Là tỉnh nằm gần cuối trời Tổ quốc, Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh khác trong việc thu hút đầu tư, từ hạ tầng giao thông cho đến các dự án, công trình xây dựng. Tuy nhiên, chặng đường 20 năm đổi mới đã không ngừng ghi dấu sự nỗ lực của toàn tỉnh và các cấp ban ngành trong việc “trải thảm đỏ” để mời gọi thu hút đầu tư. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều công trình mang tầm vóc quốc gia, tạo nên thế đứng mới cho vùng đất Bạc Liêu. Xoay quanh công tác kêu gọi thu hút đầu tư, phóng viên Kim Oanh của Tạp chí văn hóa doanh nhân ( VCCI) đã có buổi phỏng vấn với Ông Trần Thanh Tâm – Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bạc Liêu.
Ông Trần Thanh Tâm – Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bạc Liêu
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, Bạc Liêu vẫn thu hút được khá nhiều dự án đầu tư. Xin Ông chia sẻ cụ thể hơn về những thành công Tỉnh đã đạt được trong việc thu hút đầu tư thời gian qua ?
Tính đến thời điểm hiện nay, Bạc Liêu đã thu hút được 105 dự án đầu tư; trong đó: có 90 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 21.699 tỷ đồng, có 150 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 72,4 triệu USD. Tuy không có nhiều lợi thế thu hút đầu tư bằng các địa phương khác nhưng để có được những kết quả khả quan trong hoạt động thu hút đầu tư, Bạc Liêu đã chủ động xây dựng những cách thức, phương pháp thu hút và mời gọi đầu tư khác biệt. Đặc biệt, trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh không gói gọn trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư mà là cả hệ thống chính trị đều vào cuộc khi có điều kiện, điều này đã nâng cao hiệu quả trong việc thu hút đầu tư. Không những vậy, Bạc Liêu quan tâm việc thu hút đầu tư tại chỗ như là một kênh xúc tiến hiệu quả đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho các nhà đầu tư luôn với phương châm: “đúng đối tượng, đủ chính sách, nhanh thủ tục”; đặc biệt là áp dụng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ ở mức cao nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư.
Có thể nói, với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả; môi trường đầu tư của tỉnh Bạc Liêu ngày càng được hoàn thiện, thông thoáng và minh bạch hơn; chính sách và thủ tục hành chính có nhiều cải cách,… được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là địa bàn rất có tiềm năng và cơ hội đầu tư, là một “điểm sáng” về đầu tư trong khu vực.
Trong số các dự án đầu tư Tỉnh đã thu hút được thì đâu là những dự án lớn, làm nên tảng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng Bạc Liêu lên tầm cao mới?
Những dự án lớn mang lại hiệu quả được xem là động lực làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng Bạc Liêu lên tầm cao mới, như:
– Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn II, đưa vào vận hành 62 trụ turbine với tổng công suất 99,2MW; tính hết tháng 6/2017 tổng sản lượng điện năng phát lên lưới quốc gia là 388.604,1MW/h. Có thể nói đây là dự án đặt tiền đề để Bạc Liêu trở thành những địa phương đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
– Dự án sản xuất giống thủy sản của Công ty cổ phần Việt Úc Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động với công suất 20 tỷ con giống/năm; đang triển khai dự án mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính với tổng diện tích trên 300ha, đây là mô hình tiên phong về công nghệ cao mang tính đột phá cho nghề nuôi tôm của Tỉnh.
– Dự án nhà máy chế biến lương thực Vĩnh Lộc, với công suất 200.000 tấn/năm gắn với mô hình cánh đồng mẫu lớn và bao tiêu sản phẩm đã đi vào hoạt động ổn định giai đoạn 1, với công suất 100.000 tấn/năm, bước đầu mang lại hiệu quả tốt cho cả nông dân và doanh nghiệp.
– Dự án nhà máy may mặc Pinetree của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đã hoàn thành và đưa hoạt động với tổng công suất 30 triệu sản phẩm/năm; giải quyết việc làm cho 2.000 lao động, chủ yếu là lao động của địa phương.
– Khu công nghiệp Tra Kha đã lắp đầy trên 70%, trong đó có nhiều dự án được xem là dự án động lực của Tỉnh như: dự án nhà máy bia Sài Gòn (đóng góp cho ngân sách 300 tỷ/năm); dự án nhà máy may mặc Vinatex của tập đoàn dệt may Việt Nam đang xây dựng và khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách của Bạc Liêu.
Việc tụt hạng trên bảng xếp hạng PCI năm 2015, 2016 đã đặt cho Tỉnh nhiều việc cần làm để cải thiện tình hình; nhiều ý kiến cho rằng Bạc Liêu cần phải quyết liệt hơn mới mong tạo được sự bức phá về môi trường đầu tư. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý về vấn đề này, việc Bạc Liêu liên tục tụt hạng trên bảng xếp hạng PCI, đặc biệt là kết quả năm 2016, điều này đặt cho tỉnh một yêu cầu cấp thiết là cần phải đề ra các giải pháp hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp này nhằm cải thiện điểm số và thứ hạng PCI trong năm 2017 và trong những năm tiếp theo. Vì vậy, ngay sau khi VCCI công bố kết quả PCI năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành phân tích, đánh giá chính xác nguyên nhân, hạn chế dẫn đến việc giảm điểm và thứ hạng của tỉnh.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh lập ra Tổ công tác về nâng cao chỉ số PCI (theo Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 21/4/2017) do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng, Phó Chủ tịch thường trực làm tổ phó và giám đốc các sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố làm thành viên. Tổ công tác đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI năm 2017 và những năm tiếp theo của tỉnh Bạc Liêu”.
Cụ thể chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới là gì ? Đâu là trọng tâm, thưa Ông ?
Chương trình hành động đã đề ra mục tiêu cụ thể cho từng năm (năm 2017 đến năm 2020) đối với 10 chỉ số thành phần và 111 chỉ tiêu cụ thể. Bên cạnh đó, Chương trình hành động đã giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chủ trì và làm đầu mối, theo dõi chỉ đạo cải thiện chỉ số thành phần và từng chỉ tiêu cụ thể. Đây là nội dung trọng tâm và mới của Chương trình; vừa mang tính chi tiết, vừa quy định trách nhiệm từng của cơ quan, từng bộ phận và đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ tiêu cụ thể, từ đó cải thiện các chỉ số thành phần và chỉ số PCI của tỉnh.
Chương trình hành động đã đề ra 8 nhóm giải pháp cơ bản để cải thiện và nâng cao điểm số của Chỉ số PCI trong năm 2017 và những năm tiếp theo, cụ thể như sau: (1) Giải pháp về chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; (2) Giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; (3) Giải pháp về nâng cao tính minh bạch; (4) Giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp; (5) Giải pháp về đào tạo, tập huấn; (6) Giải pháp về tuyên truyền; (7) Giải pháp về hợp tác với VCCI; (8) Giải pháp về nguồn lực tài chính.
Qua việc triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, nhất là 8 nhóm giải pháp nâng cao chỉ số PCI bước đầu đã đem lại hiệu quả, hiện tại có khá nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu, tiếp cận và đề xuất đăng ký đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực mà tỉnh đang chú trọng mời gọi đầu tư như: Năng lượng tái tạo khoảng 12 nhà đầu tư; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 20 nhà đầu tư; du lịch; thương mại dịch vụ,…. Kết quả này có thể chứng minh rằng các nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh đề ra là đúng hướng và hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!