Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng răn dạy “Lương y phải như từ mẫu”. Quán triệt tư tưởng của Người, từ cấp quản lý đến toàn thể cán bộ của Ngành Y tế tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn y đức trong Chỉ thị số 04-BYT ngày 23/3/1996 và Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 06/11/1996 của Bộ Y tế. Đồng thời, Ngành Y tế của Tỉnh đã đề xuất các chính sách nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân. Chính sách hỗ trợ y tế đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, hộ nghèo, đã được toàn thể nhân dân ủng hộ.
Ông Bùi Quốc Nam – Giám đốc Sở Y tế Tỉnh Bạc Liêu
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Nhiều con số ấn tượng thể hiện vai trò quan trọng của lĩnh vực y tế Tỉnh, đặc biệt. trong công tác khám chữa bệnh. “ Hiện có 8,25 bác sĩ/vạn dân (Kế hoạch Bộ Y tế giao 8,2); 1,38 dược sĩ/vạn dân. Có 64/64 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ và tất cả các trạm y tế đều đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Mục tiêu mà Ngành đặt ra trong thời gian tới là cung cấp đủ thuốc thiết yếu và thuốc đặc trị, mua thêm các phương tiện cận lâm sàng và trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị, bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.” Ông Bùi Quốc Nam – Giám đốc Sở Y Tế Bạc Liêu cho biết. Trong tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế và bác sĩ, y tá, cán bộ, nhân viên thực hiện quy chế văn minh giao tiếp trong bệnh viện; thể hiện thái độ lịch sự, dịu dàng, niềm nở, chu đáo với người bệnh và người nhà; có văn hoá trong giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp.
Việc ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Sở Y tế; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Ngành y tế Bạc Liêu đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thư điện tử của Ngành trong công việc; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu và một số bệnh viện tuyến huyện có hệ thống đăng ký khám bệnh tự động. Tất cả các bệnh viện trong Tỉnh triển khai ứng dụng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; kết xuất được thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và kết nối liên thông dữ liệu phục vụ công tác giám định với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Huy động người dân tham gia BHYT
Ông Bùi Quốc Nam nhận định: “ Kêu gọi người dân tham gia BHYT luôn được lãnh đạo Ngành Y tế tỉnh Bạc Liêu quan tâm, sâu sát.” Ông cho biết thêm, những hộ nghèo, cận nghèo và người dân vùng kinh tế khó khăn, bãi ngang ven biển là nhóm yếu thế được Tỉnh đặc biệt quan tâm, hỗ trợ mua BHYT 100%; độ bao phủ BHYT đạt 78,1% (kế hoạch tỉnh giao là 78.2 năm 2017). Để khuyến khích người dân sử dụng BHYT, Sở Y tế Bạc Liêu đã thực hiện một số giải pháp cải cách quan trọng, đó là: tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT; tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận BHYT và các dịch vụ khám, chữa bệnh khi có BHYT luôn luôn bảo đảm bình đẳng giữa các bệnh viện công lập và tư nhân; xây dựng chế tài chặt chẽ để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đóng BHYT đúng theo quy định của pháp luật và có chính sách hỗ trợ nông dân, ngư dân, diêm dân,… tham gia BHYT. Các cải cách của Ngành Y tế Bạc Liêu đã mang lại niềm tin và sự hài lòng cho nhiều người dân, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) được Ngành Y tế tỉnh Bạc Liêu đặc biệt được coi trọng. Sở Y tế đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ thực phẩm, quản lý hoạt động sản xuất nước đá và nước uống đóng chai. Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 4.216 lượt, số cơ sở đạt yêu cầu 3.948 chiếm tỷ lệ 93,64%; xử phạt 15 cơ sở vi phạm. Xét nghiệm 80 mẫu rượu không phát hiện Methanol; 83 mẫu chả, cá, mực không phát hiện hàn the. Một số hoạt động nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã được triển khai, đó là: quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; phối hợp với các Sở, ban, ngành, các đơn vị chuyên môn quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản; ngăn chặn tạp chất trong tôm nguyên liệu; triển khai hoạt động kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản; giám sát ATTP sau thu hoạch; kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; xây dựng cơ sở sơ chế rau, quả tập trung; quy định về sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo được thời gian cách ly và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo ATTP đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng cấp thiết của người dân, xứng đáng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước. Những thành tựu đó mang lại sự thay đổi toàn diện trong ngành Y tế tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua, góp phần giúp người dân địa phương có cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn.
Yến – Oanh