DIENDANDOANHNGHIEP.VN Cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là xu hướng mà đã thực sự đi vào mọi mặt của kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp toàn cầu đang đối mặt yêu cầu bắt buộc chuyển đổi số nếu không muốn “tuyệt vong”.
Tham luận tại phiên trọng thể Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) khẳng định, Cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là xu hướng mà đã thực sự đi vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Đại hội Đại biểu toàn Quốc VCCI lần thứ VII vinh dự có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tất yếu chuyển đổi
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thúc đẩy sự phát triển, chuyển đổi mọi mặt của nền kinh tế toàn thế giới. Những mô hình kinh doanh mới đã khiến thay đổi mọi quan điểm của doanh nghiệp về quan niệm khách hàng, thay đổi về tư duy và cách thức cạnh tranh, tầm quan trọng của dữ liệu trong hoạt động kinh doanh, tư duy lại hoạt động đổi mới sáng tạo… Trên thế giới những mô hình kinh doanh của Airbnb, Uber, Apple, Uber đã làm thay đổi chuỗi giá trị ngành truyền thống và định hình lại ngành kinh doanh.
“Doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi số đồng nghĩa với việc tự loại bỏ khỏi cuộc chơi trong thời gian tới nhất là khi các mô hình kinh doanh đột phá đang dần xuất hiện với sự tiến bộ của công nghệ, năng suất lao động ngày càng tăng và thời gian ra thị trường của sản phẩm dịch vụ ngày càng giảm”, ông Tô Dũng Thái nhấn mạnh.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra đã thay đổi sâu sắc phương thức con người sống và làm việc. “Điều này đòi hỏi doanh phải buộc phải thay đổi nhanh hơn, thích nghi để có thể tồn tại và phát triển. Thống kê cho thấy, có tới 67% doanh nghiệp cho biết đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp toàn cầu đang đối mặt yêu cầu bắt buộc chuyển đổi số nếu không muốn tuyệt vong?”, Chủ tịch Tập đoàn VNPT khẳng định.
Thực hiện chuyển đổi trong doanh nghiệp, giải pháp đột phá chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam trong Kỷ nguyên số
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những khó khăn nghiêm trọng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, Chủ tịch tập đoàn VNPT cho rằng chuyển đổi số chiến lược mang tính quyết định để doanh nghiệp Việt bắt nhịp chuyển đổi hay thụt lùi.
Xu hướng chuyển đổi số là tất yếu nhưng chuyển đổi số như thế nào là câu hỏi không hiển nhiên với các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với góc nhìn của Chủ tịch VNPT, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có phương pháp luận chuyển đổi số phù hợp với xu hướng vận động chung của nền kin tế.
Phương pháp luận mà VNPT đang sử dụng cho chính mình và cho các khách hàng gồm 4 bước, thứ nhất, đánh giá hiện trạng doanh nghiệp năng lực, thứ hai xác định mục tiêu yêu cầu chuyển đổi số phù hợp định hướng kinh doanh và đặc trưng ngành nghề, thứ ba xác định lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp, thứ tư xác định lộ trình triển khai trong đó, bước đánh giá mức độ.
Một số giải pháp kỹ thuật số nên được ưu tiên bao gồm đám mây hoá, số hoá, các ứng dụng quản trị doanh nghiệp, thông minh hoá doanh nghiệp, triển khai các ứng dụng quản lý khách hàng…
Đồng hành cùng đi tới tương lai
Với vai trò là Tập đoàn Công nghệ số hàng đầu quốc gia, với những thế mạnh về hạ tầng số, an ninh số, hệ sinh thái số, đại diện VNPT cho biết VNPT đã tham gia tích cực trong hoạt động chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, phát triển tại 60/63 tỉnh, thành và 15 bộ, ngành. VNPT đã đầu tư nguồn lực lớn cho hạ tầng số với tổng băng thông kết nối băng rộng hơn 100 Tbps và các trung tâm IDC đạt tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng các nền tảng số: kết nối Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và đa dạng các sản phẩm dịch vụ số phục vụ cho chuyển đổi số.
VNPT cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số, cụ thể:
Thứ nhất, cam kết tập trung phát triển hạ tầng số, các nền tảng CNS, các dịch vụ số có tính đột phá, phổ cập và là đối tác tin cậy giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có một nền tảng vững chắc để phát triển các ứng dụng công nghệ “Make in Vietnam”, phục vụ toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam và hướng ra môi trường quốc tế.
Đại hội Đại biểu toàn Quốc VCCI lần thứ VII.
Thứ hai, VNPT chủ động hợp tác chuyển đổi số tới các tập đoàn, tổng công ty là các đơn vị lớn, đứng đầu các ngành nghề trong nền kinh tế.
“Với kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số, các chuyên gia của VNPT sẽ đồng hành với các tập đoàn, tổng công ty lớn trong hành trình chuyển đổi số từ khâu hình thành chiến lược, khảo sát đánh giá năng lực chuyển đổi số, xây dựng khung kiến trúc doanh nghiệp và các sáng kiến chuyển đổi số dành riêng trên đặc thù của mỗi doanh nghiệp đến tổ chức triển khai. VNPT sẽ đóng góp và chia sẻ các công nghệ cốt lõi là thế mạnh của VNPT vào các sáng kiến chuyển đổi số của các tập đoàn. VNPT mong muốn và sẵn sàng kết hợp với các Tập đoàn kinh tế để phát triển, hình thành, cung cấp các nền tảng số dành riêng cho các ngành nghề như: nền tảng giao dịch hậu cần – vận tải – xuất, nhập khẩu; nền tảng kết nối nông sản; nền tảng kết nối du lịch – khách sạn…”, Chủ tịch VNPT phân tích.
Thứ ba, VNPT cam kết đồng hành chuyển đổi số cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể kinh doanh trong kỷ nguyên số.
Theo đó, VNPT đã thực hiện đóng gói và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho SME dưới hình thức XaaS qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng sử dụng các dịch vụ số với mức chi phí hợp lý – trả tiền theo thực tế sử dụng. Doanh nghiệp có thể tích hợp và tích tụ dữ liệu xuyên suốt hành trình phát triển của doanh nghiệp.
“Để hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, VNPT mong muốn được đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, cùng VCCI trong hành trình chuyển đổi số, cùng nhau hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, ông Tô Dũng Thái nhấn mạnh.