VHDN – Tinh thần của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã rõ. Việc cần làm bây giờ là đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm hiện thực hóa công cuộc này để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương, tích cực thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Theo Tổng Bí thư, hiện nay là thời điểm, thời cơ và là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Không thể chậm trễ hơn được nữa”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nhà nước pháp quyền nhìn từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
“Tinh thần, giá trị, mục tiêu về một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013, Nghị quyết 27 năm 2022 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương. Cách mạng về tinh gọn bộ máy phải hiện thực hóa được tinh thần, giá trị, mục tiêu ấy” – GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đã chia sẻ về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương… thực hiện một cách quyết liệt và mạnh mẽ.
Tôi rất phấn khởi và có phần bất ngờ về phạm vi, mức độ tinh gọn cũng như sự chỉ đạo thực hiện rõ ràng, quyết liệt của Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm. Phải nói rằng những hạn chế của bộ máy trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã được Đảng ta nhận ra từ khá lâu rồi.
Chẳng hạn, Nghị quyết 18 năm 2017 của BCH Trung ương khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thể hiện rõ sự tổng kết sâu sắc việc thực hiện các chủ trương, chính sách trước đó của Đảng về công tác này.
Nghị quyết 27 năm 2022 của BCH Trung ương khóa XIII là nghị quyết chuyên đề về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cũng là sự tổng kết chuyên sâu quá trình xây dựng, đổi mới các thiết chế trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó xác định rõ hơn các mục tiêu, đặc trưng của Nhà nước pháp quyền với tư cách là những giá trị tốt đẹp mà Hiến pháp 2013 đã hiến định và cả dân tộc ta đang theo đuổi, hiện thực hóa.
Trong các nghị quyết ấy, Đảng ta đã thẳng thắn đánh giá bộ máy chính trị còn cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả; năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển. Từ đó, nhiều chủ trương về kiện toàn bộ máy nhà nước đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị đã được khẳng định, hướng tới xây dựng một bộ máy chính trị gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, chuyên nghiệp, thực tài, tận tụy phục vụ nhân dân.
Mục tiêu lớn lao về phát triển đất nước đến năm 2045, những giá trị tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo Nghị quyết 27 của Đảng càng đòi hỏi phải có một bộ máy chính trị đủ mạnh, một đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức, đủ tài mới gánh vác được.
Qua gần 40 năm đổi mới, đất nước đã hội tụ đủ tiền đề và điều kiện để vươn lên trong kỷ nguyên mới. Đảng ta đã xác định Đại hội XIV phải là điểm khởi đầu của kỷ nguyên mới. Vậy việc Đảng quyết định thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy trong cả hệ thống chính trị trước thềm đại hội là việc cần và phải làm. Qua đó khẳng định trách nhiệm của Đảng trước nhân dân vì sự phát triển của đất nước.
Một bộ máy chính trị chất lượng với đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, giàu lòng yêu nước, thương dân sẽ là yếu tố quyết định thành công của Đại hội XIV cả về quyết sách lẫn nhân sự, của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tạo động lực mới và mạnh thúc đẩy dân tộc ta tự tin vững bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Kỳ vọng mở ra chương mới cho quản trị quốc gia
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng là một giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý Nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa bộ máy hành chính.
Theo ông Sơn, Nghị quyết 18 của Trung ương đã đặt nền tảng cho sự thay đổi này khi nhấn mạnh đến việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời đề ra giải pháp kiện toàn tổ chức và thu gọn đầu mối. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn và quyết tâm cải cách để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
“Thời điểm hiện tại có thể xem là cơ hội chín muồi để hiện thực hóa mục tiêu này. Sự quyết tâm chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất cùng đồng thuận xã hội sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam tạo ra một bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, việc Tổng Bí thư Tô Lâm gọi sắp xếp tinh gọn bộ máy là “cuộc cách mạng” không chỉ thể hiện tầm quan trọng mà còn nhấn mạnh sự quyết liệt cần có để thực hiện nhiệm vụ này. Đây thực sự là một thay đổi mang tính đột phá, không chỉ nhằm cải thiện hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm, theo ông Sơn.
Điều này ông Sơn cho biết sẽ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố sống còn để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
“Tôi tin rằng, với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến cuộc cách mạng này thành hiện thực, mở ra một chương mới cho quản trị quốc gia”, ông Sơn bày tỏ.
Người đứng đầu cần tiên phong, gương mẫu
TS Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Liên quan đến vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, trước tiên cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan rằng bộ máy Nhà nước của chúng ta còn đang quá cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
“Đây là thời điểm rất phù hợp để chúng ta thực hiện cuộc cách mạng này”, bà Nga khẳng định.
Theo bà Nga, đã là cách mạng thì bao giờ cũng có sự hy sinh. Trong sự hy sinh đó, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Đây chính là tình huống cụ thể để người đứng đầu phát huy và thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.
Người đứng đầu mà nêu gương, vì lợi ích chung thì sẽ có được niềm tin, sự lan tỏa, đồng thuận rất lớn, từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy từ Trung ương xuống địa phương, bà Nga nhận định.
Ngược lại, bà Nga cho rằng, nếu người đứng đầu không nêu gương, còn chần chừ, e ngại thì việc triển khai thực hiện sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, sự gương mẫu của người đứng đầu rất quan trọng khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
“Yêu cầu đặt ra khi sáp nhập là vừa phải tinh gọn vừa phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho bộ máy. Muốn vậy, buộc chúng ta phải rà soát một cách kỹ lưỡng, khoa học, còn nếu sáp nhập cơ học thì có thể gọn nhưng lại không tinh. Mà đã không tinh thì sẽ không hiệu quả”, nữ đại biểu khẳng định.
