Khánh Hòa

Khánh Hòa – Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

2:23 sáng | 25/12/2017

Với quyết tâm đổi mới của chính quyền tỉnh cùng nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN, Khánh Hòa hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, căng tràn sức sống, tự tin khẳng định vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hướng về tương lai, vùng đất “xứ trầm biển yến” tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từng bước xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, là tỉnh trung tâm của vùng Nam Trung bộ và tỉnh giàu đẹp của cả nước. Cùng tìm hiểu thêm về những bước đi chiến lược của xứ Trầm Hương thông qua nội dung trao đổi ngắn với Chủ tịch UBND tỉnh – ông Lê Đức Vinh.

               Ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Xin ông cho biết cụ thể hơn tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển đảo và du lịch của Khánh Hòa cũng như hiệu quả khai thác những thế mạnh này? Là một tỉnh lớn mạnh về kinh tế biển đảo, vậy Khánh Hòa chú trọng như thế nào đến vấn đề kiểm soát, bảo vệ môi trường biển đảo, phát triển kinh tế nhưng không hy sinh môi trường, nhất là sau vụ Formosa Hà Tĩnh?

Nằm ở khu vực Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hoà có chiều dài đường mép nước tiếp giáp biển dài trên 385 km, diện tích vùng biển rộng lớn gấp nhiều lần phần đất liền. Tỉnh còn có khoảng hơn 200 đảo lớn nhỏ gần bờ và xa bờ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí quan trọng trong phát triển KT – XH cũng như quốc phòng, an ninh không chỉ với Khánh Hoà mà với cả nước. Về địa lý hành chính, tỉnh Khánh Hoà có 5/9 huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp biển gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hoà, Vạn Ninh, Cam Lâm và huyện đảo Trường Sa.

Với những đặc điểm trên, Khánh Hoà có nhiều lợi thế để phát triển mạnh du lịch biển với nhiều bãi tắm dài và đẹp, khí hậu ôn hoà, thiên nhiên tươi đẹp; hệ sinh thái biển đa dạng như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn; có vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và được đánh giá có giá trị đa dạng sinh học cao vào loại nhất ở Việt Nam.

Khu vực ven bờ có 3 vịnh đẹp và có giá trị lớn về mặt kinh tế, quốc phòng là các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Bên cạnh phát triển du lịch, 3 vịnh này đều là những vịnh nước sâu, kín gió, nằm gần tuyến đường hàng hải quốc tế nên rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển phục vụ du khách quốc tế, kể cả trung chuyển hàng hóa quốc tế, công nghiệp đóng tàu và hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão…Ngoài ra, khu vực biển ven bờ, khu vực cửa sông với các đầm, vịnh biển cũng rất thuận lợi cho nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

Với tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển đảo và du lịch hiện có, tỉnh Khánh Hòa đã chủ trương khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển theo đúng “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn quan tâm đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển; khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững không gian, mặt nước, tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển KT – XH vùng ven biển, trên đảo, phát triển kinh tế biển bền vững.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo luôn được tỉnh Khánh Hòa chú trọng thông qua việc tổ chức các Hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường cho các đối tượng là cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư ven biển, DN. Đồng thời thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đối với các DN có hoạt động sử dụng, khai thác tài nguyên và môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.

Thời gian gần đây, tình trạng du khách đến Nha Trang tăng đột biến làm cho cơ sở hạ tầng giao thông bị quá tải, gây ách tắc giao thông, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Vậy Khánh Hòa đã chủ động khắc phục tình trạng này ra sao?

Là 1 trong 10 trung tâm du lịch – dịch vụ lớn của cả nước nên thời gian qua, khách du lịch trong nước và đặc biệt là khách quốc tế đến với Nha Trang tăng đột biến. Đây vừa là lợi thế để tỉnh Khánh Hòa tập trung đầu tư phát triển du lịch địa phương, quảng bá hình ảnh vùng đất Nha Trang và con người Khánh Hòa đến với bạn bè quốc tế song cũng đồng thời là một thách thức không nhỏ đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội của tỉnh (giao thông nội thị, các tuyến ven biển, xung quanh các điểm du lịch…), nhất là các dịp cao điểm, mùa lễ, Tết. Để hạn chế tình trạng này, tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (phân luồng giao thông tạm thời chống ùn tắc giao thông cục bộ tại một số tuyến đường và khu vực trên địa bàn Tp.Nha Trang…); giải pháp về quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành xong một số dự án trọng điểm: đường Nha Trang – Diên Khánh, đường Phong Châu…; góp phần giải quyết được ùn tắc giao thông một số tuyến đường như; đường 23 tháng 10, đường Thái Nguyên, đường Trần Quý Cáp…). Bên cạnh đó, tỉnh cũng thống nhất quy hoạch bổ sung các bãi đậu xe (giao thông tĩnh) trên địa bàn Tp.Nha Trang làm cơ sở tổ chức lại giao thông, qua đó góp phần giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Để có thể phát triển bền vững du lịch của Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa rất cần sự hỗ trợ của Trung ương trong việc triển khai thi công dự án cầu Xóm Bóng – Tp.Nha Trang; dự án cầu vượt tại nút giao tuyến tránh Diên Khánh và cầu vượt tại nút giao QL1C với QL1; có kế hoạch sớm di dời Ga Nha Trang ra khỏi khu vực nội thành để tỉnh tập trung quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị Nha Trang đồng bộ cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông hợp lý và đảm bảo mỹ quan đô thị; hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện dự án đường Trục Bắc-Nam qua trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa, dự án cầu vượt Sông Cái kết hợp đập ngăn mặn.

