Thực hiện Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của HĐND tỉnh ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đến nay chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ nét, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của địa phương.
Theo thời gian, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được kiện toàn, sắp xếp đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Toàn tỉnh hiện có 31 cơ sở đào tạo, so với đầu nhiệm kỳ giảm 1 trường cao đẳng và 3 trung tâm GDNN-GDTX các huyện; tăng 1 trường trung cấp và tăng 9 cơ sở GDNN khác, trong đó: Trường Đại học Kiên Giang từng bước đi vào hoạt động hiệu quả, Trường CĐ nghề Kiên Giang là 1 trong 45 trường trọng điểm của cả nước; đã sáp nhập Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật và Trường CĐ Cộng đồng thành Trường CĐ Kiên Giang và một số cơ sở GDNN khác, đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp trong tỉnh và xuất khẩu lao động.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã chỉ đạo tuyển sinh và tăng trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp lên gần 4 lần so với giai đoạn 2011 – 2015 (giai đoạn 2016 – 2020 đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho 23.601 người, tăng 390% so với giai đoạn 2011 – 2015); đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở các cấp trình độ đào tạo đạt bình quân 87%, cá biệt có một số ngành nghề nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến cơ sở GDNN tuyển dụng 100% lao động ngay tại buổi lễ tốt nghiệp
Giám đốc Sở Lao động TB&XH tỉnh Kiên Giang – ông Đặng Hồng Sơn cho biết những năm gần đây, công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và coi đây là bước đi đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội và xuất khẩu lao động. Nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Sở Lao độngTB&XH tập trung chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch hệ thống mạng lưới các cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động trình độ cao theo hướng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển KT – XH đến năm 2020 của vùng, tiểu vùng, địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của khoa học vào công tác đào tạo, GDNN; xây dựng các tiêu chí kiểm soát chất lượng đào tạo nghề.
Song song đó tỉnh cũng đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực cho phát triển GDNN; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo. Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước phát triển về GDNN; có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực GDNN; đồng thời tăng cường vai trò của cộng đồng, các đoàn thể, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động GDNN.
Kết quả trong giai đoạn 2016-2020, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo 127.361 người; trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 30.541 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, đạt kế hoạch đề ra; trong đó đào tạo có bằng và chứng chỉ 50%. Ưu tiên đầu tư 20 nghề trọng điểm cho các cơ sở GDNN trên địa bàn, trong đó có: 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 5 nghề trọng điểm cấp độ Asean, 10 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Sở Lao độngTB&XH tỉnh còn chủ động xây dựng kế hoạch liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong tỉnh nhằm tăng cường phối hợp đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; nghiên cứu ứng dụng trang thiết bị của nhà trường và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ công tác thực tập, đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên và người lao động. Theo thời gian, các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp FDI đã từng bước tin tưởng và đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN trong tỉnh; qua liên kết phối hợp hàng năm đã có trên 2.000 lao động được đào tạo theo hình thức đặt hàng và nhiều doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ tạo điều kiện về chỗ ăn, nghỉ, bố trí một phần kinh phí cho học sinh, sinh viên khi đến thực tập.
Ông Sơn cho biết để tiếp tục triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới tỉnh Kiên Giang sẽ chú trọng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Rà soát, bổ sung các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề của xã hội, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như điều kiện phát triển KT – XH của tỉnh, địa phương. Đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình dạy nghề đạt hiệu quả, song song với việc phối hợp các doanh nghiệp tham gia ký kết bao tiêu sản phẩm, ổn định thu nhập và tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh cũng tiếp tục phân cấp cho các địa phương chủ động lựa chọn ngành, nghề đào tạo; tổ chức triển khai và xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm. Nội dung dạy nghề chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất; thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với điều kiện của người học nghề. Đẩy mạnh phân luồng thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp và cao đẳng, phấn đấu có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại cơ sở GDNN trình độ sơ cấp và trung cấp, trên 35% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại cơ sở GDNN trình độ cao đẳng.
Song song đó tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; phát huy vai trò của các đơn vị và người sử dụng lao động trong đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN; đồng thời thực hiện chuyển đổi hoạt động của các cơ sở GDNN công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp.
Châu Quân