VHDN – Doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế, giúp định hình cuộc sống và hành tinh của chúng ta. Việc kinh doanh có trách nhiệm đảm bảo hoạt động kinh doanh phù hợp với nhu cầu của xã hội, hiện tại cũng như tương lai.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2024.
Kinh doanh có trách nhiệm – yêu cầu tất yếu
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc tạo công ăn việc làm, phát triển công nghệ, cung ứng hàng hoá và dịch vụ… đồng thời hoạt động kinh doanh cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, con người và xã hội. Tất cả các doanh nghiệp, bất kể vị trí, quy mô, lĩnh vực, cấu trúc… đều phải hành động có trách nhiệm, phải xác định và quản lý các rủi ro tác động liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của mình trong chuỗi cung ứng cũng như các mối quan hệ kinh doanh khác. Hiện nay, chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách thúc đẩy thực hành kinh doanh có nhiệm giai đoạn 2023-2027. Theo chương trình này, chính phủ khuyến khích hành vi kinh doanh có trách nhiệm, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.
Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn Văn hoá Doanh nhân Việt Nam 2025 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2025 tại Hà Nội với các mục tiêu chính: (i) góp phần thực hiện chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao; (ii) tạo không gian kết nối để các doanh nhân, chuyên gia, và đại diện các tổ chức kinh tế – xã hội cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy văn hóa doanh nhân Việt Nam, cũng như thảo luận về các giá trị văn hóa trong kinh doanh, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội; (iii) thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc nâng cao nhận thức về vai trò của đạo đức và văn hoá trong kinh doanh; (iv) khẳng định vai trò của VCCI trong việc định hướng và xây dựng nền tảng văn hoá kinh doanh lành mạnh.
Trách nhiệm không phải lựa chọn
Trên bình diện quốc tế, văn hoá doanh nhân, đạo đức doanh nhân đóng vai trò then chốt trong việc định hình phong cách lãnh đạo, xây dựng thương hiệu cũng như tạo dựng giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Văn hoá doanh nhân hay đạo đức doanh nhân được xem là một bộ phận quan trọng nhất của văn hoá kinh doanh, là ngọn lửa thắp sáng cho những ý tưởng sáng tạo, tinh thần đổi mới và trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân.
Tại Việt Nam, văn hoá doanh nhân, đạo đức doanh nhân được thể hiện thông qua việc kinh doanh có trách nhiệm và là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đề cao thương mại bền vững thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA), kinh doanh có trách nhiệm chính là cơ sở và điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội tiến tới phát triển bền vững.
Diễn đàn Văn hoá Doanh nhân Việt Nam 2025 với chủ đề “kinh doanh có trách nhiệm” là cơ hội để các bên tham gia chia sẻ các giá trị văn hoá cốt lõi trong kinh doanh, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay. Diễn đàn nhằm thúc đẩy và áp dụng rộng rãi khái niệm kinh doanh có trách nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp, tiến tới đạt được giá trị lâu dài và bền vững cho tất cả các bên liên quan từ nhân viên, cổ đông, chuỗi cung ứng xã hội đến yếu tố môi trường.
Trên thực tế, trong hoạt động kinh doanh, vấn đề liên quan đến con người và hành tinh không còn là một lựa chọn mà là trách nhiệm, trách nhiệm phải thay đổi, doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi. Doanh nghiệp có trách nhiệm sẽ tồn tại trong dài hạn, ngược lại sẽ không tồn tại.
Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI, lần thứ VII đã thông qua 6 nhóm nhiệm vụ, đặc biệt là 03 đột phá chiến lược của VCCI, trong đó lần đầu tiên xác định nhiệm vụ xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là nền tảng để phát triển bền vững đội ngũ Doanh nhân Việt Nam.
Lan toả khái niệm – thúc đẩy hành động
Điểm nhấn của Diễn đàn Văn hoá Doanh nhân Việt Nam 2025 với chủ đề “Kinh doanh có trách nhiệm” nằm ở phần tham luận với sự tham gia trình bày của các diễn giả, chuyên gia, doanh nhân tập trung vào 6 chủ đề quan trọng: (i) Văn hóa doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; (ii) đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân; (iii) giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; (iv) vai trò của văn hóa doanh nhân trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; (v) những thách thức và cơ hội trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; (vi) giải pháp để thúc đẩy đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân Việt Nam.
Thực tế, doanh nhân có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, xây dựng, quản lý và điều hành các doanh nghiệp có trách nhiệm. Đã đến lúc doanh nghiệp cần thực hiện các thực hành mới nhất thay vì duy trì các hoạt động lỗi thời trước đây. Doanh nghiệp cần thay đổi để đảm bảo công việc mà họ theo đuổi sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho con người, môi trường, xã hội và hành tinh. Các chủ đề tham luận tại diễn đàn năm nay sẽ đưa ra các giải pháp đối với các thách thức mà doanh nhân và doanh nghiệp đang đối mặt để tiến tới kinh doanh có trách nhiệm.
Trong hoạt động kinh doanh, lợi nhuận có thể là yếu tố duy nhất quan trọng đối với một số doanh nghiệp. Nhưng để xứng đáng với công sức của mình, các doanh nhân cần nhận thức được rằng lợi nhuận chỉ có thể đưa họ đến một tầm cao nhất định trừ khi họ đưa đạo đức kinh doanh và trách nhiệm vào hoạt động kinh doanh. Doanh nhân cần làm đúng cam kết đối với ngành hay lĩnh vực mà họ hoạt động, làm đúng với khách hàng và cộng đồng, nếu không lợi nhuận mà họ được hưởng hôm nay sẽ biến mất vào ngày mai.
Qúy Doanh nhân, Doanh nghiệp tham dự Diễn đàn đăng ký tại đây: https://drive.google.com/drive/folders/1EAy8ioJ0aG7TXb_m3U-uyf4xd6n4Dsqm?usp=drive_link
Diễn đàn Văn hoá Doanh nhân 2025 thu hút sự tham gia của các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; Đại diện các hiệp hội ngành nghề, tổ chức kinh tế; Chuyên gia, nhà nghiên cứu về đạo đức kinh doanh và văn hoá doanh nghiệp; Đại diện Chính phủ, Bộ ngành liên quan; Các cơ quan truyền thông, báo chí. Sự kiện cũng mang đến nhiều phóng sự đề dẫn liên quan đến các nội dung như Thế nào là kinh doanh có trách nhiệm, xu hướng kinh doanh có trách nhiệm; Tình hình phát triển của DN Việt và sự cần thiết của kinh doanh có trách nhiệm; Ví dụ điển hình về một số doanh nhân và doanh nghiệp thực hành đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; VCCI và các hoạt động thúc đẩy đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh.
Đức Quân