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, tạo tiền đề vững chắc để nước ta tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhắc đến “đổi mới tư duy”, phải nói đến “đổi mới tư duy kinh tế” mà trong đó góp phần không nhỏ của báo chí. Trước đổi mới, là tư tưởng trọng nông, ức thương, xem nhẹ việc buôn bán kinh doanh. Những hạn chế từ “văn minh lúa nước” vẫn còn là tàn dư trong một số doanh nhân Việt Nam mà Cụ Lương Văn Can đã mô tả cách đây cả trăm năm: “không có thương phẩm – không có kiên tâm – không có nghị lực – không biết trọng nghề – không có thương học – kém đường giao thiệp – không biết tiết kiệm – khinh nội hóa”. Nhà văn Lê Lựu, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân từng thừa nhận sức ì của tư duy một thời coi “buôn bán là gian manh”, “giàu là có tội”, coi doanh nhân như “bọn con buôn”, “bọn gian lận”… Nhưng khi qua đi thời ngăn sông cấm chợ, có đường lối đổi mới kinh tế, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần dưới dự lãnh đạo của Đảng cùng vai trò tuyên truyền tích cực của báo chí đã thay đổi hẳn cách nhìn của xã hội đối với doanh nhân, doanh nghiệp. Trên con đường đổi mới đất nước đầy chông gai của Đảng, báo chí nước nhà cũng nỗ lực gấp bội với việc đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống. Những vấn đề nhạy cảm từ thực tiễn lao động và sản xuất đã được báo chí truyền tải đến các đồng chí lãnh đạo. Nếu không có sự cống hiến nhiệt huyết của báo chí với giới kinh doanh thì cũng không có được những quyết sách kịp thời.
Đại hội VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã đề ra nhiệm vụ “Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh” là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Đến nay, doanh nhân đã là một lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, được Đảng ghi nhận xứng đáng và quyết định lấy ngày 13/10 – Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương Việt Nam là ngày truyền thống của mình. Có được điều này phải kể đến sự nỗ lực của VCCI và vai trò của báo chí trong việc tôn vinh giới doanh nhân, đưa doanh nhân từ chỗ làm nghề ít được coi trọng bước lên vị trí của một trong những nghề cao quý của xã hội. Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp càng được khẳng định và coi trọng thông qua Đại hội VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, khi Đại hội tôn vinh và đề cao vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thông qua khẩu hiệu “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”, và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hết sức tán đồng. Một lần nữa VCCI đã tôn vinh xứng đáng vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đại hội VCCI nhiệm kỳ này là: “Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam”. Chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân cả về số lượng và chất lượng; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. VCCI đã công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Những quy tắc trên là các phẩm chất đạo đức cơ bản cần có của doanh nhân Việt Nam được khuyến nghị thực hành rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nước ta.
Lãnh đạo VCCI chia sẻ, có 3 mục tiêu của việc xây dựng, ban hành Quy tắc đạo đức doanh nhân. Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh và bảo đảm sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai, góp phần thực hiện chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao. Thứ ba, củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội, vai trò của báo chí trong xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp còn thể hiện trên việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật kinh tế; giúp giới doanh nhân nắm vững thông tin kinh tế, thị trường, xây dựng phong cách làm ăn chuyên nghiệp, hình thành văn hóa kinh doanh. Báo chí với vũ khí sắc bén đã phê bình những hạn chế, tiêu cực của nền kinh tế, tệ tham nhũng, quan liêu… giúp doanh nhân, doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh hành vi và hoạt động. Không thể phủ nhận vai trò của Báo chí trong việc xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam.
Báo chí thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, đấu tranh với những khuyết tật của nền kinh tế, góp phần xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp chỉ có thể phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi. Việc thông tin trên báo, mở các chuyên mục, diễn đàn, đăng tải những ý kiến, đánh giá của chuyên gia, doanh nhân, người lao động… đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, giúp cho việc hoạch định các chính sách được sát thực hơn.
Để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, báo chí đã tiên phong trên mặt trận chống tiêu cực và cải cách các thủ tục hành chính; giúp các doanh nhân, doanh nghiệp tham quan, khảo sát, tiếp cận thị trường thế giới, đồng thời giao lưu văn hóa và học tập tinh hoa văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Nhân viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc hướng dẫn đồng bào cách sử dụng điện hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN
Trên mặt trận chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua, báo chí đã chứng minh vai trò là người lính xung kích. Nhiều vụ án tiêu cực, liên quan đến những vấn đề xã hội bức xúc và nhạy cảm có đóng góp công sức không hề nhỏ của báo chí như: Vụ án Đường Nhuệ và đồng bọn, vụ án Công ty Việt Á, FLC hay Tân Hoàng Minh, các vụ án về cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước… đã giúp các cơ quan quản lý điều chỉnh cơ chế, chính sách, giúp các doanh nghiệp nhìn nhận và khắc phục những hạn chế của mình, góp phần hình thành văn hóa quản lý, văn hóa lãnh đạo, văn hóa kinh doanh.
