VHDN – Ngày nay, đối với nền kinh tế, có hai lĩnh vực trọng tâm: Tiêu chuẩn và chuỗi cung ứng sản phẩm. Với sự phát triển của công nghệ số, logistics (dịch vụ hậu cần) ngày càng đóng vai trò trung tâm cho chuỗi cung ứng, việc xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách liên quan của Chính phủ sẽ định vị ngành logistics của Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng không những trong các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước mà còn trong sự chuyển dịch của kinh tế khu vực và toàn cầu. Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương Phan Văn Chinh, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Trong 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp logistics đã chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ, mở ra một thị trường trị giá hàng trăm tỷ đô la. Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở, dựa vào thương mại quốc tế khi có quan hệ kinh tế song phương với trên 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế.
Văn hóa Doanh nhân số tháng này trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) về thực trạng chuyển đổi số ngành Logistics tại Việt Nam.
Ông Trần Chí Dũng, Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA)
PV: Thực tế đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững. Xin ông cho biết các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chuyển đổi số như thế nào trong thời gian vừa qua?
Ông Trần Chí Dũng: Chuyển đổi số để phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, tuy nhiên do cả hai vấn đề chuyển đổi số và phát triển bền vững đều còn khá mới đối với nhận thức và năng lực thực thi của các doanh nghiệp chúng ta. Chúng tôi đánh giá tổng quan là chúng ta mới đi được khoảng 1/3 chặng đường. Tuy vậy, tại mỗi nhóm dịch vụ chúng ta có các đặc điểm và cấp độ thực hiện khác nhau.
Dịch vụ logistics được định nghĩa theo pháp luật Việt Nam bao gồm đa dạng dịch vụ, chia làm 17 nhóm: Dịch vụ xếp dỡ, chủ yếu tập trung ở các cảng biển và hệ thống cảng cạn, ICD; dịch vụ kho bãi container, bao gồm các bãi container lớn tại cảng, các trung tâm logistics và các cảng cạn; dịch vụ kho bãi (chung) hỗ trợ mọi phương thức vận tải: Các kho bãi cung cấp dịch vụ thường thuộc các công ty 3PL có nhiều năm kinh nghiệm, cung cấp đa dạng dịch vụ (các dịch vụ bổ sung khác như đóng gói, dán nhãn, kiểm đếm, chia tách…) cho nhiều khách hàng khác nhau với lượng hàng luân chuyển cao và tất cả đều đã trang bị hệ thống quản lý vận hành kho hàng (WMS), các IoT kết nối thiết bị hỗ trợ với các mức độ hiện đại khác nhau; dịch vụ chuyển phát: Người vận hành nhóm này còn gọi là các nhà cung cấp dịch vụ “tích hợp” do bản chất yêu cầu dịch vụ; ba nhóm dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ chứng từ, vận đơn… thường được thực hiện theo mô hình giao nhận truyền thống; dịch vụ hỗ trợ bán buôn, bán lẻ, giao hàng; dịch vụ vận tải hàng hóa đường biển: Được cung cấp bởi các hãng tàu lớn và chuyên nghiệp, đã có hệ thống quản lý toàn cầu; dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa được cung cấp bởi các công ty vận tải nội địa, trong đó một số đã trở nên chuyên nghiệp; dịch vụ vận tải hàng hóa đường sắt: Được cung cấp rất hạn chế bởi một vài công ty dịch vụ vận tải trong nước, công nghệ và thiết bị rất lạc hậu; dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ; dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không; dịch vụ vận tải đa phương thức; dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật; các dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ khác theo thỏa thuận với khách hàng.
Các dịch vụ logistics
PV: Nhiều ý kiến cho rằng chuyển đổi số ngành logistics vẫn chưa đạt kỳ vọng và còn đứng sau nhiều nước trong khu vực. Ông đánh giá thế nào về nhận định này? Cần những yếu tố nào để thúc đẩy chuyển đổi số của ngành trong thời gian tới?
