DIENDANDOANHNGHIEP.VN Thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
TIÊN PHONG TRONG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, các hoạt động chính của VCCI trong xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,… đã được đẩy mạnh, tăng 20% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm.
Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Đặc biệt vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao.
Có thể kể tới dự án điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Cải cách thủ tục hành chính (Ban II) theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao; rà soát những bất cập trong thực thi chính sách của các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với bộ, ngành tiến hành khảo sát đánh giá mức độ cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực cụ thể quan trọng như thuế, hải quan, xây dựng…
VCCI đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc. Cơ bản hoàn thành việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh, phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động…
Ngoài ra, công tác đào tạo được triển khai liên tục nhằm phát triển doanh nghiệp bám sát nhu cầu thực tiễn và đón đầu các xu hướng mới. Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được đẩy mạnh tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga … Tiên phong trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội…. Vị thế, uy tín của VCCI vì thế được nâng cao ở trong nước và quốc tế.
DOANH NGHIỆP VỮNG MẠNH – ĐẤT NƯỚC THỊNH VƯỢNG
Tuy nhiên, VCCI cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mới tập trung chủ yếu vào các hoạt động, dịch vụ truyền thống, cơ bản, chưa đầu tư thích đáng cho phát triển hoạt động, dịch vụ mới có chất lượng cao để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.
Còn ít các chương trình, dự án ở tầm quốc gia có quy mô lớn, có sức lan tỏa và tác động quan trọng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Hơn nữa, hoạt động hỗ trợ và liên kết các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác phát triển và phục vụ doanh nghiệp hội viên chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Chưa thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và bản sắc văn hóa riêng của doanh nhân Việt Nam, nhất là nội dung xây dựng chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Do đó, nhiệm kỳ VII (2021- 2026) VCCI định hướng hoạt động phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước. Tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh – Đất nước thịnh vượng. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Mục tiêu VCCI đặt ra trong nhiệm kỳ tới phải chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4.
Đồng thời, thu hút 5.000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững. Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index), thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, doanh nghiệp.
Nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh trong hội nhập. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh và thúc đẩy môi trường thông tin, truyền thông lành mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…
SONG HÀ (VnEconomy)