Tinh giản biên chế, phải thực sự làm quyết liệt
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
Tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị đã được Đảng ta triển khai trong gần 30 năm qua, gắn liền với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Hình thức thường là gắn với các chương trình cải cách hành chính.
Dù đạt những kết quả nhất định nhưng công tác này có những tồn tại, hạn chế, một phần do tư duy về cải cách hành chính chậm được đổi mới. Hành chính ở nước ta trước nay thường chỉ được coi là một phạm trù gắn liền với hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Tuy nhiên, chúng ta đã quên mất rằng trong các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, tư pháp, các tổ chức chính trị – xã hội và kể cả doanh nghiệp cũng có hoạt động hành chính cần liên tục được cải cách.
Bất cứ tổ chức nào thì đều có những yêu cầu về quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Hoạt động của các cơ quan này dù gắn với chuyên môn cũng luôn đi liền với thủ tục hành chính, tài chính công.
Trước áp lực và nhiệm vụ phát triển kinh tế, cải cách hành chính còn được gắn với yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh. Dù vậy, điều kiện kinh doanh chậm được cắt giảm. Có thủ tục hành chính này được cắt giảm thì lại phát sinh thủ tục hành chính mới, ở nội dung khác. Hiện chúng ta mới cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít có nhu cầu giải quyết, trong khi những nội dung quản lý có tính lợi ích, xin – cho thì chưa quyết liệt xử lý.
Việc sắp xếp, sáp nhập các tổ chức, đơn vị còn mang tính cơ học, thiếu khoa học và tính hiệu quả chưa cao, chưa thực sự quyết liệt về đổi mới phương thức hoạt động, cách thức giải quyết công việc.
Tinh gọn bộ máy về đầu mối là có nhưng chưa mạnh mẽ cải cách chế độ công vụ. Việc tinh giản biên chế chưa thực hiện đúng với tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 39/2015, đó là tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ. Thực tế là chưa đưa được những người yếu kém ra khỏi đội ngũ, chưa “ra 2 vào 1”.
Hiệu quả – câu hỏi lớn với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm chọn tinh gọn bộ máy làm bước đột phá lúc này là đúng và có đủ cơ sở chính trị. Vấn đề này từ Đại hội XII rồi Đại hội XIII đã đặt ra, coi tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là nhiệm vụ ưu tiên. Tuy nhiên, qua thực tiễn hai nhiệm kỳ qua, do nhiều yếu tố mà Đảng ta mới tập trung vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng nên chưa triển khai được bao nhiêu.
Lâu nay, nói tinh gọn bộ máy nhưng thường hiểu là bộ máy nhà nước. Nhưng lần này là làm đồng bộ hơn, bao gồm cả bộ máy các cơ quan tham mưu của Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Đây là bộ phận sử dụng, nắm giữ không ít nguồn lực quốc gia nhưng qua quan sát, làm việc thì thấy rõ các tổ chức ấy đều bị hành chính hóa, sa vào chủ nghĩa giấy tờ, hình thức, trùng lặp rất nhiều.
Sắp xếp bộ máy là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để có nguồn đầu tư phát triển. Đặc biệt là phải chọn được người đủ năng lực, phẩm chất để đảm đương công việc. Nếu công tác cán bộ mà không có đổi mới thực chất thì cải cách bộ máy không mang lại hiệu quả thực chất.
Hơn lúc nào hết, với tinh thần cải cách này, cần dựa trên phẩm chất đạo đức, trên thành tích, hiệu quả công việc của nhân sự ở những vị trí công tác đã trải qua để đánh giá, lựa chọn và đặt cán bộ vào đúng vị trí.
Tôi tin rằng việc ấy không quá khó nếu thực sự phát huy dân chủ. Những đồng nghiệp, những người cùng làm việc sẽ có cái nhìn chính xác nhất, công bằng nhất. Họ sẽ sẵn sàng rút lui và ủng hộ nhân tố mới tích cực, thay vì phản ứng bức xúc, tiêu cực trong quá trình cơ cấu lại đội ngũ.
Các phát biểu của Tổng Bí thư, các bước đi cụ thể bước đầu cho thấy mang đậm tư duy phát triển. Đó là điều rất đáng mừng nhưng từ tư duy tới hành động, từ hành động đến kết quả còn là chặng đường dài, khó khăn.
Tôi hình dung việc nhập một số cơ quan của Chính phủ, của Đảng ở Trung ương và địa phương vào với nhau mới là bước đi rất ban đầu. Việc tiếp theo phức tạp, khó khăn hơn là rà soát chức năng, nhiệm vụ; rà soát mối quan hệ bên trong của từng cơ quan, đơn vị, rồi giữa các cơ quan, đơn vị với nhau; đánh giá lại mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội để xem Nhà nước nên giảm can thiệp gì để cho thị trường, xã hội được sáng tạo cũng như tự điều chỉnh…
Và quá trình ấy cần được triển khai một cách thực sự khoa học. Chẳng hạn phải thực sự để cho xã hội, mà trực tiếp là cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào, phát hiện những bất cập, yếu kém lâu nay, và cùng thiết kế giải pháp khắc phục.
VHDN