Với mục tiêu lâu dài là tiếp tục duy trì cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục trên địa bàn Tỉnh, phục vụ cho phát triển KT-XH của địa phương và đời sống của nhân dân cũng như thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đối với nội dung tiêu chí số 4 về điện, khắc phục các khuyết điểm trên lưới điện đảm bảo cung cấp điện nhất là khu vực khu, cụm công nghiệp (CCN) và các trạm bơm trên địa bàn Tỉnh, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Đồng Tháp hiện đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản và các khu, CCN chế biến thủy sản, gạo xuất khẩu, do vậy việc cung ứng điện cho các khu, CCN này cần phải được đảm bảo an toàn, liên tục và ổn định. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng (KH) ngày càng cao, phụ tải trên địa bàn Tỉnh hằng năm đều tăng, đòi hỏi cần phải bố trí nhiều vốn để đầu tư, cải tạo và nâng cấp lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện của khách hàng.
Mặc dù việc đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt, không tập trung làm gia tăng áp lực về vốn và giảm hiệu quả kinh doanh. Nhưng hằng năm, Công ty Điện lực Đồng Tháp đều lập kế hoạch cung cấp điện ngay từ đầu năm và xây dựng Phương án cấp điện trong trường hợp xảy ra mất cân đối cung cầu trên hệ thống điện.
Theo đó đối với lưới điện, Công ty tổ chức vận hành theo phương án tối ưu, tránh quá tải cục bộ, đối với các trạm biến áp 110kV, xây dựng phương án cấp điện cho mỗi trạm để khi xảy ra sự cố tại một trạm bất kỳ, các trạm lân cận sẽ cấp điện trở lại trong thời gian khắc phục sửa chữa, đảm bảo cấp điện cho KH, hạn chế thời gian và khu vực mất điện.
Thường xuyên kiểm tra lưới điện, bảo trì, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục và ổn định; Lực lượng trực ca sửa chữa điện có mặt 24/24 tại các đơn vị trong toàn Tỉnh. Ngoài ra còn có lực lượng ứng trực tại các đơn vị để sẵn sàng huy động khi xảy ra sự cố lớn nhằm khôi phục kịp thời và cấp điện trở lại cho nhân dân.
Không chỉ đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và cải tạo lưới điện, Công ty còn phối hợp tổ chức phổ biến kiến thức cho các Hội, đoàn viên thuộc các tổ chức Đoàn thể tại địa phương và KH việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Và ký thỏa thuận với các KH lớn tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải phi thương mại khi có các sự kiện xảy ra để đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, liên tục.
Công ty Điện lực Đồng Tháp hiện đang quản lý 11 trạm trung gian 110 kV với tổng dung lượng là 818 MVA; 267,7 km đường dây 110kV; 3.160,7 km đường dây trung thế; 4.351,5 km đường dây hạ thế; 5.737 trạm biến áp phân phối (6.995 máy biến áp) với tổng dung lượng là 426.025,5 kVA.
Trước tình hình thời tiết thất thường như hiện nay, chia sẻ về việc đảm bảo cấp điện trong mùa lũ, Ông Đào Hữu Điền – Phó GĐ Công ty Điện lực Đồng Tháp không khỏi trăn trở: “Do lưới điện trải dài khắp các huyện, thị, thành trong Tỉnh, đa số đường dây đi qua các vườn cây ăn trái trải dọc lộ giao thông, qua các khu dân cư, khu đô thị, qua kênh rạch nên việc vận hành lưới điện an toàn, liên tục là một nhiệm vụ không dễ dàng. Đồng Tháp là tỉnh nằm ở đầu nguồn nên hằng năm vào mùa mưa lũ nước từ phía thượng nguồn đổ về gây tình trạng ngập lụt nhiều nhất là các huyện như Tân Hồng, Hồng Ngự, TX Hồng Ngự, Thanh Bình. Ảnh hưởng của thiên tai và sạt lở các trụ điện gần bờ sông, các vị trí đất mềm gây thiệt hại không nhỏ; Tình trạng nước dâng cao hoặc các hiện tượng bất thường của thời tiết, công tác nâng cao các thùng điện kế, trạm điện, gia cố các trụ điện ngoài đồng trống gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, Công ty luôn nỗ lực khắc phục và sẵn sàng các phương án trong mùa bão lũ”.
Ngay từ đầu năm, Công ty chỉ đạo các Điện lực xây dựng các phương án cấp điện trong mùa mưa lũ, đặc biệt là cấp điện cho các phụ tải ưu tiên, quan trọng, thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa lưới điện. Chủ động nâng cao các thùng điện kế, trạm điện trên cơ sở mực nước đỉnh lũ các năm trước đây và tiếp tục theo dõi thực hiện trong mùa lũ. Gia cố và bổ sung chằng néo các vị trí trụ ngoài đồng trống, thường xuyên bị ngập.
Tăng cường kiểm tra trước, trong mùa bão lũ, sớm phát hiện, phối hợp xử lý các khu vực có khả năng sạt lở đất và khu vực địa phương có gia cố đê bao gần lưới điện ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo cung cấp điện an toàn.
Ngoài ra, Công ty còn chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả); tổ chức phổ biến hướng dẫn, diễn tập để chủ động ứng phó với thiên tai khi xảy ra. Các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng phải tổ chức trực 24/24h, chuẩn bị đủ nhân lực để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Đến nay, đã có 144/144 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, số hộ dân có điện đạt 99,98%. Sản lượng điện thương phẩm trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,2 tỷ kWh (trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm 48,83%) tăng 14,48% so với cùng kỳ 2018, đạt 52,13% so với kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Nam giao.
Ông Đào Hữu Điền cũng cho biết thêm, nửa đầu năm 2019, Công ty tiếp nhận và giải quyết đấu nối, cấp điện cho 134 KH có xây dựng công trình điện với số ngày giải quyết bình quân là 4,96 ngày (giảm 0,04 ngày/công trình so với kế hoạch giao); giải quyết cấp điện kế mới cho 10.718 KH sau trạm công cộng với thời gian bình quân là 2,26 ngày. Đối với việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đơn vị đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến của ngành điện trên trang web của Trung tâm CSKH Tổng công ty Điện lực miền Nam, trang web của Công ty Điện lực Đồng Tháp và kết nối vào trang web của Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời phối hợp với Sở Công thương xây dựng quy trình 1 cửa liên thông để tham mưu cho UBND Tỉnh và đang chờ phê duyệt để áp dụng trên toàn tỉnh. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ mới, triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ KH, nâng cao năng suất lao động./.