Tin nổi bật

Cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm vượt khó đưa đất nước vào “kỷ nguyên vươn mình”

8:51 chiều | 11/10/2024

VHDN – Cộng đồng doanh nghiệp khát khao và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn góp phần đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), 79 năm Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương, theo đề nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là 160 đại biểu là các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, là sự kiện quan trọng và đặc biệt ý nghĩa thể hiện sự coi trọng, quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với sự nghiệp chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà.

z5919189709143_02eba07e0ac6b872d2b7c4bc3e5566d6.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân, doanh nghiệp nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024).

Phát triển không ngừng

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ: cách đây 20 năm, vào Ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, đây cũng là ngày mà vào năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước.

“Bác viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà Công Thương nghiệp thịnh vượng”. Kể từ năm 2004, ngày 13/10 đã trở thành Ngày Tết Doanh nhân, là ngày các doanh nhân tập hợp lại và cùng suy ngẫm mình đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, để thúc đẩy Việt Nam sớm sánh vai các cường quốc năm châu”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Đồng thời, Chủ tịch VCCI nhận định, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhìn nhận vai trò ngày càng quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết 09, ngày 10/10/2023 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

“Nghị quyết mới với những quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới, đặc biệt là đặt vai trò đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đã được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hồ hởi đón nhận”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, ngày 10/5/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và VCCI đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến hơn 4.000 điểm cầu với sự tham gia của 207 nghìn đại biểu trên toàn quốc.

63755f8047b7fee9a7a6.jpg
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, tính luỹ kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Nghị quyết 41, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP, ngày 9/5/2024 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW. Đảng đoàn VCCI cũng đã ban hành Chương trình hành động số 08-Ctr/ĐĐ, ngày 09/05/2024 về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW. VCCI cũng đã phối hợp với ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh uỷ, thành uỷ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo thống kê sơ bộ của VCCI và Ban Kinh tế Trung ương, đến nay đã có 63/63 tỉnh thành ủy, 22 ban bộ ngành trung ương và các tổ chức chính trị xã hội đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.

“Nghị quyết 41 đang từng bước đi vào cuộc sống, các cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp đang đẩy mạnh triển khai các nội dung quan trọng của nghị quyết như: cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh…”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, được sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Cụ thể, nếu năm 2004, số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ có khoảng 92 nghìn doanh nghiệp, thì sau 20 năm, chúng ta đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ gần 30 nghìn HTX và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 122 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 61.103 doanh nghiệp, đồng thời có 163.761 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Dự báo, năm 2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính luỹ kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu doanh nghiệp. Nếu tính doanh nhân là lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp thì nước ta hiện có đội ngũ doanh nhân đông hàng triệu người”, Chủ tịch VCCI vui mừng chia sẻ.

58fa870f9f3826667f29.jpg
Năm 2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Về tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc tính tới tháng 9/2024 cho thấy, chỉ 32% doanh nghiệp khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Con số này có nhích nhẹ hơn so với mức 27% của năm 2023, song vẫn ở mức thấp thứ 2 trong 18 năm liên tiếp VCCI khảo sát doanh nghiệp.

“Như vậy, mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu lấy lại tốc độ tăng trưởng, nhưng tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp còn ở mức thấp so với thời kỳ trước đây, vẫn còn tâm lý e dè. Dù vậy, có một số dấu hiệu tích cực là các doanh nghiệp vừa và lớn vẫn còn tỷ lệ đáng kể cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp trong một số ngành quan trọng như công nghiệp chế tạo, nông lâm nghiệp thủy sản… tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động”, Chủ tịch VCCI thẳng thắn.

Về các hiệp hội doanh nghiệp và liên kết doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, hiện nay trong cả nước có khoảng 800 Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, 100% địa phương có Hội hội doanh nghiệp cấp tỉnh, 53/63 địa phương có hiệp hội doanh nghiệp có tên gọi và giữ vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của địa phương. Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động đều tham gia một hoặc một số tổ chức hội doanh nghiệp, qua đó tạo ra mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp.

Thành lập ngày 27/4/1963, trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp giao phó, có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế nước ta, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Từ 93 hội viên ban đầu vào năm 1963, đến nay, VCCI có mạng lưới hội viên rộng lớn trên toàn quốc với hơn 200 hiệp hội doanh nghiệp và hơn 200 nghìn doanh nghiệp hội viên thuộc mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh tế. VCCI cũng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 phòng thương mại và tổ chức quốc tế trên toàn thế giới.

