VHDN – Sinh ra và lớn lên tại cao nguyên đá Hà Giang, nhà văn Đỗ Bích Thúy để lại dấu ấn văn chương mang đậm hơi thở của cuộc sống vùng cao, với những con người, số phận, những phong tục tập quán của người Mông, người Tày; những lễ hội, tang ma, cưới xin… Tất cả đều hiện lên một cách chân thật và giàu sức sống. Văn hóa Doanh nhân xin gửi tới độc giả những chia sẻ của nhà văn Đỗ Bích Thúy về mạch nguồn cảm xúc trong sự nghiệp cầm bút của chị.
PV: Nói đến chị là người ta nghĩ ngay đến một nhà văn của vùng Cao nguyên Đông bắc Việt Nam. Vậy nguồn cảm hứng nào đã đưa chị đến với văn chương? Có phải kỷ niệm tuổi thơ đã trở thành một phần không thể thiếu trong nguồn cảm hứng ấy và trở thành một chất xúc tác cho ngòi bút của chị?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Có nhiều lý do để tôi đến với văn chương, nhưng lý do đầu tiên, có lẽ giống nhiều nhà văn khác, là tôi rất mê đọc sách. Lúc nhỏ, sống ở miền núi, sách rất hiếm. Hầu như cuốn nào có được tôi cũng đọc đến vài lần, có cuốn đọc đến 4-5 lần. Thuộc nội dung đã đành, tôi thậm chí còn nhớ trang nào có chỗ rách. Thèm đọc sách quá rồi đến một lúc tự hỏi: Liệu có khi nào mình tự viết được một cuốn sách không? Liệu có khi nào tên mình ở chỗ tên tác giả kia không? Cứ thế rồi tập tành viết lách. Chẳng có ai hướng dẫn cả. Cứ tự mày mò viết theo cái cách mà mình thích.
Còn kỉ niệm tuổi thơ thì quả là với tôi nó rất quý giá. Quý giá là bởi nó chỉ còn trong kí ức thôi, mãi mãi không bao giờ có lại nữa. Và với cái lẽ đó thì kỉ niệm với ai cũng quý giá cả. Chỉ có điều, tôi có thể ghi lại những điều đó, những nhớ thương da diết ở trong lòng, những hồi ức sống động và mê hoặc… Mỗi lần ghi lại là một lần sống lại, một lần hạnh phúc. Nhưng, nếu chỉ có kí ức tuổi thơ thì chẳng bao giờ đủ. Tôi từng viết “người ta cần cả cuộc đời để trưởng thành”, văn chương cũng vậy. Người viết văn cần cả cuộc đời để đọc những gì mình viết, viết những gì mình nghĩ, và nghĩ về những gì mình tích luỹ được, trong suốt cuộc đời.
PV: Chị có thể chia sẻ với bạn đọc và Văn hóa Doanh nhân về những dấu ấn đã in đậm trong chị, ghi lại chặng đường trở thành một nhà văn của mình? Điều gì đã ảnh hưởng nhất đến chị trong sự nghiệp văn chương của mình?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi có mấy dấu mốc thế này: In truyện ngắn đầu tay năm 1994 trên báo Tiền phong, và truyện ngắn đó được trao tặng thưởng Tác phẩm tuổi xanh năm đó luôn; Đoạt giải ở Văn nghệ quân đội năm 1999-2000, và trở thành biên tập viên của tờ tạp chí này. Tôi nghĩ rằng, văn chương đã chọn tôi, đã cho phép tôi được bước đi trên một con đường mà tôi hằng mơ ước. Còn bước chân của tôi vươn xa đến đâu thì phụ thuộc vào bản thân tôi.
Ảnh hưởng thì nhiều, nhưng tôi nghĩ một trong những yếu tố quyết định trong sự nghiệp nhỏ bé của tôi là đề tài. Tôi đã gắn bó với đề tài dân tộc thiểu số và miền núi suốt hơn 20 năm qua. Và tôi nghĩ, tôi tin là, tôi sẽ rất khó có được dấu ấn trong lòng bạn đọc nếu như không phải tôi viết về dân tộc thiểu số và miền núi.
