Doanh nghiệp văn hóa

DN Trần Thị Huấn, TGĐ Nhôm Nam Sung:  Làm giàu và phụng sự xã hội

3:07 sáng | 26/08/2024

VHDN – LTS. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển như hiện nay, văn hóa doanh nghiệp, được xác định là một trong những giá trị cốt lõi có ảnh hưởng quyết định tới năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cũng bởi thế mà Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Công ty TNHH nhôm Nam Sung là một trong những doanh nghiệp lớn mạnh bền vững. Diễn đàn Doanh nghiệp/ Văn hóa Doanh nhân trân trọng giới thiệu cùng độc giả những chia sẻ của Doanh nhân Trần Thị Huấn, Tổng Giám đốc Nhôm Nam Sung – người góp phần quyết định đưa Nam Sung thành thương hiệu số một quốc gia.

Doanh nhân Trần Thị Huấn, Tổng Giám đốc Nhôm Nam Sung

“Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, tại Nam Sung, văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đã soi đường cho hoạt động của doanh nghiệp như thế nào, thưa bà?

Doanh nhân Trần Thị Huấn: Văn hóa doanh nghiệp là một động lực quan trọng trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Khi lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức được đúng đắn giá trị to lớn của văn hóa doanh nghiệp thì sẽ có chiến lược dài hạn xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mạnh và quay trở lại dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thư thách, biến động nền kinh tế.

Tôi cho rằng, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia với các hành vi ứng xử cụ thể. Đó là ứng xử với khách hàng, với cộng đồng; đó là cách giao tiếp với đối tác, trách nhiệm với xã hội, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định đối tác song phương, đa phương thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng được thể hiện sâu sắc và toàn diện.

Ở nam Sung, việc xây dựng các chuẩn mực về dịch vụ, sản phẩm ở mức cao và xuất sắc với lộ trình ban đầu tương đương với Top của thị trường rồi đến vượt trội lên hẳn. Chúng tôi cũng cân nhắc và cân bằng giữa hai mục tiêu “làm giàu” và “phụng sự xã hội” để đạt được sự bền vững. “Làm giàu” không chỉ là một mục tiêu chính đáng mà còn là động lực cần thiết cho sự phát triển bền vững. Nam Sung chúng tôi tự hào là doanh nghiệp đang đóng góp vào tầm vóc quốc tế và tạo ra giá trị thông qua sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, “phụng sự xã hội” không chỉ là một xu hướng mà đối với Nam Sung chúng tôi còn là nhu cầu thực sự để phát triển xã hội, là giá trị cốt lõi khẳng định chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp chúng tôi đang thực hiện.

Bà đánh giá vai trò, sức mạnh của “văn hoá kinh doanh” như thế nào trong bối cảnh mới?

Doanh nhân Trần Thị Huấn: Tôi luôn có sự trăn trở về việc kiếm tiền và phục sự xã hội. Phụng sự xã hội là một hành động và cả một tấm lòng, tôi coi đó là sứ mệnh tồn tại của Nam Sung, cần phải được thể hiện trong cam kết hành động một cách đồng bộ, nhất quán từ trên xuống dưới.

Trong những năm qua, công ty Nam Sung đã tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội và sự quan tâm sâu sắc đến những hoàn cảnh khó khăn. Các chương trình từ thiện được công ty thực hiện đa dạng, từ việc tài trợ kinh phí cho các quỹ học bổng, hỗ trợ xây dựng trường học, đến việc trực tiếp trao tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn. Điền hình là chương trình “Một triệu tập vở cho học sinh các dân tộc Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước” vào cuối năm 2023 và kéo dài đến quý 2 năm 2024. Thông qua các chương trình này, công ty không chỉ mang lại sự giúp đỡ thiết thực mà còn lan tỏa giá trị nhân văn, khích lệ tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Nam Sung cũng đã tham gia các dự án xây dựng nhà tình thương, trường học cho trẻ em nghèo, tạo điều kiện cho những hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận giáo dục và cải thiện cuộc sống. Những hoạt động thiện nguyện này không chỉ phản ánh cam kết của Nam Sung đối với sự phát triển bền vững của xã hội mà còn khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng một cộng đồng thịnh vượng hơn.

