VHDN – Nhân Ngày hành động vì nạn nhân chất độc da cam 10/8/2022, kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2022). Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hải Phòng phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa Doanh nhân; Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (VCCI) – Kỳ Văn hóa Doanh nhân miền Duyên Hải phía Bắc tổ chức buổi lễ kỷ niệm nhằm tri ân những đơn vị, cá nhân đã chung tay xoa dịu nỗi đau da cam trong thời gian qua.
Tại buổi lễ, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Doosan Hải Phòng, ông Bùi Duy Hùng – Chủ tịch Công đoàn Công ty và ông Nguyễn Xuân Hồng – Trưởng phòng hành chính thay mặt tập thể hơn 2.000 CBCNV viên và lãnh đạo đã trao tặng Thành Hội số tiền là 100.000.000 đ ( Một trăm triệu đồng) với mong muốn được chia sẻ, chung tay chăm sóc, giúp đỡ hỗ trợ các nạn nhân vượt qua nỗi đau da cam.
Bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với công lao và sự hy sinh, mất mát to lớn của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Doosan Hải Phòng mong muốn thời gian tới, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố khắc phục những khó khăn, tiếp tục góp phần tích cực trong việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trên địa bàn thành phố.
Được biết, Công ty Doosanvina ngoài phát triển kinh doanh rất tốt, luôn chú trọng phát triển văn hóa doanh nghiệp. Tập thể đoàn kết, gắn bó, đời sống tinh thần của CBCNV được chú trọng, vun đắp. Công ty cũng luôn đóng góp, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Nhà báo Bùi Thị Hạnh, Trưởng đại diện Kỳ VHDN khu vực duyên hải Phía Bắc tại Hải Phòng chia sẻ: “Đóng góp giúp đỡ các nạn nhân da cam là nghĩa cử cao đẹp và cũng là trách nhiệm, sự tri ân đối với những nạn nhân – những người một thời không tiếc tuổi xuân xông pha ngoài trận tuyến giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, để thế hệ sau được sống trong ấm no, hòa bình. Mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm, có việc làm cụ thể, thiết thực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp các nạn nhân ổn định được cuộc sống và được chia sẻ an ủi về tinh thần”.
Chất độc da cam không những gây hậu quả nặng nề đến sức khỏe người trực tiếp tham gia kháng chiến mà nó còn để lại những di chứng rất đau lòng và thương tâm cho con cháu của họ. Mong rằng, sẽ có nhiều tấm lòng, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước hơn nữa động viên, chia sẻ, hỗ trợ thiết thực những người nhiễm chất độc da cam để họ tự tin vượt lên chính mình, giành lại cuộc sống ý nghĩa nhất” – nhà báo Bùi Thị Hạnh cho biết thêm.
Xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là an ủi về tinh thần, như thăm nom khi ốm đau, hướng dẫn nạn nhân có đủ điều kiện làm hồ sơ thủ tục để hưởng chính sách, mà còn rất cần sự chăm sóc về vật chất. Để “Mỗi người dân là một địa chỉ xoa dịu nỗi đau da cam”, nêu cao tinh thần tương thân tương ái dành cho nạn nhân da cam cần phải được tất cả mọi người nhận thức sâu sắc và biến thành hành động như ủng hộ quỹ, hay góp công sức trong việc chăm lo cho nạn nhân da cam nghèo, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, vượt qua nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần.
Bảo Hân