PV: Được biết chị đã có nhiều kỷ niệm với Đại tá, Nhà văn Lê Lựu – Nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân (thuộc VCCI), chị có thể chia sẻ về những kỷ niệm đó đã ảnh hưởng đến ngòi bút của chị như thế nào? Ngoài ra còn có nhiều nhà văn khác được xem như những người thầy đã có ảnh hưởng không nhỏ trong sự nghiệp của chị, chị có cảm xúc như thế nào khi chia sẻ lại với Văn hóa doanh nhân những kỷ niệm này?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Nhà văn Lê Lựu là người mà tôi rất kính trọng và yêu mến. Ông là người trực tiếp trao đổi với tôi về truyện ngắn mà tôi gửi đến cuộc thi ở Văn nghệ Quân đội vào ngày cuối cùng của năm 1999. Và chính cái buổi chiều 31 tháng 12 năm 1999 ấy, tôi đã ngồi trước ông ở toà soạn, nghe ông góp ý những điều rất xác đáng để rồi trở về kí túc xá trường đại học và sửa sang lại truyện ngắn cuối cùng tham dự cuộc thi năm đó. Cũng chính cái truyện ngắn ấy đã giúp tôi giành giải Nhất của cuộc thi.
Sau đó có 1 năm thì tôi trở thành đồng nghiệp của ông. Rồi cũng không được bao lâu thì ông sang Trung tâm văn hoá doanh nhân, và tạp chí Văn hoá doanh nhân ra đời với bao nhiêu hoài bão, kì vọng của ông. Tôi đã từng ngồi cả buổi nghe ông nói về những ý định, mong muốn, kế hoạch, mục đích, ý nghĩa của việc ra riêng một tờ báo tập trung làm rõ khái niệm văn hoá doanh nhân là gì, tại sao doanh nghiệp làm kinh tế lại phải quan tâm đến văn hoá, văn hoá ở trong mỗi doanh nghiệp là gì? Vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp như thế nào? V.v…
Sau đó nữa, khi tờ báo đã xuất bản rồi, có một thời gian tôi lại làm cộng tác viên cho ông. Ông giao cho tôi đi phỏng vấn, viết bài về một số người đứng đầu các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc… Những cuộc trò chuyện đều rất thú vị. Và tôi biết, có những người khi tôi phỏng vấn, cách đây mười mấy năm, mới chỉ đứng đầu một doanh nghiệp nhỏ nhưng đầy tiềm năng, thì bây giờ họ đã thành công lắm rồi. Đôi khi thấy lại họ trên các phương tiện thông tin đại chúng tôi lại nhớ đến những bài mình đã viết trên Văn hoá doanh nhân mười mấy năm trước. Lại nhớ đến nhà văn Lê Lựu. Có lẽ, bằng sự nhạy cảm tuyệt vời của một nhà văn, ông đã nhìn thấy từ sớm con đường của những doanh nhân coi trọng văn hoá, xây dựng cái gọi là văn hoá kinh doanh, thế nào cũng thành công.
Tôi thực sự rất ngưỡng mộ ông. Cái thời mà trung tâm mới thành lập và ông lúc nào cũng nói một cách say mê về nó, tôi biết, có rất nhiều người hồ nghi và cho rằng ông thiếu thực tế, rằng trung tâm sẽ chẳng tồn tại được bao lâu, rằng tờ báo sớm muộn cũng phải đóng cửa thôi… Nhưng thực tế thì như chúng ta thấy, dù rằng sức khoẻ kém, ông không thể trực tiếp thực hiện tiếp những gì dang dở, nhưng những người tiếp bước ông vẫn đang duy trì được tờ báo theo đúng tinh thần mà ông đã khởi xướng: Tôn vinh văn hoá trong kinh doanh, trong doanh nghiệp, trong mỗi doanh nhân.
