Đó là chủ đề hội thảo hôm 10/9 tại Tp.HCM do Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) phối hợp với công ty Yorkers tổ chức.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia cùng hơn 50 doanh nghiệp chế biến gỗ chi sẽ những thách thức trong ngành gỗ, đặc biệt là yếu tố ứng dụng công nghệ.
Bốn thách thức được đưa ra tại hội thảo bao gồm: dịch chuyển đơn hàng, khan hiếm lao động, năng suất lao động thấp và nền tảng số hoá.
Theo ghi nhận của các chuyên gia, với 4 thách thức này, doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đối mặt nhiều nhiệm vụ khác nhau, vừa giải quyết vấn đề nội tại vừa phải tăng năng suất, chất xám nhằm giữ và tìm kiếm khách hàng mới. Ngoài ra, doanh nghiệp phải linh loạt tạo lợi thế cạnh tranh để đón đầu những thay đổi trong tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HAWA cho rằng doanh nghiệp cần một tầm nhìn mới và một tư duy sâu. Chìa khoá cho hai bài toán này là tư duy lại mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực.
Để giúp doanh nghiệp tư duy lại quy trình sản xuất, ông Leslie Lye, giám đốc kinh doanh Weinig cho biết trong tương lại, thị trường gỗ sẽ có những thay đổi lớn. Theo ông Leslie Lye, khách hàng sẵn sàng chi tiền mua đồ nội thất được cá nhân hoá thay vì mua các mặt hàng được sản xuất đại trà như trước đây. Vì vậy, doanh nghiệp phải phát triển một đội ngũ thiết kế và quản lý sản xuất đáp ứng được các lô hàng mang tính cá nhân hoá khác nhau. Và để có lợi nhuận, doanh nghiệp cũng cần một biểu đồ chính xác về quy trình sản xuất và phương cách chuyển đổi sản xuất giữa các sản phẩm một các dễ dàng và nhanh chóng.
Về đầu tư nhân lực, chuyên gia Bernd Kahnert, công ty tư vấn Homag, cho rằng yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp hiện nay là công tác đầu tư vào các giải pháp sản xuất thông minh. Ôg Bernd Kahnert đặc biệt nhấn mạnh vào nguồn nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất. “Rất khó tìm được nhân lực có trình độ hiểu và vận hành được các thiết bị cho nhà máy”, ông chia sẽ.
Đồng quan điểm, ông Cao Duy Tâm, Giám đốc công ty Vetta, cho rằng việc đào tạo lao động cho ngành chế biến gỗ là cấp thiết. Theo ông Tâm, dù các trường ĐH tại Việt Nam đã xây dựng khoa chế biến gỗ nhưng công tác này cần phát triển hơn nữa nhằm tạo ra sự phát triển bền vững.
Nói thêm về vấn đề nhân lực, đại diện công ty Homag cho rằng trong tương lai, thợ lành nghề biết sử dụng hệ thống sản xuất tiên tiến là rất quan trọng, doanh nghiệp cần tái đầu tư nguồn nhân lực. Nếu chỉ đầu tư công nghệ mà bỏ quên khâu đào tạo nhân lực, doanh nghiệp khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Hội thảo tư duy lại mô hình sản xuất là sự kiệm đón đầu cho triển lãm ngành công nghiệp chế biến gỗ (VietnamWood 2019) sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 18-21/9/2019.
LP