DIENDANDOANHNGHIEP.VN Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh khẳng định: VCCI đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.
Hôm nay (30/12), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại sự kiện này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh khẳng định, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ. Trong bảy năm qua, mỗi năm Chính phủ ban hành một Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các nghị quyết này tập trung vào những nội dung rất quan trọng như cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước… Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 đặt ra những nguyên tắc và mục tiêu quan trọng cho việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Ông Thể nhấn mạnh, với nỗ lực trong các hoạt động mà Chính phủ đã đặt ra cho các cơ quan nhà nước liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua, thông qua đánh giá sự hài lòng của các doanh nghiệp, cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện, thay đổi căn bản với những kết quả tích cực.
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026
Môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã sát thực, có trọng tâm, trọng điểm.
“Kết quả này có được nhờ sự đóng góp tích cực của VCCI – với vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đã tiếp thu và đưa ra các kiến nghị để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, ông Thể nói.
Theo ông Thể, hoạt động của VCCI có vai trò to lớn, ngày càng được khẳng định và đề cao trong việc tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó, đặc biệt là sáng kiến Dự án hợp tác nghiên cứu giữa VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, chủ trì điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm (được duy trì thường niên từ năm 2005), đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố phố về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. PCI được xem là một công cụ chính sách, hướng tới thay đổi thực tiễn, là “tiếng nói”, thể hiện cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh, thúc đẩy các tỉnh, thành phố phải vào cuộc cải cách hành chính, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII diễn ra trong bối cảnh đặc biệt.
Cùng với đó, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên thành lập và vận hành Trung tâm hành chính công tập trung trên cả nước, là một trong những tỉnh đầu tiên có mô hình Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh hoạt động chuyên nghiệp và bài bản. Tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu trong việc xây dựng và công bố chỉ số đánh giá cấp sở, ngành, huyện thị DDCI bài bản và chuyên nghiệp. Quảng Ninh là địa phương chủ động khai thác mạng xã hội để tương tác, cung cấp thông tin và xử lý phản hồi của doanh nghiệp và người dân.
Quảng Ninh cũng nâng cao hiệu quả giải quyết vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, thường xuyên và chủ động gặp gỡ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị (Hội nghị Tỉnh ủy làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tháng 2; Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp vào tháng 8 và tháng 10; tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp vào tháng 8 và tháng 10). Qua đó gặp gỡ với hơn 2.000 doanh nghiệp, giải quyết 80 đề xuất kiến nghị. Lãnh đạo tỉnh định kỳ hằng quý, 6 tháng tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh dự Hội nghị UBND tỉnh thường kỳ hàng tháng. Nhiều sở, ngành đã ký kết Chương trình hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức các Hội nghị đánh giá, phân tích chỉ số DDCI với các sở, ngành, địa phương…..
Theo ông Thể, nhận thức tầm quan trọng của PCI trong phát triển kinh tế – xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã đặt ra chỉ tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”. Đây là lần đầu tiên, các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng là địa phương duy nhất trong cả nước đưa các chỉ số này vào Văn kiện Đại hội. Đây chính là sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Có thể nói, Quảng Ninh là một minh chứng rõ nét nhất đánh giá kết quả của những sáng kiến, những tác động của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt nam (VCCI) trong vai trò thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các tỉnh, thành phố. Những kết quả đạt được ở trên, những thay đổi về tư duy, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức là những biểu hiện cụ thể của sự nỗ lực cải thiện các chỉ số PCI của lãnh đạo tỉnh. Kết quả đánh giá các chỉ số thành phần PCI đã trở thành mục tiêu, đích đến, tiêu chí, cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh để xác định những lĩnh vực và cách thức để thực hiện những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Cùng với các hoạt động khảo sát doanh nghiệp, đánh giá, xếp hạng PCI, để hỗ trợ nâng cao năng lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực dân doanh, VCCI đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm về chính sách, thủ tục hành chính và chương trình phát triển doanh nghiệp. Những nghiên cứu, đóng góp của VCCI đã góp phần làm cho các Nghị quyết của Ðảng, và văn bản pháp luật của Nhà nước phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp bảo đảm tính thực thi, tạo ra những đột phá về chính sách và hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp.
Công tác tập hợp, liên kết, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa kinh doanh được đẩy mạnh thông qua các cuộc đối thoại, hội thảo, tập huấn và hệ thống thông tin của VCCI, thông qua việc phối hợp các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Thực tế cho thấy, thời gian qua, thông qua các báo cáo PCI, VCCI đã chuyển tải các thông điệp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp tới chính quyền cấp tỉnh về yêu cầu cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính và tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đã có nhiều chuyển biến tích cực diễn ra, từ chỗ ít được để ý và xem trọng, công việc cải cách thủ tục hành chính hiện nay đã là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp chính quyền tại các địa phương.
Cũng theo ông Thể, bên cạnh những việc làm được, hoạt động của VCCI cũng còn một số vấn đề cần tăng cường, đẩy mạnh trong thời gian tới:
Một là, hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tập hợp ý kiến doanh nghiệp, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật đã thực hiện được một khối lượng tương đối lớn, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn. Tuy nhiên, những nghiên cứu, đề xuất, tham mưu có tính chất dự báo, cảnh báo về những vấn đề lớn trong hội nhập, phát triển kinh tế và phát triển doanh nghiệp còn hạn chế. Việc đề xuất, kiến nghị của VCCI đôi khi chưa thực sự giải quyết được những khó khăn, mâu thuẫn, cản trở nảy sinh trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp, đặc biệt là những vấn đề phát sinh trong việc áp dụng Luật, thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước.
Hai là, công tác hỗ trợ doanh nghiệp tuy đã có sáng tạo, đạt được những hiệu quả nhất định nhưng chưa phát triển được nhiều hoạt động đa dạng, chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền, phổ biển pháp luật, chưa có sức lan tỏa và tác động sâu rộng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. ‘Một số vấn đề mới: chuyển đổi số doanh nghiệp, định hướng hỗ trợ hồi phục, phát triển doanh nghiệp trong tình hình mới….chưa thực sự được quan tâm.
Ba là, công tác hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp mặc dù đã được triển khai, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Vai trò kết nối giữa các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, nhất là các Hiệp hội ngành nghề và các tỉnh còn chưa rõ nét.