Tin nổi bật

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: “Hành trình vạn dặm” và hơn thế nữa  

2:05 sáng | 21/06/2023

VHDN – Trong nghề báo, thước đo giá trị của một tác phẩm báo chí là những tác động tích cực của nó tới xã hội, cũng như định hướng giúp giải quyết các vấn đề “nóng”. Với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, trong cuộc “hành trình vạn dặm” hơn 25 năm làm nghề của mình chính là những tháng ngày miệt mài hướng tới va tận thấy các giá trị tốt đẹp đó.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách của một nhà báo

“Giọt mồ hôi của người làm báo không có giọt cuối cùng. Khi bạn đổ mồ hôi là bạn hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ ở điểm đến mà còn trên đường đi” – đó là quan điểm của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – một nhà báo được biết tới nhiều nhất qua những thiên phóng sự nhiều khám phá độc đáo, giàu sức chiến đấu bảo vệ công lý và giàu giá trị nhân văn. Giá trị đó được thể hiện qua các tập phóng sự xã hội như: “Trần gian còn một thứ nghề” (năm 2000), Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha (năm 2003), Người đàn bà tử tế (năm 2005), “Nến cong và lửa thẳng” (năm 2005); Những thây người mang hình dấu hỏi (năm 2006), Săn Cave (2006) và tất cả là 33 tác phẩm anh đã liên tục cho “ra lò”…  Anh từng nhiều lần đạt Giải báo chí Quốc gia và hàng chục giải thưởng báo chí, văn chương khác, được bầu chọn là nhà báo xuất sắc trong lĩnh vực điều tra bảo vệ thiên nhiên hoang dã.

Hành trình hơn 25 năm làm cái “nghề nguy hiểm”, Đỗ Doãn Hoàng đã có hẳn một “gia tài” gồm hơn 30 đầu sách (với các thể loại truyện ngắn, truyện dài, tạp văn, ghi chép, bút ký, phóng sự điều tra…). Mới đây anh lại cho ra mắt 3 cuốn sách mới “Búi thông thơ dại” (Truyện dài), “Ở lại với ngàn sao” (Du ký), “Trong tận cùng hang ổ” (Phóng sự điều tra). Đây là 3 tác phẩm đại diện cho 3 lối tư duy sáng tạo, tái hiện lại chặng đường của anh từ xứ Đoài (làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) bước ra thế giới. Tháng 6 năm 2023, anh đã chính thức dọn xong “ổ” để đón 2 đứa con tinh thần mới; ra tập sách mang tên: “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” và “Món nợ thuở mục đồng”.

Mải miết với “hành trình vạn dặm” của mình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng luôn đem tới cho độc giả đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác nhưng luôn ở góc nhìn thực tế và khách quan.

Đỗ Doãn Hoàng làm cho chúng ta phải thán phục trước sức đi, sức viết, chiến đấu và một năng lượng luôn tràn đầy và mãnh liệt. Tác phẩm của anh luôn chứa đựng những trăn trở dưới cái nhìn đầy nhân văn và trách nhiệm trước hiện thực cuộc sống. Từng câu, từng chữ anh viết ra đều là tâm huyết, là ruột gan là cảm xúc đời thực mà anh đã từng trải qua. Đó cũng chính là điểm cuốn hút, hấp dẫn đối với độc giả.  

Mải miết với “hành trình vạn dặm” của mình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng luôn đem tới cho độc giả đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác nhưng luôn ở góc nhìn thực tế và khách quan. Đó là các bài viết về thực phẩm bẩn “Làng mỡ thối”, “Làng rượu độc”, “Kinh hoàng mắm tôm bẩn” hay hành trình rượt đuổi “quỷ ấu dâm ngoại quốc”, “Sự thật kinh hoàng bên trong bệnh viện”; “Cuộc chiến” nghẹt thở đòi lại biên chế cho 80 cô giáo ở Yên Bái… Những lý lẽ, luận cứ, luận điểm anh đưa ra đều chặt chẽ, logic, xúc tích, và đầy chất “thép”. Đó chính là “bản án” đối với những kẻ có hành vi vô nhân đạo, bị cái lợi trước mắt làm mờ mắt, đem thực phẩm “bẩn” đi đầu độc người tiêu dùng (chính là đồng bào mình), hay những hành động cửa quyền, tham nhũng gây phiền nhiễu đau thương cho bà con ta…

Anh từng nhiều lần đạt Giải báo chí Quốc gia và hàng chục giải thưởng báo chí, văn chương khác.

