VHDN – LTS. Thế giới kinh doanh luôn thay đổi, xã hội vẫn tiếp tục vận hành, từng cá nhân cũng phải thay đổi để phù hợp với xu thế mới của thời đại. Tuy nhiên, điều quan trọng trong thế giới kinh doanh ngày nay là thay đổi như thế nào mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi, giữ lại nét văn hoá, nét tinh tuý nhất của thương hiệu. Đó là hành trình mà thương hiệu Nhôm Nam Sung đã trải qua và tạo nên niềm tự hào là một thương hiệu quốc gia.
Diễn đàn Doanh nghiệp/ Văn hóa Doanh nhân xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những chia sẻ của Doanh nhân Đoàn Thị Kiều Thanh, thế hệ F2, ái nữ của Doanh nhân Đoàn Văn Cường và Trần Thị Huấn – Thương hiệu Nhôm Nam Sung, một doanh nghiệp lớn mạnh và đang trên đà phát triển. Với sứ mệnh “nâng tầm Nhôm Việt”, Nhôm Nam Sung đã đóng góp cho sự phát triển của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Là doanh nhân thuộc thế hệ 9x, làm việc ở công ty gia đình vẫn phải thăng tiến từ chức vụ nhỏ nhất, Chị có gặp nhiều áp lực để khẳng định năng lực và có vị trí như ngày hôm nay?
Doanh nhân Đoàn Thị Kiều Thanh: Khi bắt đầu kế thừa sự nghiệp từ cha mẹ, tôi gặp không ít khó khăn. Đó là lúc ngành công nghiệp nhôm tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bão hòa. Khách hàng chủ yếu ưa chuộng nhôm nhập khẩu, khiến cho các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần.
Khó khăn nữa đối với mình đó là việc mọi người vẫn còn làm việc theo lối truyền thống. Để thay đổi được lối làm việc này cần phải thay đổi cả về tư duy lẫn phương thức hành động. Vì vậy, tôi luôn tìm cách đổi mới để quản lý và điều hành được hiệu quả hơn. Khi tiến xa với thị trường bên ngoài, tôi đi nhiều hơn, học hỏi thêm nhiều kiến thức từ thực tế, từ đó đúc kết được nhiều kinh nghiệm và bài học để áp dụng linh hoạt, triển khai trong hoạt động của công ty, đưa công ty từng ngày đổi mới và phát triển hơn. Sự đổi mới giúp cho mọi CBNV trong công ty phấn khởi, khích lệ tinh thần hăng say lao động sản xuất, nâng cao vị thế, thương hiệu sản phẩm của công ty, và hơn hết là đem được những sản phẩm chất lượng của người Việt tới người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà còn vươn tới thị trường và người tiêu dùng trên thế giới. Các sản phẩm của Nam Sung đều có chất lượng cao, không thua kém bất kỳ sản phẩm nhập khẩu nào.
Được bố và mẹ là người trực tiếp truyền lửa, tôi không chỉ tiếp tục công việc của cha mẹ mà mà còn định hướng phát triển mới cho công ty. Sứ mệnh của Nhôm Nam Sung đó chính là “Nâng tầm chất lượng nhôm Việt”. Tôi cùng 3 anh chị em và đội ngũ của mình đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn cao nhất.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ đó đã được ghi nhận một cách xứng đáng đó là sự tin cậy và sử dụng nhiều hơn của khách hàng. Điều này không chỉ giúp công ty khẳng định vị thế trên thị trường mà còn tạo động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục đầu tư vào việc nâng cấp máy móc, công nghệ sản xuất.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, Doanh nghiệp gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Văn hoá gia đình, văn hóa Doanh nghiệp không chỉ là phúc lợi tinh thần, mà gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Vậy điều gì đã làm nên văn hóa của Nam Sung và sự gắn bó của người lao động?
Doanh nhân Đoàn Thị Kiều Thanh: Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống gắn bó với ngành công nghiệp nhôm, tôi đã được thừa hưởng tinh thần và niềm đam mê mãnh liệt từ cha mẹ. Từ những ngày còn nhỏ, tôi đã được chứng kiến và cảm nhận sâu sắc những khó khăn và thách thức mà gia đình mình phải đối mặt khi quyết định dấn thân vào ngành công nghiệp này.
Chính những truyền thống gia đình trong kinh doanh đó đã hình thành nên ngọn lửa đam mê trong tôi, và tôi lại đem ngọn lửa và nhiệt huyết của mình để góp phần làm nên “ánh sáng” của Nhôm Nam Sung. Sự phát triển của Nhôm Nam Sung không chỉ dừng lại ở thế hệ của tôi mà còn lan tỏa đến lớp thế hệ sau. Và cho dù bất cứ thế hệ nào thì cũng sẽ kế thừa truyền thống mà cha ông đã xây dựng và vun đắp, đồng thời thực hiện tốt 6 quy tắc đạo đức doanh nhân mà VCCI đề ra. Việc làm giàu chính đáng và có trách nhiệm với xã hội luôn được đặt lên hàng đầu.
