DIENDANDOANHNGHIEP.VN Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới.
Trình bày Báo cáo Tóm tắt phương hướng, nhiệm vụ công tác của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu đã đặt ra những thách thức đan xen với không ít thời cơ, thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra những mục tiêu, phương hướng phát triển đất nước trong nhiệm kỳ này, cũng như tầm nhìn đến năm 2030-2045.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
“VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy, tầm nhìn, sứ mệnh, phương hướng, nhiệm vụ của VCCI phải được xác định dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời gắn với nhu cầu hỗ trợ phát triển của các doanh nghiệp. Trong điều kiện đó, đòi hỏi VCCI phải có những đổi mới căn bản, kịp thời về tầm nhìn, định hướng phát triển của tổ chức, đổi mới cơ chế hoạt động và phương thức hỗ trợ doanh nghiệp, để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua được các khó khăn, thách thức và tận dụng các cơ hội phát triển trong tình hình mới”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Theo đó, mục tiêu chung được xác định là chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN +4.
Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, bền vững, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh trong hội nhập, khai thác hiệu quả các cơ hội từ quá trình thực thi các FTA thế hệ mới, dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, đồng thời xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh và thúc đẩy môi trường thông tin, truyền thông lành mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Nâng cao vai trò tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp, là trung tâm liên kết, hỗ trợ phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đồng thời thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả hoạt động của VCCI xứng tầm là tổ chức quốc gia đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII
Từ những mục tiêu trên, VCCI đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố.
Thứ hai, thu hút 5000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), tập trung vào các ngành da giày, túi xách, thủy hải sản.
Thứ ba, xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index), thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, doanh nghiệp.
Thứ tư, xây dựng và triển khai hiệu quả từ 5 – 10 chương trình, dự án, nhiệm vụ ở quy mô quốc gia hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như; đào tạo CEO, tái cấu trúc, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị,…
Thứ năm, tổ chức mỗi năm ít nhất 20 chương trình, sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế.
Thứ sáu, xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành Hệ giá trị kinh doanh Việt Nam.
Thứ bảy, tăng 10-15% số lượng hội viên chính thức và thu hút 40% các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tham gia là hội viên tập thể của VCCI.
Thứ tám, thành lập các hội đồng doanh nghiệp theo khu vực (vùng) tại 7 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước
Thứ chín, hỗ trợ vận động thành lập các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố, phấn đấu đạt đủ 63/63 tỉnh, thành phố.
Thứ mười, thực hiện tốt vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và trong các cơ chế hợp tác đa phương như: WTO, APEC, ASEAN, GMS, ACMECS, PECC, ICC, CACCI, ASEAN ICC,…
Để hiện thực mục tiêu, trong nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Ban Chấp hành VCCI trong nhiệm kỳ tới cần nghiêm túc chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đó là:
Một, chủ động tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi môi trường kinh doanh, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, góp ý xây dựng pháp luật, chính sách theo hướng sát với thực tiễn, có lợi cho doanh nghiệp. Trong quá trình thực thi pháp luật, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư FDI, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy môi trường truyền thông, báo chí hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nâng cao tinh thần kinh doanh.
Hai, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tập trung vào các giải pháp chính như: thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp do nữ làm chủ, thúc đẩy phát triển tăng cường liên kết doanh nghiệp, đồng hành hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Ba, tăng cường hoạt động kết nối hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên. Tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm kết nối hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực Giới sử dụng lao động. Để phát triển hội viên và nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên, tăng cường liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Bốn, phát triển đội ngũ doanh nhân tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, chú trọng xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân kể cả số lượng và chất lượng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức, tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã đề ra. Trong văn hóa kinh doanh cần chú trọng xây dựng đạo đức kinh doanhm văn hóa doanh nghiệp, tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tập trung vào các giải pháp cụ thể là tiếp tục tăng cường kết nối doanh nghiệp với cộng đồng quốc tế.
Năm, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hợp tác tốt các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định tự do thế hệ mới, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ doanh nghiệp và hỗ trợ thích ứng trong hội nhập.
Sáu, đổi mới tổ chức phương thức hoạt động nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của VCCI, một số giải pháp trọng tâm gồm đổi mới bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đổi mới phương thức cơ chế hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tăng cường công tác quản lý phát triển và khai thác hiệu quả các nguồn lực.
Trong sáu nhóm nhiệm vụ giải pháp nói trên, cần đặc biệt tập trung cho ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới như sau:
Chiến lược thứ nhất, thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động tham gia sâu hơn tích cực hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sáchm cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia, cũng như ở các cấp địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đồng thời phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tham gia quá trình xây dựng chính sách, nhất là các chính sách chuyên ngành.
Chiến lược thứ hai, tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành thúc đẩy thực hiện các quy ước chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân doanh nghiệp, xây dựng Hệ giá trị văn hóa doanh nghiệp, kinh doanh Việt Nam bao gồm các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc và các giá trị chuẩn mực của thế giới, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững ,vì lợi ích con người cho các thế hệ mai sau. Xây dựng và củng cố niềm tin xã hội đối với doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam.
Chiến lược thứ ba, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp tạo nền tảng để doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm và thị trường, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh cũng như của toàn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khai thác phát huy tiềm năng kinh tế và lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
DIỄM NGỌC – Ảnh: QUỐC TUẤN