VHDN – Những bếp lửa bập bùng dưới chân núi mẹ Lang Biang, buôn làng vọng tiếng chiêng cồng. Những đôi chân trần của chàng trai, cô gái miền sơn cước hòa nhịp cùng lữ khách, đê mê trong hương rượu cần mênh mang. Những giọng ca ngân lên nồng nàn giữa đại ngàn nam Tây nguyên. Dòng cảm thức và những huyền thoại là chất men cuốn hút lữ khách về với buôn làng người K’Ho ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Nói là buôn làng, nhưng những bon (buôn) Đăng Gia, Bon Đưng, Bnơh… ở thị trấn cùng tên huyện đã “lên” tổ dân phố gần 20 năm rồi và nhiều người vẫn quen lối gọi cũ.
- Không đâu trên vùng đất Tây nguyên có những buôn làng nhiều nghệ sĩ, ca sĩ quanh năm, suốt tháng hát ca như ở xứ này. Mỗi bon chỉ vài trăm nóc nhà nhưng có đến hàng chục nghệ sĩ, ca sĩ. Trong đó, không ít người đã thành danh và nổi tiếng trong nước, thậm chí họ còn mang chất Tây nguyên sang trình diễn tận bên kia bán cầu, cùng hơn 10 đội cồng chiêng đang được cấp phép hoạt động phục vụ du lịch.
Mặt trời gác núi. Những đoàn xe du lịch xếp hàng dài trên cung đường dẫn đến chân núi. Họ là những du khách tìm về miền đất huyền thoại này, bởi sự mê hoặc của văn hóa bản địa nam Tây nguyên, để được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng, thưởng thức men nồng rượu cần Lang Biang và được nghiêng ngả đêm rừng cùng sơn nữ.
Đêm nay nhóm cồng chiêng Yồ Rơng của Krajan Druynhs đón khách. Thủ tục xin phép thần linh vừa dứt, tiếng chiêng tấu lên thổn thức. Nào tiếng chiêng mừng khách quý, tiếng chiêng mừng ngày hội mùa, tiếng chiêng drênh gọi mưa, tiếng chiêng proh gọi bầy… Khung cảnh trở nên huyền bí. Sự háo hức, lạ lẫm đồng hiện trên những khuôn mặt du khách, khi nghe giới thiệu về văn hóa tộc người K’Ho, tình sử đôi uyên ương miền sơn cước, gắn với sự hình thành ngọn Lang Biang. Vít cong cần rượu trong nhịp chiêng bay bổng, bà Lê Thi, Việt kiều Pháp, tỏ vẻ mãn nguyện: “Trong những chuyến trở về quê hương, tôi đều tìm đến những điểm du lịch nổi tiếng trong nước. Đây là lần đầu tôi đến miền đất này. Quả thật, văn hóa Tây nguyên có sức hút kỳ lạ”.
Anh Krajan Druynhs cho biết: “Mỗi nhóm cồng chiêng ở đây khoảng 20 đến 30 người, thường phục vụ du khách từ chiều đến tận khuya. Làm thêm chiều tối thôi, nhưng đã góp phần thay đổi cuộc sống của buôn làng mình”. Ngọn lửa cao nguyên rực cháy, ngồi bên tôi, anh Alex Joyex, người Pháp, chia sẻ: “Được tự tay đánh chiêng, đàn đá, thổi kèn bầu tôi cảm thấy rất thú vị. Ở đây thật tuyệt, mọi người có vẻ rất thích thú”.
Với gần 70% đồng bào dân tộc bản địa sinh sống, người K’Ho Cil, Lạch ở Lạc Dương luôn gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo và tiếp biến phù hợp thời đại, đó là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội dân gian, âm nhạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa rượu cần… Thời gian qua, hoạt động du lịch trên nền tảng văn hóa ở miền đất chất chứa huyền thoại này luôn hấp dẫn du khách. Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Cil Poh cho biết: “Sự ra đời của các nhóm biểu diễn cồng chiêng đã tạo sự sôi nổi trong hoạt động văn hóa địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người bản địa và mang lại giá trị kinh tế khi tiếp biến trong môi trường du lịch”.
Vũ điệu đại ngàn
- Lang Biang, ngọn núi có độ cao hơn 2.000 mét so với mặt biển. Có rất nhiều truyền thuyết về ngọn núi này, nhưng phổ biến nhất là chuyện tình diễm lệ nàng K’Lang và chàng K’Biang. Ở vùng đất huyền bí này, chẳng hiểu sao, những đứa con trai, con gái cứ sinh ra là đã yêu hát ca, thích tiếng chiêng, tiếng cồng. Bởi thế, những buôn làng dưới chân núi ấy chỉ vài trăm nóc nhà, nhưng có đến hàng chục nghệ sĩ, ca sĩ.
Chiều buông, bên hiên nhà truyền thống, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Tây nguyên, người viết ca khúc Lang Biang S’Ning, giúp ca sĩ Bonneur Trinh (huyện Lạc Dương) đăng quang tại cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.Hồ Chí Minh năm 2002, già Krajan Plin cho rằng: “Giọng ca của buôn làng mình đa số được hình thành tự nhiên, có lẽ do được uống con nước của suối Dà P’Lah, được hưởng sinh khí của núi rừng, mỗi ngày được nghe tiếng chim C’rao lảnh lót, hay tiếng thét gọi nhau khi vào rừng”. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, vào mỗi mùa hội “ăn rừng”, mừng lúa mới… bà con thường ngồi quanh ché rượu cần hát trên “nền văn vần”, ngôn ngữ thơ; trường độ, cao độ tùy theo mức độ ngẫu hứng, có lẽ nhờ vậy mà những người con sinh ra, lớn lên giữa đại ngàn núi mẹ Lang Biang có chất giọng đặc trưng, dễ nhận biết. Không qua trường lớp thanh nhạc, họ hát hồn nhiên như hơi thở giữa đại ngàn.