Trong bối cảnh đang có sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, văn hóa kinh doanh không chỉ là một chiến lược kinh doanh mà còn là một bước tiến tích cực hướng tới một tương lai bền vững và phát triển. Sự kết hợp linh hoạt giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội không chỉ là cần thiết mà còn là chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển trong thời đại ngày nay. Nam Sung chúng tôi cam kết xây dựng môi trường làm việc văn hóa và bền vững, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, xây dựng chữ tín và niềm tin cho khách hàng và người lao động.

Doanh nhân Trần Thị Huấn và chồng là Doanh nhân Trần Văn Cường – CT HĐQT Nhôm Nam Sung.

Bà vừa nhắc đến việc xây dựng chữ tín và niềm tin cho khách hàng, đúng là chữ tín là thước đo thương hiệu của doanh nghiệp bởi khách hàng, đối tác có tin tưởng thì mới gắn bó lâu dài, vậy theo bà, việc giữ chữ tín trong kinh doanh được thực hiện qua những hành động cụ thể như thế nào?

Doanh nhân Trần Thị Huấn: Tôi đã và đang xây dựng công ty hướng tới một doanh nghiệp hạnh phúc dựa trên các giá trị cốt lõi của Công ty gồm đạo đức, chính trực, trách nhiệm và trách nhiệm xã hội. Một doanh nghiệp hạnh phúc theo tôi ở đó nhân viên sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, khách hàng cảm thấy hạnh phúc khi sử dụng và trải nghiệm các sản phẩm của Công ty và chính tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình đã làm điều gì đó cho xã hội.

Chúng tôi đưa các giá trị cốt lõi của mình vào trong hoạt động kinh doanh hàng ngày và chúng tôi tin điều này sẽ giúp gia tăng sự uy tín, cũng như sự phát triển bền vững của Công ty trong sứ mệnh và tầm nhìn của mình.

Chữ tín trong cuộc sống quan trọng bao nhiêu thì trong kinh doanh, giá trị của nó còn gấp nhiều lần hơn thế nữa. Với thị trường lớn, quy mô sản xuất kinh doanh càng lớn thì chữ tín càng có vai trò quan trọng hơn. Doanh nghiệp có chữ tín là có tất cả. Chữ tín là thước đo thương hiệu của doanh nghiệp bởi khách hàng, đối tác có tin tưởng thì mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Để tạo được niềm tin cho khách hàng, trước hết người lãnh đạo doanh nghiệp phải tin vào chính mình trước bởi lẽ khi vào chính bản thân thì người lãnh đạo doanh nghiệp mới tự tin truyền được niềm tin cho khách hàng.

Việc giữ chữ tín sẽ mang lại sự phát triển trường tồn cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của của xã hội. Còn chỉ một lần mất tin thì… sẽ là vạn lần bất tín. Việc xây dựng chữ tín của doanh nghiệp khó hơn việc xây dựng chữ tín cho một cá nhân. Bởi lẽ, tính chất của sự hứa hẹn là một thông điệp, là sự cam kết được bảo đảm bởi đạo đức và pháp luật trong sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, với bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội và thách thức song hành. Vì vậy, việc tạo dựng chữ tín lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn với bản thân mỗi doanh nghiệp.

Ngày 19/5/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố và ban hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, có có nhận định gì về 6 quy tắc đạo đức doanh nhân này?

Doanh nhân Trần Thị Huấn: Tôi rất vui vì Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố và thúc đẩy thực hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, như vậy là chúng ta có cơ sở để đánh giá và tôn vinh doanh nhân, cũng như ghi nhận những đóng góp của doanh nhân đối với xã hội. Là một doanh nhân tôi cam kết sẽ thực hiện theo những quy tắc về đạo đức doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp phát triển, luôn đặt lợi ích đất nước, khách hàng, người lao động trên lợi ích cá nhân, làm giàu cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp đi đôi với phụng sự xã hội, nỗ lực hơn để đưa Nam Sung vươn ra hội nhập quốc tế.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà, kính chúc bà và đại gia đình Nam Sung ngày càng phát triển bền vững!

                 Phạm Tiến Dũng thực hiện