“Định hướng chung là ưu tiên phát triển, xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế”, là chia sẻ của ông Võ Phạm Tân – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang với Tạp chí VHDN về Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Tỉnh ủy Tiền Giang, ngành du lịch của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực ra sao, thưa Ông?
Trước hết là nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và xã hội về vị trí, vai trò của kinh tế du lịch được nâng lên và được quan tâm nhiều hơn, đã tạo động lực cho ngành du lịch tỉnh nhà phát triển. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tỉnh và các địa phương về việc xây dựng kế hoạch phối hợp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển du lịch cơ bản tốt. Ngành đã tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất để mời gọi nhà đầu tư vào các dự án phát triển các khu, điểm du lịch, các khu vui chơi giải trí,… phù hợp theo Quy hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh Tiền Giang.
Nhìn chung, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh trên cả 3 mặt: cơ sở hạ tầng; điểm, tour tuyến du lịch và lượng khách du lịch. Việc ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, địa phương triển khai các hoạt động phát triển du lịch Tiền Giang. Các đơn vị kinh doanh du lịch thuộc các thành phần kinh tế phát triển nhanh về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch được nâng lên. Các chương trình tour được thiết kế đa dạng, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Các khu, điểm du lịch được cải tạo, đầu tư nâng cấp, các khu di tích lịch sử – văn hóa đã được đầu tư, tôn tạo gắn phát triển du lịch. Tập trung khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hoá, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tạo được điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế và trong nước, góp phần gia tăng khách du lịch đến Tiền Giang.
Liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh được xem là hướng đi mới mở ra cơ hội phát triển du lịch Tiền Giang theo hướng bền vững và hiệu quả. Vậy ngành du lịch chú trọng thiết lập các liên kết này như thế nào?
Với lợi thế về tài nguyên du lịch, Ngành du lịch Tiền Giang đã xác định hợp tác, liên kết phát triển là giải pháp quan trọng nhằm bổ sung những hạn chế, phát huy những thế mạnh về sản phẩm du lịch của mỗi địa phương trong vùng, nhằm tạo được sức cạnh tranh của du lịch Tiền Giang so với các địa phương khác. Ngoài 6 tỉnh trong cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông vùng ĐBSCL, gồm: Tiền Giang – Vĩnh Long – Bến Tre – Trà Vinh – Long An – Đồng Tháp, Tiền Giang còn có các tỉnh khác trong vùng và những đối tác quan trọng khác là các thị trường trọng điểm, đặc biệt là với TP. Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ Dự án phát triển du lịch Mekong, Tiền Giang đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng và tăng cường hợp tác phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong. Việc đưa vào khai thác Bến tàu du lịch Mỹ Tho nhằm phục vụ khách tham quan sông nước Tiền Giang và đón các tàu du lịch hành trình trên tuyến du lịch TP HCM – Phnom Penh, sẽ mở ra vận hội mới cho ngành du lịch trong việc liên kết tour tuyến giữa đường thủy và đường bộ, giữa các tỉnh ĐBSCL và các nước trong khu vực Tiểu vùng Sông Mekong. Thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017-2020, thoả thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL, với các tỉnh Vùng Đồng Tháp Mười,…
Trong năm 2018, ngành du lịch Tiền Giang ước đón 2.016.200 lượt khách, đạt 100,81% so với kế hoạch, tăng 8,98% so với năm 2017. Trong đó, có 811.249 lượt khách quốc tế, tăng 10,43% so với năm 2017 và 1.204.951 lượt khách nội địa, tăng 8,03% so với năm 2017. Doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch 992,001 tỷ đồng, đạt 109,66% so với kế hoạch.
Thời gian qua, vấn đề huy động các nguồn lực đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng và các thiết chế phục vụ du lịch theo hướng xã hội hóa được ngành du lịch tỉnh quan tâm triển khai đạt hiệu quả ra sao?
Trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, trong đó chú trọng chính sách xã hội hóa và phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm để làm điểm đột phá, tạo điểm nhấn của du lịch Tiền Giang. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đầu tư gần 2.199 tỷ đồng, gồm các dự án: khách sạn Mekong theo chuẩn 3 sao; Khách sạn Central Plaza Mỹ Tho, tiêu chuẩn 4 sao; Cảng du thuyền; Khu du lịch – Nhà hàng – Khách sạn MeKong Paradise; Khách sạn Moon River Hotel; Khu đón tiếp đường bộ cù lao Thới Sơn; Khách sạn ÊEM Cái Bè, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mỹ Đức; Khu du lịch sinh thái Gò Công; Khu du lịch Sinh thái – Nghỉ dưỡng Ốc Đảo. Ngoài ra, dự án đã trao chủ trương nghiên cứu: Bến tàu khách du lịch (tàu cao tốc), vốn đầu tư: 985 tỷ đồng, do Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP làm chủ đầu tư,…
Ngoài ra, tập trung triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị: “Lễ hội văn hóa – du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ IV năm 2019”; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch và Lễ hội vào cuối năm 2019; Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định năm 2019. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiệc hiện các dự án: đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, mở rộng đền thờ Trương Định ở Gia Thuận (Gò Công Đông), lăng Hoàng Gia (thị xã Gò Công); hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tour du lịch liên kết Mỹ Tho – Vũng Tàu bằng tàu cao tốc nhằm thu hút khách du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch nhằm thu hút và phục vụ tốt nhu cầu của du khách.
Nhằm thúc đẩy du lịch tỉnh Tiền Giang phát triển lên tầm cao mới, đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như Nghị quyết số 11-NQ/TU đề ra, thời gian tới du lịch Tiền Giang sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?
Chỉ tiêu của Nghị quyết đặt ra đến năm 2020 đón khoảng 2,2 triệu lượt khách (tăng bình quân từ 8 đến 10%/năm). Trong đó, có hơn 900 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 7,3 ngàn tỷ đồng, có ít nhất 290 cơ sở lưu trú, với 7,2 ngàn phòng; có ít nhất 34,8 ngàn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 7.000 lao động trực tiếp. Riêng năm 2019, dự kiến đón hơn 2,1 triệu lượt khách, trong đó, có khoảng 850 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1,141 ngàn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung khai thác phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu ở 4 khu vực chính: Trung tâm TP.Mỹ Tho, huyện Cái Bè, huyện Tân Phước và huyện Gò Công Đông. Tiếp tục triển khai Đề án Lễ hội Văn hóa du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Tiền Giang; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị chợ nổi Cái Bè hình thành tour du lịch đặc trưng của tỉnh: Chợ nổi Cái Bè – Làng cổ Đông Hòa Hiệp-làng nghề truyền thống- các nhà vườn cù lao Tân Phong. Xây dựng Đề tài mô hình du lịch sinh thái và tâm linh vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh trong liên kết phát triển du lịch Tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa Tiền Giang – Đồng Tháp – Long An với phương châm “Ba địa phương một điểm đến”. Đồng thời mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các lĩnh vực: Trung tâm thương mại; khu vui chơi giải trí; khách sạn, resort (4-5sao), homestay, khu, điểm du lịch,…. để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Hiện tỉnh đang triển khai thực hiện lắp 66 điểm phát wifi phục vụ cho hoạt động du lịch, 22 điểm phát wifi phục vụ cho các chợ, trung tâm thương mại, vận hành Cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh …và thực hiện “Bản đồ du lịch điện tử” nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Kỳ vọng với những nỗ lực nêu trên, Du lịch Tiền Giang sẽ có nhiều khởi sắc, không ngừng phát triển, ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đã đề ra./.