Ông Trần Chí Dũng: Thứ nhất, mặt tích cực, đúng là chúng ta có chậm hơn trong chuyển đổi số logistics nhưng không nên hiểu là sau nhiều nước trong khu vực (hiểu là khối ASEAN). Trong khối này, tất cả đều thua xa Singapore nhưng Việt Nam có trình độ công nghệ ứng dụng không cách xa lắm với Malaysia, Thái Lan, chúng ta tự tin trước các đồng nghiệp Indonesia, Phillipiness. Hiệu quả áp dụng tại các công ty lớn hiện đã rất tốt. Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 nêu: Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics đã được chứng minh trong thực tế. Điển hình như Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau khi áp dụng thành công các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến, công ty đã kéo giảm 55% thời gian tàu nằm bến; giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa; giảm 60% các vụ việc mất an toàn lao động, an toàn giao thông; sản phẩm Cảng điện tử ePort là một trong những đề án thành công, qua đó, giúp giảm thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng từ 13 phút xuống còn 6 phút, thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container, giúp tăng sản lượng giao nhận cổng từ 11.000 lên 19.000 – 20.000 lượt xe/ngày. Tương tự, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang xây dựng nền tảng bản đồ Vmap và cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình; nền tảng mã địa chỉ bưu chính có khả năng số hóa, định vị chính xác vị trí địa chỉ của khách hàng nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực, dịch vụ cần “tìm” khách hàng. Giải pháp này góp phần tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận của doanh nghiệp bưu chính, vận tải, logistics, thương mại điện tử… nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Logistics U&I đã ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng các hệ thống quản lý nghiệp vụ theo nhu cầu đặc thù của khách hàng như quản lý kho, quản lý vận tải, quản lý vận hành tập trung, quản lý nhân sự, quản lý quan hệ khách hàng… và phân tích thông minh.
Thứ hai, về các hạn chế, thách thức. Trước hết, với các SME, rất nhiều các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính còn yếu. Trung bình quá trình chuyển đổi số toàn bộ doanh nghiệp có tổng chi phí từ khoảng 200 triệu đến hàng chục tỷ đồng chưa phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu các doanh nghiệp quyết định đầu tư tự động hóa như mô hình nước ngoài thì tốn chi phí đầu tư ban đầu, còn nếu làm theo mô hình nội bộ thì sẽ tốn chi phí nhân lực công nghệ thông tin, mất nhiều thời gian. Thêm nữa, họ cũng rất khó tìm được giải pháp phù hợp do hạn chế về kiến thức và thông tin về giải pháp. Các doanh nghiệp cung cấp logistics tiến hành chuyển đổi số sẽ vô cùng khó khăn nếu không có sự hỗ trợ nghiên cứu phát triển và đầu tư công nghệ của Nhà nước hay các tổ chức tài chính, tín dụng. Ở đây cũng phải nói tới hạn chế của các nhà cung cấp giải pháp, bao gồm cả các trường, viện. Chúng ta nổi tiếng giỏi công nghệ thông tin, có rất nhiều kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, có các tập đoàn công nghệ… nhưng thực tế còn quá ít các nhà cung cấp giải pháp thuyết phục. Hạn chế lớn nhất là hầu hết các công ty chỉ cung cấp các giải pháp đơn lẻ, chưa kết nối được thành một nền tảng số cho ngành dịch vụ logistics quốc gia. Nhìn chung, kỹ năng số logistics là còn thiếu nhiều trong lực lượng lao động trí óc. Tốc độ phổ biến giải pháp cho đa số các nhà cung cấp dịch vụ còn rất chậm so với yêu cầu.
Khảo sát của VLA cho thấy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn như thiếu tính kết nối trong hệ thống, thiếu thông tin về công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số, khó khăn về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh, chất lượng dịch vụ không cao… Ngoài ra, khoảng hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp (VLA, 2022).
Các yếu tố cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số logistics trong thời gian tới, xét theo mô hình hệ thống logistics quốc gia, có thể thấy gồm 4 nhóm yếu tố:
Về cơ chế chính sách: Việt Nam có rất nhiều chính sách, nghị quyết, chương trình… nhưng đa số nằm trên giấy, tốc độ và hiệu quả triển khai còn rất hạn chế. Điển hình có thể thấy qua việc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam dù tham gia xây dựng chính sách rất tích cực và liên tục từ năm 2016 tới nay với rất nhiều kế hoạch hành động, từ Trung ương tới địa phương, trong tất cả các mặt liên quan của ngành – dĩ nhiên bao gồm chuyển đổi số, phát triển bền vững – nhưng hiệp hội cũng như hội viên chưa được hưởng một cơ chế, chính sách hỗ trợ thực tế nào. Với tư cách các doanh nghiệp, chúng tôi không cần được tài trợ mà cần được tham gia trực tiếp vào việc xây dựng cơ chế, nghiên cứu khả thi và hoạch định nguồn lực để đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao thực hiện các giải pháp công nghệ logistics như các giải pháp phát triển hạ tầng, công nghệ cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ logistics. Đặc biệt cần thiết là các cơ chế chính sách phát triển để đồng hành và kết nối số với các chuỗi cung ứng số toàn cầu, các mô hình kinh tế mới, sáng tạo và bền vững hơn.
