Cảnh quan và đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây…là một trong những lợi thế phát triển du lịch của Long An. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Long An Nguyễn Anh Dũng chia sẽ với Tạp chí VHDN về giải pháp đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2020. Minh Tuấn thực hiện.
Du lịch mùa nước nổi ở Làng nổi Tân Lập Long An
Ông vui lòng điểm qua một số kết quả thu hút đầu tư phát triển du lịch của Long An trong những năm gần đây?
Với vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL, Long An trong những năm gần đây ngày càng tạo sức hút lớn đối với du khách.
Doanh thu du lịch đã tăng đáng kể nhờ vào nỗ lực đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Nếu như vào năm 2008, tổng nguồn thu từ du lịch chỉ đạt 57 tỷ đồng, thì năm 2018 con số này là 560 tỷ Đồng. Con số trên cho thấy du lịch của tỉnh đã tăng cả về giá trị và nhịp độ.
Hoà cùng nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, du lịch Long An ghi nhận tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm, tỉnh từng bước nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên du lịch.
Mục tiêu chiến lược của tỉnh là phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng sẵn có và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Nỗ lực này dựa trên cảnh quan môi trường, du lịch văn hoá-lịch sử, khai thác tiềm năng địa phương, tạo liên kết chặt chẽ với các tỉnh thành lân cận.
Trong thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng và tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Cụ thể, chúng tôi luôn đôn đốc doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ một số dự án như: khu di tích lịch sử và công trình văn hoá, khu văn hoá đa năng ngoài công lập làng nổi Tân Lập, khu văn hoá đa năng ngoài công lập Láng Sen, khu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland), điểm du lịch văn hoá thể thao Phước Lộc Thọ hay vườn thú Mỹ Quỳnh…
Từ khi kêu gọi xã hội hoá đầu tư vào du lịch, nhiều khu du lịch mới đã hoà vào mạng lưới các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, giúp đa dạng hoá sản phẩm du lịch.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung vốn ngân sách có trọng tâm, trọng điểm nhằm kích cầu hoá đầu tư du lịch; đẩy mạnh xã hội hoá du lịch; tạo cơ chế thuận lợi, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển du lịch.
Long An có những cơ chế chính sách cụ thể nào để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và kêu gọi xã hội hoá phát triển du lịch, thưa ông?
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, Long An đặt mục tiêu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và là điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TPHCM và ĐBSCL với hình ảnh đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười.
Để đạt mục tiêu trên, chúng tôi đã đề ra một số cơ chế, chính sách nhằm tiến tới xã hội hoá phát triển du lịch cũng như khuyến khích và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia.
Một là, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thông qua cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển du lịch.
Hai là, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo nghị quyết của Bộ chính trị và triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Ba là, ban hành chính sách xã hội hoá nhằm huy động nguồn lực xã hội để phát triển du lịch theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; bổ sung hoặc xây dựng mới chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; đưa ra các ưu đãi về đất đai, vốn, thuế; phát triển hạ tầng du lịch và đạo tạo nguồn nhân lực…Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiến hành xã hội hoá trong bảo tồn di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; đơn giản hoá thủ tục xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch đến Long An.
Bốn là, đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; huy động vốn xã hội đầu tư các công trình giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư hình thành các khu/điểm du lịch vùng Đồng Tháp Mười, Happyland, điểm du lịch sinh thái Đồn Rạch Cát; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật các cơ sở lưu trú, nhà hàng…
Năm là, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ theo định hướng phát triển của tỉnh; tạo điều kiện để người dân trực tiếp làm du lịch, đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch đồng thời xử lý nghiêm các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.