Có những vấn đề “nóng” được anh đi sâu vào khai thác, điều tra và dùng ngòi bút của mình để vạch trần, chiến đấu và giành thắng lợi một cách đầy thuyết phục. Những chiến thắng đó đã góp phần vun đắp thêm cho niềm tin, hy vọng vào lẽ phải, vào công lý. Đồng thời đó cũng là động lực, thôi thúc tất cả mọi người cùng lên tiếng để bảo vệ lẽ phải trước những hành động và việc làm sai trái trong xã hội.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã có những chia sẻ về nhà báo Đỗ Doãn Hoàng rằng: “Anh được những người bị nạn, người oan ức, người nghèo và bạn đọc tin cậy, nể phục. Họ trông mong vào anh để giải nỗi oan, để đi tìm lại công lý, để thay đổi lại số phận. Anh tư duy và hành động không chỉ bằng phẩm chất của một nhà báo giàu bản lĩnh, thấy bất bằng chẳng tha, mà còn là một nhà văn với trái tim nhân ái muốn cúi xuống và biết cúi xuống nâng đỡ các thân phận yếu ớt, nhỏ bé cay đắng không có khả năng phòng vệ trước sức mạnh của cái ác”. Đối với những kẻ tham nhũng, kẻ hám lợi, làm điều trái với đạo lý thì họ xem anh như một cái “gai” trong mắt, muốn nhổ bỏ cái “gai” đó đi. Nhưng đối với những người yếu thế, anh lại là người đem tới ánh sáng, niềm tin, và lan tỏa năng lượng tích cực, ấm áp với trái tim nhân ái.

 

Phải biết bảo vệ mình trước những “viên đạn bọc đường”

 Nghề báo được liệt kê vào là một nghề “nguy hiểm”, nhất là đối với người “mải mê” với thể loại phóng sự điều tra như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Anh đã dấn thân theo đuổi thể tài này bằng cả tuổi thanh xuân của mình và chắc chắn còn nhiều năm nữa. Mỗi một tác phẩm điều tra anh viết đều phải cân nhắc, để sau khi đăng bài thì nó có tác động tích cực như thế nào tới xã hội? Tiêu cực có được giải quyết không? Thân phận của người khổ có được cứu giúp không? Bất công có được xử lí đến tận cùng không? Cơ chế chính sách về lĩnh vực này có được “tháo gỡ” và cải thiện không…

Ở Đỗ Doãn Hoàng, mỗi đề tài “nóng”, mỗi loạt bài điều tra anh phải huy động tất cả kỹ năng sắc sảo từ cái đầu “lạnh” (với khả năng phán đoán nhanh nhạy) và một trái tim nóng. Ở anh hội tụ kỹ năng của các ngành nghề khác nhau. Đó là kỹ năng phán đoán, điều tra, tinh thần quả cảm bất chấp nguy hiểm của một “trinh sát”; kỹ năng “hóa trang”, “nhập vai” của trinh sát hoá trang chuyên nghiệp để đột nhập vào tận hang ổ của những kẻ buôn mưu ma chước quỷ khét tiếng. Đó là một người cầm bút đam mê và tỉnh táo, am hiểu pháp luật. Đó là một người tham gia hoạt động xã hội, để vận động hành lang chính trực cho chủ đề mà mình và bà con mình đang trăn trở…

Một điều mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đặc biệt chia sẻ và gửi gắm tới những đồng nghiệp của mình khi làm phóng sự điều tra chống tham nhũng tiêu cực đó là phải biết tự bảo vệ mình bằng cách không được để lộ danh tính của mình kể cả khi đã thực hiện xong nhiệm vụ. Có những tác phẩm, anh viết rõ trong sách “mãi mãi không được đưa vào bất cứ cuốn sách nào mà ký tên tác giả “Đỗ Doãn Hoàng”, vì nếu lộ ra danh tính người viết, anh có thể gặp hiểm hoạ. Dĩ nhiên, lúc đăng tải trên truyền thông, anh đã không kí tên mình dưới bài viết, bức sảnh hay thước phim đó. Trong quá trình thực hiện điều tra, nhà báo gặp vô vàn khó khăn áp lực từ nhiều thế lực, thậm chí cả sự đe dọa tới cả tính mạng của bản thân và gia đình. Cả sự vu vạ, thoá mạ tinh vi. Ngay cả sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phơi bày được sự thật và đòi lại được công lý thì vẫn tiềm ẩn rất nhiều sự nguy hiểm, từ đe dọa cho tới dụ dỗ mua chuộc. Nếu ai không đủ bản lĩnh, sự tỉnh táo, kiên định, gữ mình thì sẽ dễ bị sa ngã vào cái bẫy đã đặt sẵn… Đó thực sự là “những viên đạn bọc đường” trong phóng sự điều tra chống tham nhũng, tiêu cực – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng từng nói điều này trong nhiều cuộc hội thảo mang tầm quốc gia, trong không ít bài trả lời phỏng vấn.  “Lúc nhà báo tố cáo các sai phạm và “chiến thắng giòn giã, đó là lúc anh đứng trước nguy cơ trở thành kẻ ngạo mạn và bị / được người ta quỵ luỵ, van xin và mua chuộc rồi có thể đánh mất mình nhiều nhất. Đó là hiểm hoạ của kẻ chiến thắng!”.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng được bầu chọn là nhà báo xuất sắc trong lĩnh vực điều tra bảo vệ thiên nhiên hoang dã.