Nhạc sĩ Krajan Dick thổ lộ: “Người Lạch, người Cil dưới chân Lang Biang yêu âm nhạc ngay từ khi máu ở trong mình biết chảy. Trước hết là do trời phú, không gian phát triển bản năng. Sau nữa là nhờ theo chân con hươu, con nai rừng nên sức khỏe dẻo dai và ý thức phát triển có chọn lọc”.
Khó để tính hết những “viên ngọc thô” của buôn làng dưới chân núi ấy, từ thời Krajan Plin, Păng Ting Mút, Krajan Dí, Krajan Dick đến thế hệ sau có hàng chục người được công chúng biết đến, như Krajan Út, Cil Pơi, vào vòng chung kết Sao Mai 2003; Krajan Sik đạt huy chương vàng cuộc thi dân ca toàn quốc năm 2005; nhóm nhạc “Hoa đất” đã từng nổi tiếng một thời trong làng âm nhạc Việt Nam; giọng ca Việt Nam Got Talen Krajan Druynhs… Tiếng hát cao nguyên còn vang vọng phía bên kia bán cầu, khi Păng Ting Lực (nhóm Hoa đất), rồi Cil Ri Lin, Cil Rô Lin… đã có “chỗ đứng” trong một số ban nhạc tại Mỹ. “Nếu tính số ca sĩ trên tổng số dân, chắc chắn nơi đây đứng thứ nhất cả nước”, Krajan Dick ví von.
Chẳng cần giải thích rõ ràng về phát tích của “làng ca sĩ chân trần” dưới chân núi Mẹ. Theo mạch nguồn văn hóa, cùng với bản tính lãng mạn của họ, ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây nguyên hùng vĩ đều có được giọng hát với âm vực rộng, âm điệu vang… Mỗi khi cất lên nóng hổi, khát khao như trút cạn hơi trong lồng ngực và tự nhiên thành danh bằng tài năng thiên bẩm.
- Đỉnh Lang Biang đang bồng bềnh trôi trong sương khuya. Tôi cũng đã ngất ngây hương nồng rượu cần cùng những cô gái miền sơn cước. Ở Tây nguyên, trong sinh hoạt cộng đồng đã có lửa thì thường có rượu. Văn hóa của người thiểu số miền này, lửa và rượu là một triết lý sống, một thứ văn hóa. Khi ngọn lửa bùng lên và người ta cứ thế “vin cần uống núi rừng thiêng”. Có thể nói, rượu của người thiểu số Tây nguyên mang tính lễ nhiều hơn. Rượu là lễ vật, rượu mừng hội buôn làng, rượu hiện hữu trong lễ cưới và cả trong lúc tiễn đưa người chết.
- Ánh trăng nhạt dần, chỉ còn huyền ảo dáng núi Lang Biang như bộ ngực sơn nữ căng tròn. Tôi mung lung về miền hư ảo… Già Krajan Plin vỗ vai, mê sơn nữ Lang Biang rồi à? Quả thật, không chỉ trong huyền tích, mà ngay trong không gian hiện hữu này, những cô gái bộ tộc Lạch thật lạ. Không hổ danh là những con chim C’rao vùng nam Tây nguyên, như nhận định của nhiều người. “Con gái ở đây mũi cao, mắt sâu, dáng mỹ miều… giống nữ thần Apsara trong truyền thuyết. Có thể, đó là sự giao thoa thời Chăm Pa, một số người dòng dõi hoàng tộc đã lên xứ này?”, già Plin tiếp lời.
Không thể kể hết những bông hoa rừng xứ này, chỉ nhớ sơn nữ Cil Rilin, Cil Dalin, Krajan Pheny, Krajan Loen, từng lọt vào vòng bán kết cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011; hoa hậu miền sơn cước 2007 Krajan Jut Jui…
Lần theo cứ liệu, địa chí Lâm Đồng có nhắc đến “dấu vết” tiếp xúc giữa người Lạch với nền văn hóa Chăm Pa khá đậm nét. Văn hóa Chăm Pa đã mang đến cho các cư dân nam Tây nguyên nghề làm lúa nước, phá vỡ dần tính bền vững của tổ chức xã hội cổ truyền theo làng khép kín. Trong nhiều truyện cổ có nhắc đến cuộc hôn nhân đầy trắc trở, nhưng diễm tình giữa chàng Choi (K’Ho) và công chúa Chăm Nai Tơlui, hay cuộc hôn nhân vì liên minh quân sự giữa K’Bùng với công chúa Hé (Chăm)… Và cái tên Sara cũng gợi mở nhiều điều.
Ngoài cái lý của sự giao thoa, có lẽ, với không gian khoáng đạt đại ngàn; miền nam Tây nguyên thơ mộng, huyền ảo cũng tạo cho những người con núi rừng nét đẹp hoang dã, thân thiện. Hiện, trong sử liệu Lâm Đồng còn lưu giữ nhiều bức ảnh đen trắng tuyệt đẹp về sơn nữ K’Ho buông lơi ngực trần tròn mọng. Ngày nay, tục để ngực trần không còn nữa, nhưng vẻ mặn mà của những đóa hoa rừng Lang Biang vẫn đầy hấp lực, đủ để những lữ khách một lần chếnh choáng men rượu cần mà quên lối về.
Hải Bằng