“Theo Kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030, Đồng Tháp phấn đấu khẳng định thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương; phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, có chiều sâu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân”, Tạp chí Văn hóa Doanh nhân đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp về kết quả của Đề án này.
Vườn Xuân
Diện mạo du lịch Đồng Tháp đã có những thay đổi nào qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020? Nhìn nhận của Ông về những mặt chưa đạt được của tỉnh nhà?
Đồng Tháp là vùng đất nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo. Nguồn tài nguyên được phân bổ khá đồng đều là nền tảng để hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh như Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp – Đồng Sen… và đặc biệt là làng hoa kiểng Sa Đéc – thủ phủ hoa của miền Tây.
Năm 2019, du lịch Đồng Tháp tiếp tục ghi nhận những dấu ấn tích cực với lượng khách đến Đồng Tháp đạt gần 2 triệu lượt chỉ trong 6 tháng đầu năm, với tổng doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2018.
Tuy nhiên, điều mà vùng đất Sen hồng đang thiếu là một hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch hiện đại và đồng bộ. Đây chính là nguyên nhân khách du lịch đến với Đồng Tháp chủ yếu là khách tham quan lưu trú ngắn ngày và ít chi tiêu.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng du lịch tỉnh là một giải pháp hữu hiệu để có những sản phẩm du lịch vượt trội. Vậy tỉnh có những chủ trương nào để tăng cường kinh tế tư nhân đầu tư vào du lịch?
Tỉnh cũng đang tập trung mời gọi đầu tư, từng bước hình thành hệ thống các khách sạn – nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tổ hợp khách sạn kết hợp trung tâm thương mại – hội nghị – hội thảo, các đô thị kết hợp giải trí, tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; nâng cấp các điểm du lịch trọng điểm Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt, làng Hòa An thuộc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và Gò Tháp… để thu hút và giữ chân khách du lịch.
Đặc biệt, Đồng Tháp rất quan tâm các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ cây sen, đưa hình ảnh hoa sen và các sản phẩm từ sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tổ chức các hoạt động điểm nhấn gắn với hoạt động văn hóa – lễ hội của địa phương; tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao; bổ sung và nâng chất các dịch vụ bổ trợ để phát triển du lịch MICE kết hợp với dịch vụ vui chơi, giải trí, khu phố ẩm thực Chợ đêm tại TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc nhằm thu hút du khách lưu lại dài ngày, tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định phê duyệt 78 điểm du lịch cộng đồng trên toàn tỉnh đã khai thác và đang chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất để phát triển các dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Triển khai chương trình một xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Gắn chặt du du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa bản địa.
Hái Quýt
Các giải pháp nào để xây dựng thành công thương hiệu du lịch Đồng Tháp “thuần khiết như hồn sen” như mục tiêu Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 đề ra?
Để thực hiện các mục tiêu trên, Đồng Tháp đã và đang cơ cấu lại hoạt động du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo đó, Đồng Tháp tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử – lễ hội – tâm linh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch công nghệ cao – làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay), du lịch ẩm thực kết hợp mua sắm đặc sản địa phương, du lịch hội nghị – hội thảo (MICE)… có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.
Trong đó, tập trung vào 3 cụm chính. Cụm 1 (gồm TP. Cao Lãnh và các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình) phát triển du lịch sinh thái rừng tràm ngập nước; du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền; du lịch ẩm thực; du lịch lễ hội – văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh – công nghệ cao gắn với làng nghề thủ công tiêu biểu của các địa phương.
Cụm 2 (gồm TP. Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò) phát triển các loại hình du lịch văn hóa – lễ hội hoa gắn với tham quan đường hoa, công viên hoa, kiến trúc cổ và mua sắm; du lịch homestay gắn với trải nghiệm làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực dân gian; du lịch nghỉ dưỡng…
Cụm 3 (gồm thị xã Hồng Ngự và các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Tân Hồng) phát triển du lịch tham quan sinh cảnh đất ngập nước nội địa gắn với tìm hiểu đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười; du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân mùa nước nổi gắn với tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim; du lịch khám phá vùng biên – cột mốc biên giới gắn với thương mại dịch vụ…/.