Về hạ tầng hỗ trợ chuyển đổi số: Song song với các quy hoạch tích hợp cần xem xét lại và xây dựng mới các dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng như kho dữ liệu dùng chung, các bản đồ số, hạ tầng thông tin logistics; ứng dụng chuỗi cung ứng số; phát triển hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ vận tải xanh, quá trình chuyển đổi năng lượng, nhiên liệu sử dụng… hỗ trợ phát triển các nền tảng ứng dụng trong thương mại – vận tải – tài chính và đặc biệt là tích hợp cả 3 nhóm đó.
Chuyển đổi số cho các nhà cung cấp dịch vụ: Phát triển các nhà đầu tư hạ tầng thông tin, cung cấp đa dạng dịch vụ IaaS, PaaS, SaaS hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ logistics của 17 nhóm, trở nên chuyên nghiệp hóa dù họ hoạt động dưới mô hình nào (2PL, 3PL, LLP hay mới hơn nữa).
Chuyển đổi số logistics tại các nhóm người sử dụng dịch vụ là điều kiện cần: Đó là các ứng dụng trong mua hàng, sản xuất, quản lý kho hàng và dự trữ, quản lý phân phối, giao hàng, dịch vụ khách hàng và ứng dụng trong mọi ngành nghề, mọi quy mô doanh nghiệp. Đặc biệt là nhân lực sản xuất kỹ thuật số và thương mại số, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần hiểu biết sâu sắc về cuộc cách mạng chuyển đổi mô hình cung ứng từ chuỗi cung ứng sang mạng cung ứng số để có thể chuyển đổi thành công và tận dụng cơ hội tăng trưởng nhanh.
PV: Dù giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất, thương mại nhưng logistics lại là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đáng kể khi hoạt động vận chuyển hàng hóa chiếm tới khoảng 8% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới. Logistics xanh được xem là mắt xích quan trọng trong việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Ông cho biết xu hướng logistics xanh ở Việt Nam và trong khu vực hiện nay, cũng như trong thời gian tới?
Ông Trần Chí Dũng: Vâng, đúng là ngành logistics có nhiều hoạt động gây phát thải và ô nhiễm. Nhưng không vì vậy mà nó lại “mang tội”: Chỉ có làm logistics không đúng cách thì “có tội”! Cụ thể rõ rệt nhất như vận tải bằng các phương tiện hiệu quả thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu gây phát thải quá mức; chạy quãng đường dài hơn để tới điểm giao hàng; dùng bao bì bừa bãi làm tăng rác thải; bảo quản không tốt gây hư hỏng, phế thải; sản xuất không theo luật cung cầu; hàng hóa dư thừa, hết hạn phải vứt bỏ… Xu hướng logistics xanh (hay xanh hóa, logistics bền vững) là các chuyển đổi tập trung vào tối ưu hóa quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, khí thải, chất thải, giảm tối đa tác động đến môi trường.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải đang nhận biết ngày càng rõ hơn về lợi ích của việc thực hiện các hoạt động bền vững, bao gồm việc giảm tác động môi trường và cải thiện hiệu suất khai thác, tăng hiệu quả kinh doanh. Chính phủ đã thúc đẩy các chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện vận chuyển xanh, như xe điện, xe công cộng và xe sạch hơn. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý chuỗi cung ứng thông minh cũng đang được áp dụng để tối ưu hóa quá trình logistics. Các công ty logistics đang tìm cách giảm bớt lượng khí thải carbon, tối ưu quá trình vận hành bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại (như AI và IoT – logistics 4.0) vào quản lý chuỗi cung ứng cho khách hàng, từ quá trình vận chuyển, tồn trữ hàng hóa, đến giảm lượng chất thải và rác sinh hoạt trong quá trình hoạt động.
Trong khu vực, cụ thể là các quốc gia ASEAN khác, đặc biệt là Singapore, Thái Lan, Malaysia đang theo đuổi mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, bằng cách thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, tạo ra các tiêu chí chuẩn mực xanh cho ngành logistics và vận chuyển, cũng như áp dụng công nghệ vào việc quản lý và vận hành hiệu quả (bao gồm việc thúc đẩy sử dụng công nghệ mới, như xe tự động, IoT và AI, để nâng cao hiệu suất logistics).
Trong tương lai, dự kiến xu hướng logistics xanh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các chính sách hỗ trợ, quy định môi trường nghiêm ngặt hơn và ý thức của người tiêu dùng về vai trò của logistics xanh đối với bảo vệ môi trường cũng sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, quá trình chuyển đổi sang logistics xanh dự kiến sẽ trở thành xu hướng chung trong tương lai. Việc tận dụng năng lượng tái tạo, giảm thải CO2, tối ưu hóa quy trình bằng công nghệ sẽ ngày càng được chú trọng.