PV: Các tác phẩm của chị thắm đượm nét đẹp của văn hóa dân tộc miền núi, lấp lánh phận đời đẹp và buồn. Có thể nói đây là “đề tài ruột thịt” ẩn hiện chân thực và sâu sắc trên mỗi ngòi bút của chị, giống như Hà Giang là của chị và chị là của Hà Giang vậy. Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về những tác phẩm của mình đã xuất bản, trong đó có cả những tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản phim?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi đã in 22 cuốn sách. Phần lớn trong số đó là viết về miền núi, về vùng Tày và vùng Mông. Trong đó có những truyện ngắn, tiểu thuyết đã được chuyển thể thành kịch bản, làm phim. Hiện tại thì tôi cũng đang chuyển thể một cuốn tiểu thuyết của mình thành kịch bản phim truyền hình, có lẽ năm tới thì sẽ hoàn thiện.
PV: Sắp tới đây chị có dự định sẽ ra mắt những tác phẩm mới nào? Thông điệp mà chị muốn gửi gắm đến bạn đọc qua những cuốn sách đẹp ấy là gì? Và chị có chia sẻ gì về cảm xúc, nguồn cảm hứng cũng như tình yêu với văn chương đến các cây bút trẻ?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tôi định năm tới sẽ in một bộ sách, trong đó có tiểu thuyết và tản văn. Nhưng cũng còn tuỳ… hứng. Tôi thích sách đẹp. Nội dung có thể hay có thể dở, cái đó không nói mạnh được. Nhiều khi ta muốn chưa chắc đã làm được. Nhưng hình thức thì tôi thực sự rất thích những cuốn sách đẹp. Những cuốn sách đẹp sẽ khiến cho bạn đọc khi cầm lên muốn nâng niu, giở ra cũng không nỡ làm nhàu, kiểu như vậy. Bạn đọc có quyền được đọc những cuốn sách đẹp, thì cũng giống như phụ nữ chúng ta vậy. Quần nào chẳng có hai ống, áo nào chẳng phải có cổ, có vạt, có chỗ để xỏ tay vào… Nhưng ta cũng cứ thích chúng phải đẹp cơ. Nói chung, tôi luôn thích những thứ đẹp đẽ, trong đó có sách. Và đó là lý do tôi muốn chăm chút cho chúng. Đến lúc này, nói một cách chân thành là tôi không còn áp lực ra sách nữa. Những năm trước, chính xác là suốt hai mươi năm qua, tôi đã từng tự đặt ra mục tiêu mỗi năm phải in một cuốn sách. Nếu năm nay nghỉ thì sang năm in hai cuốn. Tôi không muốn dừng lại, tôi không muốn mình không làm gì. Tôi muốn, như lời cố nhà văn Nguyễn Khải từng nói với tôi, hãy viết mỗi ngày. Viết gì cũng được nhưng hãy viết mỗi ngày. Trong vài chục nghìn trang cháu viết ra mà có vài trăm trang đọc được, trong vài trăm trang ấy lại có vài trăm trang bạn đọc nhớ đến, thế là thành công rồi. Thế nên tôi cứ cặm cụi viết suốt. Cuộc sống có bề bộn thế nào cũng phải viết mỗi ngày. Nhưng viết thì cứ viết, còn thì tôi không còn áp lực mỗi năm đều phải ra sách nữa, mà là khi nào chuẩn bị thật kĩ càng rồi thì tôi mới in.
Còn với các bạn trẻ, nói thật tôi cũng chẳng biết nói gì. Nhưng có một điều, tôi tự thấy văn chương là con đường rất nhọc nhằn. Thành công hay không, thành công đến đâu, không phải chỉ cần ta quyết tâm mà có được. Nó còn phụ thuộc vào ông giời. Như nhà văn Lê Lựu nói, nhà văn giống như thợ đào giếng. Có người mới đào đã gặp mạch nước, có người đào cả đời, đào mải miết cũng chả thấy nước đâu.
Thế nên, say mê thì cứ việc say mê thôi.
Trân trọng cảm ơn chị đã dành thời gian cho Ban biên tập Tòa soạn!
Kính chúc chị sức khỏe và hạnh phúc!
Thực hiện: Vũ Đào – Phạm Liệu