Tuy nhiên cũng có những cơ quan báo chí, người làm báo quá sa đà vào việc đấu tranh chống tiêu cực, biến tướng thành hành vi “đánh đấm”, “tống tiền” doanh nghiệp. Gần đây báo chí cũng như các trang mạng xã hội liên tục thông tin phóng viên, nhà báo, thậm chí là Trưởng đại diện một cơ quan báo chí bị bắt về hành vi tống tiền doanh nhân, doanh nghiệp. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức nghề báo cũng như uy tín của các cơ quan báo chí. Vì thế, cùng với mỗi doanh nhân, doanh nghiệp phải đề cao “kinh doanh có văn hóa” thì cũng đòi hỏi các nhà báo và cơ quan báo chí khi đối diện với các vấn đề tiêu cực, nhạy cảm phải là “đấu tranh có văn hóa”. Báo chí phải có thái độ ứng xử có văn hóa đối với các doanh nhân, doanh nghiệp, không phải là “đánh đấm” hay “tiêu diệt” doanh nghiệp mà phải đứng trên pháp luật và công lý. Đấu tranh chống tiêu cực cần thực hiện: “Xây” đi đôi với “chống”, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng cho xã hội, đồng thời giúp doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.
Tình hình thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay vô cùng sôi động nhưng cũng rất phức tạp. Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh đề cao thượng tầng pháp luật, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, góp phần phát triển đất nước thì cũng còn nhiều doanh nghiệp buôn gian bán lận, trốn thuế, buôn bán hàng giả. Báo chí trong quá trình phê phán những khuyết tật này cần chú trọng hơn nữa trong việc tuyên truyền xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, có khen có chê, cổ vũ cái đúng, cái tốt đẹp trong văn hóa kinh doanh.
Văn hóa quảng cáo trên báo chí hiện nay
Báo chí là một kênh thông tin quảng bá vô cùng hữu hiệu trong việc giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp, thúc đẩy việc tăng lợi nhuận trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn thường coi quảng cáo trên báo chí, truyền hình là vấn đề quan trọng nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh, và dành cho lĩnh vực này phần ngân sách không nhỏ. Quảng cáo từ chỗ là cách thức quảng bá doanh nghiệp, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, thời gian qua, có nơi đã trở thành lá chắn cho những động cơ vụ lợi, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Có những cơ quan báo chí thực hiện khoán chỉ tiêu quảng cáo cho cán bộ, nhân viên để tăng nguồn thu cho tòa soạn. Có những cơ quan báo đăng bài theo kiểu “vạch lá tìm sâu” rồi tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng quảng cáo trên báo mình để đổi lại sự im lặng. Hiện tượng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ vốn tốt đẹp của báo chí với doanh nghiệp, làm biến tướng hình thức quảng cáo của doanh nghiệp trên báo chí. Từ chỗ là một hoạt động phục vụ kinh doanh trở thành một hình thức biến tướng mà những quy định của pháp luật về quảng cáo trên báo chí chưa đủ chế tài loại bỏ những phức tạp. Nhiều doanh nghiệp thực hiện quảng cáo trên báo chí là gượng ép, nhiều doanh nhân không muốn xuất hiện trước báo chí. Điều này làm cho việc xây dựng và quảng bá hình ảnh doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nhân viên Hãng hàng không Vietnam Airlines hỗ trợ, chăm sóc hành khách.
Cũng có một số cơ quan báo chí đã dám nói không với quảng cáo trên báo hằng ngày. Tuy nhiên không phải cơ quan báo chí nào cũng thực hiện được vì nó là vấn đề liên quan đến sự tồn vong của một cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan phải tự hạch toán tài chính, tự nuôi sống bản thân. Chính vì thế các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quảng cáo, chú trọng vào việc phục vụ cho doanh nghiệp xây dựng hình ảnh hiệu quả. Một số cơ quan báo chí hiện nay đã đổi mới hình thức quảng cáo truyền thống bằng cách phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hội thảo khoa học, hoạt động văn hóa – xã hội, thông tin tuyên truyền, tài trợ các chuyên mục để phản ánh, điều tra về chính những vấn đề khó khăn, vướng mắc của mình… thông qua đó gián tiếp quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Hiện nay, nước ta có trên 850.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh, tương ứng với đó là số lượng doanh nhân lên đến hàng triệu người. Tính tới ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Trong những năm qua, báo chí luôn giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Báo chí phải luôn là người bạn đồng hành cùng giới doanh nhân, doanh nghiệp, cùng thúc đẩy nhau phát triển vì một mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng.
Trần Thị Hoài – GĐ TTVHDN