         

Với việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ông có tin tưởng vào nội lực của DN tỉnh nhà trước những cơ hội lẫn thách thức mà hội nhập mang lại?

EU là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu dẫn đầu của Khánh Hòa; bình quân hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang EU chiếm tỷ lệ trên 25% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cơ cấu nhóm mặt hàng xuất khẩu giữa Khánh Hòa và EU không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung cho nhau. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng hơn 40 DN có quan hệ thương mại với thị trường EU, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là: thủy sản, nông sản (cà phê), dệt may, thủ công mỹ nghệ, tàu biển.

EU là  thị trường khó tính, đòi hỏi sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, VSATTP và kiểm dịch,… Đây là điều kiện để các DN phải nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất sản phẩm để xuất khẩu. Hiện nay số DN Khánh Hòa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật do EU đưa ra chưa nhiều, chỉ có một số nhà máy sản xuất tiên tiến, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về VSATTP của EU chủ yếu tập trung ở lĩnh vực thủy sản; do vậy ngành thủy sản sẽ có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu vào EU. Đối với lĩnh vực dệt may, các DN Khánh Hòa chưa thể tự thiết kế sản phẩm để cung cấp theo nhu cầu thị trường mà chủ yếu vẫn làm gia công theo các đơn hàng xuất khẩu.

Có thể thấy việc gia nhập AEC giúp cho quá trình lưu chuyển hàng hóa không chỉ ở trong các nước thành viên ASEAN mà còn tạo điều kiện cho hàng hóa đến với các nền kinh tế khác.  Tuy nhiên đi kèm cơ hội là tình trạng cạnh tranh khá khốc liệt khi hàng hóa của nhiều nước ASEAN có chất lượng cao hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy vậy thời gian qua một số DN Khánh Hòa đã tận dụng nguồn nguyên liệu từ các nước ASEAN để được hưởng lợi theo quy tắc xuất xứ cộng gộp trong các Hiệp đinh thương mại tự do giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các nền kinh tế khác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Để vượt quá khó khăn, thách thức và tận dụng hiệu quả cơ hội mà hội nhập mang lại, trong thời gian tới bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Khánh Hòa thì bản thân cộng đồng DN phải nắm vững thông tin hội nhập để phân tích tác động của tiến trình này đến DN và sản phẩm của mình; từ đó mỗi DN chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các Sở, ban ngành và của chính bản thân DN, tôi hy vọng cộng đồng DN Khánh Hòa không chỉ trụ vững trên thị trường mà còn đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.

Ông có thể chia sẻ định hướng tái cơ cấu nền kinh tế Khánh Hòa trong thời gian tới?

Theo định hướng tại các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI, XVII thì cơ cấu kinh tế tỉnh Khánh Hòa được xác định phát triển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh Khánh Hòa đã chuyển dịch theo hướng hiện đại và đạt được nhiều chuyển biến vượt bậc. Dịch vụ đã và đang phát huy lợi thế cạnh tranh của mình, từng bước vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu kinh tế; trong đó kinh tế từ du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh hàng năm chiếm tỷ trọng khoảng 12%. Trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng bước đầu đã hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn như: đóng tàu, chế biến, xuất khẩu thủy sản…Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có tỷ trọng ngày một giảm song chất lượng tăng trưởng được nâng cao. Năm 2016, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GRDP đạt 39,22%; công nghiệp và xây dựng 31,36%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 11,42%. Có thể thấy, về cơ bản Khánh Hòa đã đạt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng đề ra.

Thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh, tập trung cho công nghiệp đóng tàu, vận tải, dịch vụ cảng biển, du lịch biển đảo, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị kinh tế biển chiếm 55-60% GRDP, trong đó du lịch chiếm từ 15% – 20% GRDP toàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

                                                                            Công Luận (thực hiện)