Tin nổi bật

Chủ tịch HĐQT Thành Nam Group Nguyễn Quách Cương: Xây dựng văn hóa kinh doanh là lựa chọn con đường phát triển bền vững  

4:20 chiều | 24/09/2024

VHDN – Nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới đặt ra cả những cơ hội và thách thức cho sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Để duy trì thành công, các doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng, đổi mới, duy trì các giá trị và đạo đức mạnh mẽ. “Xây dựng văn hóa kinh doanh của Việt Nam giàu bản sắc và thích ứng với thời đại góp phần tạo nên môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Xây dựng văn hóa kinh doanh là lựa chọn một con đường phát triển bền vững trong tương lai” – Đó là quan điểm của doanh nhân Nguyễn Quách Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Nam.

Ông Nguyễn Quách Cương: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh để thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu”

Doanh nhân là người lãnh đạo, đứng đầu một doanh nghiệp. Vì vậy, một doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với người lãnh đạo có “Tâm” và có “Tầm”. Và yếu tố then chốt tạo nên phẩm chất tốt đẹp của doanh nhân đó là; bản sắc văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp và đạo đức của người doanh nhân. Bởi chính những điều đó đã tạo nên triết lý kinh doanh và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng và gìn giữ phát triển thương hiệu của mình. Bản sắc văn hóa doanh nghiệp là cái nét đặc trưng riêng của từng doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt để họ tỏa sáng và phát triển bền vững cùng đất nước.

Khi được hỏi về quan điểm của mình về văn hóa kinh doanh và quan điểm đó được vận dụng như thế nào trong công việc kinh doanh của mình. Doanh nhân Nguyễn Quách Cương chia sẻ: Văn hóa kinh doanh là một phạm trù rất rộng, trong đó có đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp. Bề nổi mà khi ta nhìn vào thấy ngay đó là cách doanh nhân ứng xử với con người, với thiên nhiên và xã hội. Phẩm chất của một doanh nhân thành đạt không chỉ là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mà còn được thể hiện ở cách mà họ ứng xử với đồng nghiệp, với bạn hàng, với cấp dưới, nhân viên một cách đúng mực và nhân văn. Từ phong cách của người lãnh đạo đó trực tiếp hình thành nên cái “nếp nhà” cho doanh nghiệp theo một hệ thống, một chuỗi văn hóa từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo xuống tới nhân viên. Đó vừa là nền móng, vừa là kết cấu bền vững để tạo nên sự khác biệt trong văn hóa của doanh nghiệp họ.

Văn hóa kinh doanh tại Thành Nam cũng như của bản thân tôi đó chính là việc luôn thượng tôn pháp luật và duy trì sự minh bạch. Thành Nam kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận, mà luôn song hành với sự phát triển của đất nước, đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế và xã hội nước nhà. Trong xu hướng toàn cầu hóa, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cái duy nhất để doanh nghiệp tồn tại và phát triển đó là văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nhân cần phải lấy đạo đức làm gốc rễ nền tảng và đạo đức cũng là yếu tố đầu tiên mà khách hàng, đối tác dùng làm thước đo để quyết định có hợp tác hay không, sau đó mới tính tới các yếu tố về kinh tế. Mỗi một doanh nhân khi bước chân vào con đường kinh doanh đều có chung một mục tiêu, một khát vọng làm giàu. Tuy nhiên muốn tồn tại và bền vững thì khát vọng đó phải chính đáng, không làm giàu bất chấp, không vì lợi ích trước mắt mà vi phạm pháp luật hay vi phạm đạo đức kinh doanh. Khi đối diện khó khăn thách thức cần có bản lĩnh kiên trì theo đuổi đạo đức kinh doanh, xây dựng chữ Tâm, chữ Tín với khách hàng và chỉ khi việc kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa đạo đức thì sẽ luôn nhận được sự tôn trọng, hỗ trợ của các đồng nghiệp, luôn có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường và được xã hội trân trọng.

Văn hóa doanh nghiệp được quyết định bởi người lãnh đạo

Ông Nguyễn Quách Cương cho rằng: Văn hóa kinh doanh là một trong những thành tố quyết định tới sự phát triển và khẳng định vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp, của quốc gia trên thị trường quốc tế. Xây dựng văn hóa kinh doanh đồng nghĩa với việc nâng tầm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh tiến sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế mà doanh nhân, người lãnh đạo doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi, với vai trò, sứ mệnh của mình để trong việc thúc đẩy quá trình này. Để xây dựng văn hoá kinh doanh là quá trình lâu dài và không ngừng xây hoàn thiện, cần tạo sự đồng nhất về tư tưởng, nhận thức trong giới doanh nhân cũng như toàn xã hội về các các giá trị đạo đức mà doanh nhân cần tuân thủ, bắt đầu bằng việc xây dựng và khuyến khích thực hành các quy tắc đạo đức doanh nhân.

Để văn hóa kinh doanh thực sự trở thành một “sức mạnh mềm” động lực nội sinh cho sự phát triển bền vững đất nước thời gian tới không chỉ cần những đột phá của riêng nhà quản lý doanh nghiệp mà cần một tầm nhìn, chính sách đồng bộ và hành động từ cơ quan điều hành đến từng cá nhân tham gia trong dòng chảy. Yếu tố trọng yếu thúc đẩy phát triển văn hóa kinh doanh đó là con người. Vì vậy, cần coi người lao động là trung tâm và người đứng đầu doanh nghiệp là tác nhân thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Sự phát triển văn hóa kinh doanh cũng không thể thiếu sự soi rọi của văn hóa Việt, sức mạnh “độc nhất vô nhị” của văn hóa kinh doanh Việt Nam nằm ở chính tố chất con người Việt Nam, đó chính là tính linh hoạt, sáng tạo, cần cù, chịu khó, “gan bền, chí lớn” mà nền văn hóa Việt đã tôi luyện cho họ” – Chủ tịch Thành Nam nhấn mạnh.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng đạo đức doanh nhân, phát triển văn hóa doanh nghiệp là một yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ và cũng chính là góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển nên văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch Thành Nam cũng khẳng định thêm: Để đảm bảo phát triển bền vững doanh nghiệp, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần quan tâm, xây dựng, bồi đắp tính liêm chính trong kinh doanh; Làm kinh tế hướng tới tăng trưởng lợi nhuận trong sự cân bằng và hài hòa với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, con người… Điều đó tựu chung lại là sự tu dưỡng, bồi đắp đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Mỗi doanh nhân cần chuyển đổi trong tư duy, nhận thức về kinh doanh. Tư duy luôn quyết định hành động. Khi loại bỏ lối tư duy vị lợi nhuận, cam kết theo đuổi và thực hành kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm với tương lai… Đó chính là lựa chọn con đường phát triển bền vững.

PHẠM LIỆU