Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng chia sẽ kế hoạch quảng bá hình ảnh và giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Kiên Giang. Minh Kiệt thực hiện.
Xin Ông cho biết một số điểm nổi bật trong bức tranh ngành du lịch Kiên Giang hiện nay?
Căn cứ đặc điểm tự nhiên, lịch sử, văn hoá, tài nguyên…Kiên Giang có đầy đủ lợi thế về phát triển du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chúng tôi đã xác định 04 trung tâm du lịch gồm: Phú Quốc, Hà Tiên-Kiên Lương, Rạch Giá-Kiên Hải-Hòn Đất (Rạch Giá và vùng phụ cận) và U Minh Thượng.
Đặc biệt, Phú Quốc sở hữu nhiều bãi biển và cảnh quan đẹp với hệ sinh thái biển đảo, vườn quốc gia và khu bảo tồn biển Phú Quốc. Phú Quốc cũng được xác định trở thành KDL quốc gia và trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Với tiềm năng và lợi thế này, Kiên Giang luôn thu hút số lượng lớn khách du lịch. 9 tháng đầu năm 2019, Kiên Giang đón 6,9 triệu lượt khách (526 ngàn lượt khách quốc tế), doanh thu 6,304 ngàn tỷ đồng. Riêng Phú Quốc đón 483 ngàn lượt khách (45 ngàn lượt khách quốc tế).
Dự báo đến cuối năm 2019, tỉnh có 763 cơ sở lưu trú, 23 nghìn phòng đáp ứng nhu cầu tham quan và nghỉ dưỡng cho du khách.
Đâu là nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của Kiên Giang, thưa ông?
Với đặc trưng các quần đảo trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn hoang sơ, không khí trong lành, bãi tắm đẹp…Kiên Giang đã và đang tập trung phát triển 05 nhóm sản phẩm chính: nhóm sản phẩm du lịch nghĩ dưỡng biển, nhóm sản phẩm du lịch văn hoá, nhóm sản phẩm du lịch sinh thái gắn với văn hoá cộng đồng, nhóm sản phẩm du lịch MICE và nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực cũng như kết quả công tác quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang đến thời điểm này?
Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Kiên Giang thành điểm đến an toàn, thân thiện và văn minh, đặc biệt là hình ảnh Phú Quốc – trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế.
Ngoài Phú Quốc, 03 khu vực còn lại hiện do các công ty lữ hành xây dựng chương trình cụ thể theo định hướng nhóm sản phẩm.
Tôi nghĩ rằng công tác quảng bá hiện nay vẫn còn hạn chế, đặc biệt là quảng bá ra nước ngoài. Vì thế, hiện chúng tôi đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang, tập trung đổi mới cách thức, nội dung và ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quảng bá du lịch, góp phần quảng bá Kiên Giang là điểm đến “an toàn-thân thiện-chất lượng”.
Theo ông, Kiên Giang cần thực hiện giải pháp nào để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch?
Hiện chúng tôi đang tập trung triển khai 07 giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Thứ nhất, hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường bộ, thuỷ và hàng không) nhằm tạo thuận tiện cho du khách tiếp cận các vùng và nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng.
Thứ hai, liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm du lịch trên cơ sở kết nối trong mỗi vùng, kết nối giữa 4 vùng và kết nối 4 vùng với bên ngoài, kết nối các nhà cung ứng, kết nối công ty lữ hành trong tỉnh và các thành phố lớn…
Thứ ba, phát triển công ty lữ hành của tỉnh thông qua các cơ chế, chính sách thích hợp làm cầu nối kết nối sản phẩm du lịch theo chuỗi.
Thứ tư, triển khai chính sách bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ môi trường văn hoá và sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch (cả công tác quản lý nhà nước, đội ngũ nhân viên du lịch và cộng đồng dân cư).
Thứ sáu, ứng dụng CMCN 4.0 quảng bá du lịch Kiên Giang, tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận sản phẩm du lịch thông qua trang web, kênh đạt chỗ, mua tour…
Thứ bảy, đầu tư xúc tiến du lịch, tập trung vào thị trường mục tiêu bao gồm các thành phố lớn trong nước (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng..) và các thị trường quốc tế (ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu…)