DIENDANDOANHNGHIEP.VN Tọa lạc tại trung tâm kinh tế của cả nước, trái tim của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung số lượng doanh nghiệp cũng như thu hút lực lượng lao động lớn nhất của cả nước.
Trong thời gian vừa qua, Chi nhánh VCCI tại TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thực tế, hiệu quả mang tính tiên phong góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng suất và phát triển kỹ năng cho người lao động.
Với phương châm gắn sát với doanh nghiệp và vì doanh nghiệp, VCCI-HCM qua các khảo sát, nghiên cứu, đối thoại trực tiếp và trao đổi thường xuyên với doanh nghiệp đã xác định được các thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt và cần sự hỗ trợ. Trong đó, đối với mảng lao động, việc làm nổi bật lên các vấn đề liên quan đến việc đáp ứng các yêu cầu về nâng cao năng suất lao động, cắt giảm lãng phí trong quá trình sản xuất và xây dựng một thị trường lao động năng động, chất lượng với lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề cao đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nâng cao năng suất lao động thông qua các sáng kiến cải tiến tại nhà máy
Tập trung vào chiến lược nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI-HCM đã triển khai chương trình cải thiện năng suất mang tính quy mô lớn và dài hạn kéo dài trong 10 năm từ năm 2011 với phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách sáng tạo, linh hoạt.
Trung bình một gói hỗ trợ cho mỗi đề tài cho một doanh nghiệp kéo dài trong 2 tháng, bao gồm chương trình đào tạo tập trung cho cán bộ của các doanh nghiệp tại trụ sở VCCI-HCM về các nội dung, kiến thức, phương pháp nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, huy động nguồn lực nội bộ, phát huy tối đa sự tham gia và sáng kiến của người lao động, từ đó giúp doanh nghiệp tự chủ động xây dựng kế hoạch cải tiến.
Sau đó, các chuyên gia về năng suất và chất lượng do VCCI-HCM và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đào tạo tiến hành tư vấn tại chỗ giúp doanh nghiệp thực hiện kế hoạch cải tiến nhà xưởng và theo dõi kết quả cải tiến. Chương trình cho đến nay đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 300 doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và 100 doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ không chỉ ở khu vực phía Nam mà các doanh nghiệp tại miền Bắc và miền Trung thuộc chuỗi cung ứng ngành gỗ và công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử với giá trị mang lại cho mỗi doanh nghiệp từ hàng chục triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng cho từng sáng kiến cải tiến.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý trong chương trình này, bên cạnh các giá trị cụ thể mang lại cho các doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình đào tạo, tư vấn, VCCI-HCM với sự hỗ trợ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã đào tạo một đội ngũ chuyên gia trong nước bao gồm hơn 90 người, đây là các chuyên gia về năng suất và cải tiến nhà máy sẽ tiếp tục đồng hành cùng VCCI-HCM trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám Đốc VCCI-HCM trao đổi tại Diễn đàn quốc tế về năng suất do VCCI-HCM phối hợp với ILO tổ chức
Thúc đẩy sự gắn kết của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng
Song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua cải thiện năng suất, VCCI-HCM đã tiên phong trong vai trò là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động đưa ra các sáng kiến và thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải thiện chất lượng của lực lượng lao động.
Trong đó, việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong mô hình giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do doanh nghiệp dẫn dắt là một dự án nổi bật kéo dài từ năm 2009 đến nay. Các can thiệp của VCCI-HCM tạo nhiều ảnh hưởng tích cực từ cấp độ xây dựng chính sách qua việc thay đổi và điều chỉnh về vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN tại luật GDNN cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm đến việc thay đổi tư duy hợp tác của nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển kỹ năng.
Trong những năm gần đây, hoạt động này ngày càng được đẩy mạnh với các hoạt động đi vào chiều sâu và mang tính định hướng. Là đơn vị tiên phong, VCCI-HCM đã kết hợp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế như Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO), Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển (Aus4skills) xây dựng và thực hiện thí điểm nhiều mô hình hợp tác ba bên giữa doanh nghiệp, nhà nước và nhà trường với các tên gọi khác nhau như Ban tư vấn đào tạo nghề (QAB), Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề (IRC) trong các ngành cơ khí ô tô, chế biến gỗ, nuôi trồng thủy sản và logistics.
Qua mô hình này, doanh nghiệp và thị trường lao động đóng vai trò trung tâm trong hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng. Lần đầu tiên tại Việt Nam, VCCI-HCM, một tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề phản ánh chân thực yêu cầu của ngành và của doanh nghiệp đối với chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo. Ngày 15/10/2021 vừa qua đánh dấu một cột mốc lịch sử trong hoạt động GDNN và phát triển kỹ năng của Việt Nam khi lần đầu tiên báo cáo dự báo kỹ năng nghề được xây dựng và công bố. Đây là báo cáo do VCCI-HCM điều phối và thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Aus4skills và các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành logistics tại Việt Nam và Australia cho ngành logistics của Việt Nam, mở ra một hướng đi mới trong hoạt động cải thiện chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Ấn phẩm dự báo kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam
Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid 19, các hoạt động giúp phục hồi sản xuất, giải quyết việc thiếu hụt lao động trong đó có các giải pháp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng lao động thông qua tăng cường hợp tác chặt chẽ và thực chất giữa doanh nghiệp và nhà trường mà VCCI-HCM thực hiện trong thời gian qua đã thực sự phát huy hiệu quả.
Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”, các hoạt động mang tính tiên phong, bền vững và đi vào thực chất, giải quyết cụ thể các vấn đề của doanh nghiệp như trên sẽ tiếp tục được VCCI-HCM phát huy và thực hiện một cách toàn diện, khoa học.
VÂN ANH