Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Du lịch Bình Định đã kiến nghị bổ sung nhiều quy hoạch nhằm tận dụng lợi thế bờ biển dài, thúc đẩy phát triển du lịch. Tạp chí Văn hóa Doanh Nhân đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Nguyễn Văn Dũng.
Ông vui lòng cho biết lợi thế đặc thù về du lịch của Bình Định?
Bình Định có vị trí kinh tế đặc biệt, nằm ở trung điểm trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc – Nam, cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất ở Tây Nguyên. Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2020, Bình Định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại, trung tâm phát triển kinh tế-xã hội nổi bật tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó du lịch là một trong những ngành kinh tế chủ chốt.
Tỉnh là một trong số ít địa phương hội tụ đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và hàng không. Tỉnh có Quốc lộ 19 kết nối Tây Nguyên, nhiều tuyến đường bộ ven biển và tỉnh lộ thuận lợi cho phát triển du lịch. Đặc biệt, tuyến đường sắt Bắc Nam với Quy Nhơn là điểm dừng chân quan trọng trong tuyến du lịch đường sắt xuyên Việt.
Ngoài ra, tỉnh có sân bay Phù Cát có khả năng tiếp nhận 500 ngàn lượt khách/năm (năm 2025) thuận lợi cho việc đón khách từ các thành phố lớn trong nước.
Hơn nữa, tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch lớn, bờ biển dài (134km), nhiều vịnh và bãi tắm đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Quy Nhơn, Tam Quan, Phương Mai, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Đảo Yến…
Bình Định cũng là quê hương của các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi, lễ hội truyền thống…
Đâu là nguyên nhân khiến Bình Định chưa thu hút được nhiều khách quốc tế và giải pháp như thế nào?
Dù sở hữu nhiều lợi thế, nhưng Bình Định vẫn đang đối mặt một số khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế bao gồm: chưa có đường bay quốc tế; số lượng cơ sở lưu trú còn ít (chỉ có 156 khách sạn với tổng cộng 4.500 phòng, duy nhất 1 khách sạn 5 sao), thiếu hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch, chưa có tàu du lịch tại các cảng biển, chưa có cảng biển du lịch, thiếu điểm dừng chân cho du khách trên tuyến quốc lộ và đường bộ ven biển, thiếu các khu dịch vụ vui chơi giải trí; chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên biết ngoại ngữ…
Về giải pháp, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế, Sở Du lịch đã đề xuất xây dựng đề án mở tuyến bay từ Phù Cát đi các nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…Ngoài ra, Sở Du lịch cũng trình UBND tỉnh đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Xin ông cho biết thêm công tác phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Định nhằm thu hút khách du lịch?
Hiện tỉnh đã đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch văn hoá-lịch sử, du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện).
Về du lịch biển: tỉnh đã hình thành các khu nghỉ dưỡng ven biển (Vinpearl, Nhơn Lý, Phương Mai-Núi Bà), xây dựng tuyến du lịch biển đảo (Nhơn Châu, Hòn Khô), các khu sinh thái (Cồn Chim-Đầm Thị Nại), phát triển sản phẩm du lịch thể thao biển, dịch vụ ẩm thực…
Về sản phẩm du lịch văn hoá-lịch sử: tỉnh đã quảng bá các sản phẩm du lịch văn hoá phi vật thể (Bài Chòi, Tuồng, võ cổ truyền), tôn tạo các di tích văn hoá-lịch sử (Tháp Chăm, Thành Đồ Bàn, Bảo tàng Quang Trung, khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc), bảo tồn và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống (chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, lễ hội Chợ Gò..)
Ngoài ra, Bình Định cũng đã hình thành các tuyến du lịch trọng điểm: Quy Nhơn-Sông Cầu; Quy Nhơn-Nhơn Hội-Tam Quan; Quy Nhơn-An Nhơn-Tây Sơn cùng các tuyến di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến.
Hoạt động liên kết phát triển du lịch với các địa phương được tỉnh quan tâm như thế nào nhằm tạo sức hút cho du khách quốc tế?
Bình Định đã ký kết hợp tác du lịch với TP.HCM và Hà Nội, hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk) và với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Tỉnh cũng tham gia các hoạt động như Hội chợ du lịch quốc tế, ngày hội du lịch Tp.HCM, hội chợ triển lãm du lịch tại Hà Nội, các hội thảo du lịch tại Tp.HCM, Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên, tổ chức các chương trình như Farmtrip, Presstrip, Roadshow. Việc hợp tác cũng đã giúp Bình Định quảng bá hình ảnh du lịch ra nước ngoài.
Hiện nay, tỉnh đã hoàn thiện chuỗi kết nối di sản văn hoá khu vực miền Trung và Tây Nguyên kết nối các tuyến, tour du lịch với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên…
Ngoài ra, tỉnh đã tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành lớn như Viettravel, Fiditour, Saigontourist, Lửa Việt, Sadaco…nhằm đưa khách về Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung.
Xin ông chia sẻ thêm về định hướng phát triển du lịch của Bình Định trong thời gian tới?
Nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Bình Định, ngay từ năm 2017, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế. Hiện Tổng Công ty hàng không Việt Nam đang xây dựng nhà ga hành khách, đầu tư hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu để nâng cao năng lực khai thác cảng hàng không Phù Cát lên 2 triệu khách/năm, đáp ứng nhu cầu du khách đến Bình Định trong thời gian tới.
Tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh, tổ chức các sự kiện giới thiệu du lịch tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh và các thành viên của Hiệp hội để chuẩn bị dịch vụ, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để phục vụ du khách tốt hơn.
Xin cám ơn Ông!
Bảo Châu