“Trong thời gian tới, Hậu Giang tập trung mở rộng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực, đặt trọng tâm vào ngành công nghiệp chế biến”, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Nguyễn Văn Thậm cho biết trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN. Đỗ Thi thực hiện.
Ông đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến nông-thuỷ sản của Hậu Giang?
Là tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vì thế, công nghiệp chế biến được xem là khâu trọng tâm trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Hậu Giang hiện có gần 1.700 doanh nghiệp, 164 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và chế tạo, 70 doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến nông – thuỷ sản. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 32.562 tỷ Đồng, trong đó công nghệp chế biến nông-thuỷ sản chiếm 58,44% (19.029 tỷ Đồng), tăng 466% so với năm 2004 khi mới thành lập tỉnh.
Đây là tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Kết quả đạt được nhờ vào các giải pháp hiệu quả, nỗ lực chung trong công tác tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Định hướng phát triển công nghiệp của Hậu Giang là như thế nào nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất công nghiệp?
Hậu Giang có 10 sản phẩm chủ lực gồm: lúa, mía, bưởi năm roi, chanh không hạt, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, xoài cát, cá thát lát, cá rô. Tỉnh xác định 3 sản phẩm chiến lược (chanh không hạt, khóm Cầu Đúc, cá thát lát) cần tập trung phát triển.
Để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ tiến hành quy hoạch lại và tập trung mở rộng vùng nguyên liệu; hướng dẫn nông dân nâng cao giá trị sản phẩm thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap hướng tới xuất khẩu. Sở Công thương sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu với các tỉnh thành khác, đặc biệt là Tp.HCM…
Quan điểm của ngành công thương Hậu Giang đối với nạn hàng giả, hàng nháy là như thế nào, giải pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng?
Vấn đề hàng giả, hàng nháy không chỉ là vấn đề riêng của Hậu Giang mà là vấn nạn chung của xã hội. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, ngành, đặc biệt là ý thức của người dân. Nó cũng đòi hỏi các ngành chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt.
Sở Công thương Hậu Giang luôn chỉ đạo sát sao với Chi cục quản lý thị trường, tham mưu với ban chỉ đạo 389 xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại…nhằm ngăn chặn mọi tiêu cực và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Trên cơ sở hàng năm, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam, tuyên truyền việc tuân thủ các quy định về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, nâng cao vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh sự cố gắng của cơ quan quản lý nhà nước, tôi cho rằng điều quan trọng là bản thân người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cũng như việc lựa chọn hàng hoá, sản phẩm sạch để tự bảo vệ mình.
Theo ông, nhân tố nào được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển công nghiệp, định hướng của Hậu Giang trong việc thu hút đầu từ phát triển công nghiệp trong thời gian tới?
Các chính sách, cơ chế ưu đãi từ Trung ương, đặc biệt trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp, sản phẩm phụ trợ cùng các cơ chế ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, dự án điện mặt trời…là tiền đề kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của Hậu Giang.
Việc chủ động trong công tác kêu gọi đầu tư, tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến thương mại, tham gia hội nghị kết nối cung cầu, tổ chức hoạt động giao thương sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hội nghị kết nối cung cầu giữa Hậu Giang với TP.HCM và các tỉnh, thành khác nhân kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh sẽ là cơ hội để Hậu Giang tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm chủ lực của mình.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong thời gian tới, Hậu Giang tiếp tục thu hút đầu tư, ưu tiên lĩnh vực công nghiệp chế biến nông – thuỷ sản, công nghiệp phụ trợ và năng lượng tái tạo dựa trên các chính sách ưu đãi của chính phủ.
Trước mắt, chúng tôi tập trung vào công nghiệp chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm chủ lực phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu; kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến rau quả, chế biến khóm cô đặc, chế biến gia súc-gia cầm, thuỷ sản đóng hộp, tinh luyện dầu thực vật, sản xuất dụng cụ điện, dây cáp, điện tử dân dụng, viễn thông, tin học, xuất khẩu hàng may mặc, điện mặt trời…
Với quyết tâm cao và nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và của ngành công thương, chúng tôi tự tin sẽ trở thành tỉnh khá của Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2020 như mục tiêu đã đề ra.