Riêng với Việt Nam, do đặc điểm hiện trạng có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các phương thức vận tải, trong đó đường sắt quá yếu, đường thủy nội địa chưa khai thác hết, đường biển ven bờ có lợi thế nhưng thiếu kết nối hiệu quả với đường bộ và đường bộ đang “gồng mình” gánh cả nước. Việc tập trung phát triển vận tải xanh cho đường bộ sẽ mang lại hiệu ứng lớn, chúng tôi đang tích cực tập trung việc này.
Thêm nữa, ngành nông nghiệp Việt Nam đang cần được áp dụng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh một cách khẩn cấp và khi thực hiện sẽ có “thắng lợi kép”. Được biết, Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy việc này nên đó sẽ là lĩnh vực có nhiều chuyển biến mới trong thời gian tới.
PV: Thế giới đang trong tình trạng suy thoái và lạm phát, dẫn đến sự sụt giảm về hoạt động thương mại, kéo theo đó là logistics. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc đầu tư và phát triển logistics xanh tại Việt Nam không, thưa ông?
Ông Trần Chí Dũng: Có nhiều quan điểm trong việc này, chắc chắn có nhiều doanh nghiệp phải lo “cơm áo gạo tiền” trước mắt mà không có điều kiện tính đến chuyển đổi số – chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, theo tôi thì đây là cơ hội vàng để chúng ta thực hiện chuyển đổi có chọn lọc.
Tình trạng suy thoái kinh tế thế giới hiện nay có căn nguyên của nó, như một vị tiến sĩ kinh tế phát triển có nói: Đây là bước ngoặt của nền văn minh. Do đó ta nên nghĩ khác và làm khác trước. Chuyển đổi xanh là bảo vệ môi trường sống đang ở tình trạng bị tàn phá nặng nề và có các biến đổi xấu rõ rệt do chính con người tác động gây nên. Nó vừa là mục đích, vừa là động cơ để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, tình trạng suy thoái, lạm phát tăng cao dẫn đến khủng hoảng năng lượng và lương thực chủ yếu do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Điều này có ảnh hưởng đến việc đầu tư và phát triển logistics xanh tại Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.
Các tác động tích cực đó là tăng nhận thức về logistics xanh: Trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực tăng cao, các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn về các giải pháp logistics xanh nhằm giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường. Nhận thức của doanh nghiệp về logistics xanh đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Theo đó, 66,55% doanh nghiệp logistics được khảo sát cho biết họ đã có kế hoạch triển khai các giải pháp logistics xanh trong tương lai;
Tạo động lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá nhiên liệu trong nước đã tăng hơn 50% trong năm 2022. Suy thoái và lạm phát khiến cho các doanh nghiệp logistics phải tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế để giảm chi phí bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió để vận hành phương tiện vận tải và kho bãi, trung tâm logistics; sử dụng vật liệu tái chế: Tình hình giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao do lạm phát thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong khâu đóng gói và vận chuyển hàng hóa để giảm chi phí.
Mô hình mô phỏng logistics
Tác động tiêu cực là khó khăn trong việc huy động vốn để đầu tư cho logistics xanh do chi phí đầu tư cao trong bối cạnh lạm phát và suy thoái kinh tế. Theo kết quả khảo sát của Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 cũng cho thấy, yếu tố “khả năng tài chính” có tác động mạnh nhất tới phát triển logistics xanh của doanh nghiệp. Việc giảm doanh thu do kinh tế suy thoái, tăng chi phí vận hành do tỷ lệ lạm phát cao ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào logistics xanh; nguy cơ giảm lợi nhuận: Doanh nghiệp logistics có thể gặp phải nguy cơ giảm lợi nhuận khi triển khai đầu tư và phát triển logistics xanh do chi phí đầu tư và vận hành cao trong tình cảnh nền kinh tế suy thoái và lạm phát.
Trong bối cảnh lạm phát và suy thoái, các công ty logistics có thể tập trung cách giải pháp logistics tiết kiệm chi phí hơn thay vì các giải pháp logistics xanh mà cần chi phí đầu tư ban đầu cao. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics đang tính toán việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hướng sử dụng công nghệ để tối ưu hóa các nguồn lực hiện có để giảm chi phí đồng thời tăng kết nối khách hàng để có thêm doanh thu. Các nhà sản xuất thông minh cũng vậy.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Long Châu (thực hiện)