Nhắc đến văn hóa doanh nghiệp, người ta nghĩ ngay đến hệ thống các giá trị bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể. Với các giá trị vật thể DN có thể dễ dàng xây dựng và quy ước. Tuy nhiên, các giá trị phi vật thể mới đóng vai trò cốt lõi, các giá trị này được toàn thể thành viên DN thừa nhận, chia sẻ, tôn vinh và các thành viên trong DN ứng xử nhằm theo đuổi sứ mệnh và đạt được mục tiêu của mình. Giá trị cốt lõi của Nam Sung đã mang lại niềm tin lâu dài và có sức ảnh hưởng to lớn đối với mọi quyết định của tất cả các thành viên trong công ty, hệ thống giá trị cốt lõi chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, cũng là động lực là hạt nhân kết nối nội bộ doanh nghiệp.
Giá trị cốt lõi trong văn hóa của Nam Sung đó chính là:
– Uy tín: Uy tín đối với đối tác, khách hàng; niềm tin của họ là yếu tố sống còn để Nam Sung xây dựng và phát triển;
– Chất lượng: Mỗi sản phẩm, dịch vụ của Nam Sung luôn đạt chuẩn mực cao nhất, chất lượng tốt nhất; hiệp với khách hàng.
Bên cạnh các hoạt động sản xuất, Nam Sung còn thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện, thành lập Chi đoàn cơ sở, các hoạt động nhớ ơn liệt sỹ, trao quà cho trẻ em nghèo và hỗ trợ cho đồng bào vùng cao… Đây cũng chính là những hoạt động ý nghĩa để gắn kết doanh nghiệp với địa phương và phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, không chỉ phát triển kinh tế doanh nghiệp mà còn góp công sức nhỏ để xã hội tốt đẹp hơn.
Gần đây cụm từ: Văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp được nhắc nhiều và được coi như giá trị cốt lõi để doanh nghiệp phát triển bền vững. Nam Sung có chiến lược gì để đẩy mạnh phát triển thương hiệu không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế?
Doanh nhân Đoàn Thị Kiều Thanh: Công ty TNHH Nhôm Nam Sung đặt mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp Nhôm Billet và Nhôm thanh định hình; đồng thời xây dựng thương hiệu bền vững có tầm. Sứ mệnh của Nam Sung là “Nâng tầm chất lượng Nhôm Việt” ngành Nhôm nhằm khẳng định thương hiệu Nhôm Việt chất lượng sánh ngang với các thương hiệu lớn trên thế giới.
Với tầm nhìn, sứ mệnh đó Nam Sung đã đề ra những chiến lược dài hạn trong kinh doanh, lấy những giá trị cốt lõi làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động, xây dựng Nam Sung phát triển bền vững và vươn tầm thế giới.
Tinh thần kế thừa và phát triển sự nghiệp của gia đình chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ sau, tiếp tục cống hiến và xây dựng nền công nghiệp nước nhà ngày càng vững mạnh và phát triển.
Trong các gia tộc doanh nhân hiện nay rất quan tâm đến việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Chị cùng các thành viên khác trong gia đình nghĩ sao về quan điểm: Để doanh nghiệp gia đình phát triển thì việc kế thừa trong các doanh nghiệp gia đình nên ưu tiên người có năng lực chứ không phải ưu tiên con cả hơn con thứ, con trai hơn con gái?
Doanh nhân Đoàn Thị Kiều Thanh: Ba mẹ tôi không quan trọng việc con cả hay con thứ. Ba mẹ hay dạy chúng tôi phải đoàn kết và đồng lòng vì mục tiêu chung. Ông bà luôn có những triết lý sống cũng như ý tưởng, tầm nhìn khiến chúng tôi luôn phải học hỏi và noi theo.
Khi ở cái tuổi trên 60, cái tuổi được nghỉ hưu an dưỡng tuổi già. Thế nhưng vẫn với tâm nguyện quyết tâm xây dựng mục tiêu đưa nhôm Nam Sung vươn ra thế giới, ba mẹ tôi vẫn theo sát từng bước đi của Nam Sung và tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ. Sự cống hiến đó là quá lớn khiến chúng tôi luôn ngưỡng mộ, khâm phục và quyết tâm phải đi theo, phải giữ gìn và phát triển đưa mục tiêu đó trở thành hiện thực, đó là Nam Sung có tên trong TOP 1 ngành Nhôm Việt Nam.
Đó là lòng biết ơn sâu sắc mà chúng tôi dành cho bố mẹ. Cũng biết ơn đất nước Việt Nam đã là nơi chúng tôi được sinh ra và lớn lên với hoài bão của thế hệ đi trước. Sau này chúng tôi sẽ là người truyền lửa cho thế hệ sau.
Trân trọng cảm ơn Chị cùng những chia sẻ thú vị!
Thực hiện: Hoài Nguyên – Phạm Anh