“Đại hội VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đánh dấu tiến trình đổi mới quan trọng của VCCI. VCCI đã đề ra tầm nhìn và sứ mệnh xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”, liên kết, thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới. Đại hội đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược là: (1) Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; (2) Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; (3) Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.

Qua 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, VCCI đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, Đảng đoàn VCCI đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng được Bộ Chính trị giao là chủ trì xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW. Trên cơ sở kết quả đề án tổng kết này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023.

VCCI tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cả ở cấp quốc gia và địa phương. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), và từ năm 2023 thêm Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của VCCI đã góp phần tích cực trong hỗ trợ các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.

VCCI cũng tiên phong trong việc thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam, lấy đó là cốt lõi để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, VCCI tăng cường đa dạng hoá các hoạt động hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, phù hợp với yêu cầu của thực tế, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thúc đẩy xây dựng, hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dân tộc.

Phương thức và nội dung hoạt động của VCCI được đẩy mạnh đổi mới, theo hướng thiết thực, hiệu quả, đảm bảo theo đúng yêu cầu được nêu trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị là “thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp; phát triển hội viên, phát triển tổ chức ngày càng vững mạnh; là cầu nối vững chắc giữa Đảng với doanh nhân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc xứng tầm

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Hôm nay chúng ta kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng cũng chỉ còn 20 năm nữa, để đội ngũ doanh nhân nỗ lực cùng nhân dân cả nước phấn đấu đạt được mục tiêu này. Các cơ hội lịch sử đang mở ra, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói: “Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khát khao và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để được góp phần đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

z5919205522617_1083cf7b4441ea2e865f637ec613b4b2.jpg
VCCI kiến nghị hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.

Đồng thời cho biết, để hỗ trợ, động viên đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp có một số kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

Cụ thể, thứ nhất, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Việc triển khai, thực hiện thành công Nghị quyết 41-NQ/TW là điều kiện quyết định tương lai phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước nhà. “Đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dành sự quan tâm chỉ đạo, sớm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, định hướng đã nêu trong nghị quyết, để đưa nghị quyết vào cuộc sống”, Chủ tịch VCCI kiến nghị.

Thứ hai, đề nghị Đảng, Nhà nước đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, kịp thời ban hành các chính sách thể chế hoá chủ trương bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp. Triển khai các giải pháp để an lòng doanh nghiệp và động viên doanh nhân, doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia. Xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

c80c7afa62cddb9382dc.jpg
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm xem xét có các giải pháp đồng bộ để khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh.

Thứ ba, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm xem xét có các giải pháp đồng bộ để khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, với khát vọng góp phần đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Yếu tố tinh thần luôn là sức mạnh đặc biệt của cách mạng Việt Nam và con người Việt Nam, đã giúp nước ta thu được những thành tựu to lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, khí thế, tinh thần kinh doanh sôi động trong thời kỳ đổi mới đã góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển đổi, phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam.

“Đề nghị quan tâm vừa tạo lập môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, vừa đẩy mạnh tôn vinh, biểu dương, bảo vệ những doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều cống hiến cho sự phát triển của đất nước”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Thứ tư, đề nghị sớm xây dựng, ban hành chiến lược và chương trình quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân gắn với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để các ngành, địa phương xây dựng các chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân cho ngành, địa phương mình, hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.

Thứ năm, đề nghị Đảng, Nhà nước tăng cường tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển và phát huy vai trò của VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp tham gia đầy đủ, chủ động hơn trong các sự kiện chính trị, kinh tế, các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương của Đảng và Nhà nước; trong tham gia thực hiện các dịch vụ công phù hợp, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm bớt gánh nặng cho bộ máy nhà nước, vừa tạo cầu nối tốt hơn giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ và những thành tựu, kết quả đạt được của giới doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua, ngoài sự nỗ lực hết mình của các doanh nhân, còn có yếu tố quyết định là sự lãnh đạo cùng sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước. Trong niềm vui hân hoan kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trực tiếp gặp gỡ, động viên, cộng đồng doanh nhân Việt Nam bày tỏ lời tri ân sâu sắc và cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã luôn quan tâm, ủng hộ, kiến tạo và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Thy Hằng – Ảnh: Thanh Tuấn