Nghề báo đầy vinh quang nhưng cũng nhiều cám dỗ bủa vây, nhiều nụ cười nhưng cũng không thiếu những giọt nước mắt. Nghề báo đầy hào quang danh vọng song cũng là những khoảnh khắc “chiến tranh tàn khốc” trong cả suy nghĩ và hành động. Là nhà báo “nổi tiếng” với nhiều thể loại, phong phú về đề tài, nội dung, có nội lực sáng tác liên tục trong gần 30 năm qua, nhận giải A, giải Nhất giải Quán quân trong quá nhiều cuộc thi báo chí uy tín; các tác phẩm của Đỗ Doãn Hoàng luôn có biên độ lớn ở cả chiều rộng và chiều sâu. Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin chúc anh luôn giữ được tinh thần chiến đấu, bản lĩnh, trí tuệ, giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để tiếp tục phản ánh, điều tra, phân tích các vấn đề xã hội; định hướng, giám sát việc bảo vệ sự thật; bóc trần lên án những cái xấu, tôn vinh các giá trị nhân ái trong cộng đồng. Tôi tin, với Đỗ Doãn Hoàng, “hành trình” của anh không chỉ “vạn dặm” khắp năm châu bốn biển như tên gọi của buổi lễ ra mặt bộ sách gần đây của anh. Mà, tôi tin, con đường và khát vọng tử tế của anh còn dài và rộng hơn nữa.

Phạm Liệu

 

– Kể cả Giải Báo chí Quốc gia năm 2023, Đỗ Doãn Hoàng từng đoạt 7 giải Báo chí Quốc gia. Giải A và Giải B, Giải Báo chí Quốc gia các năm 20210 và 2021. Giải A – Giải Báo chí Toàn quốc về Chống tham nhũng tiêu cực năm 2021.3 năm liền đoạt Giải nhất Báo chí Giải thưởng VIEWS AWARDS – “Toàn cảnh cuộc khủng hoảng hoang dã” năm 2020 (Vietnam Information on Environment – Wildlife – Sustainability).Giải A và B (nhận cùng cộng sự) Cuộc thi Báo chí Tài nguyên Môi trường Việt Nam năm 2021.

– Giải thưởng “Cống hiến” dành cho Nhà báo xuất sắc trong điều tra bảo vệ Động vật hoang dã, do trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN) Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAIS) và Tổ chức Freeland trao tặng.

Giải nhất – Cuộc thi Phóng sự Báo Lao Động

Giải nhất – Cuộc thi Phóng sự Báo Khoa học Đời sống.

Giải Nhì – Cuộc thi Truyện ngắn, Báo Tuổi trẻ TP.HCM

– Không chỉ ghi danh trong làng báo với tư cách một nhà báo điều tra, Đỗ Doãn Hoàng còn tham gia giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các lớp tập huấn của Trung tâm nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, của Hội nhà báo các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời anh cũng gặt hái nhiều thành công trong các dự án, các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ thiên nhiên hoang dã ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là ở Việt Nam, Lào, Châu Phi. Các bộ phim tài liệu nhựa và tài liệu phóng sự mà Đỗ Doãn Hoàng tham gia, sau khi phát sóng, đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước…

– Kỷ niệm 25 năm cầm bút, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã ra mắt 3 cuốn sách “Trong tận cùng hang ổ”,“Búi Thông thơ dại”, “Ở lại với ngàn sao”. Với 3 cuốn sách xuất bản cùng lúc này, bạn đọc sẽ thấy một Đỗ Doãn Hoàng với “hành trình vạn dặm” từ xóm Búi Thông trên núi Ba Vì, từ làng cổ Đường Lâm, bước ra với thế giới.

+ “Búi Thông thơ dại” là một cuốn truyện dài, mang tinh thần tự truyện. Một câu chuyện thấm đẫm những kỷ niệm tha thiết và thẳm sâu, sống động và cuốn hút, giản dị và chân thực về tuổi thơ của anh, trên cái xóm núi nghèo mang tên Búi Thông, với mẹ, bà ngoại, hai em.

+ “Trong tận cùng hang ổ” là cuốn sách đại diện cho một mảng tư duy, lao động nghề nghiệp mà Hoàng tâm huyết nhất trong suốt cuộc đời làm báo của mình: báo chí điều tra, góp tiếng nói đanh thép với các vấn đề nóng của xã hội. Mỗi tác phẩm đều có hiệu ứng không hề nhỏ trong cộng đồng.

+ “Ở lại với ngàn sao”, một cuốn du ký, ghi lại những cảm xúc mạnh mẽ và run rẩy của Hoàng khi đặt chân tới nhiều vùng đất trên khắp thế giới: Châu Á, châu Phi, châu Âu…