Để thực hiện thành công Nghị định (NĐ) 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thời gian qua NHNN Chi nhánh Kiên Giang đã tập trung triển khai nhiều công tác tích cực. Hướng đến từng bước đưa tỉnh nhà có những “sức bậc” lớn trong việc hội nhập quốc tế ở lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng và hội nhập kinh tế nói chung. Nhằm hiểu thêm những công cuộc cũng như định hướng của Ngành trong công tác này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Kiệt, Giám đốc NHNN Chi nhánh Kiên Giang.
Vietinbank tài trợ vốn cho dự án MDF VRG Kiên Giang
Nông nghiệp, nông thôn được xem là 1 trong 5 lĩnh vực mà ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn. Theo đó Ngành đã có những hướng đi đúng đắn trong việc thực hiện theo NĐ 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn?
Phát triển nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển đất nước. Từ những năm đầu của thập niên 1990, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho vay nông hộ sản xuất nông nghiệp. Phải kể đến NĐ 55 có thể xem là bước đột phá quan trọng. Thể hiện qua các nội dung chủ yếu là mở rộng đối tượng thụ hưởng đến người dân ở đô thị có hoạt động sản xuất nông nghiệp và nâng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Bổ sung các chính sách ưu đãi hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững như mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và quy định cơ chế xử lý rủi ro trong cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn trong trường hợp khách hàng vay gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bất khả kháng để TCTD và các địa phương chủ động phối hợp hỗ trợ xử lý ngay khi phát sinh. Đặc biệt, để cơ hội được chuyển hóa thành lợi ích cụ thể và rủi ro được kiểm soát, trong qúa trình hoạt động, Ngành cũng đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị ở cả 3 nhóm chủ thể là các cơ quan quản lý, doanh nghiệp-ngân hàng và người dân.
Qua 2 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, Ngành đã đạt được những kết quả khả quan nào?
Kiên Giang là tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển nông nghiệp (diện tích đất nông nghiệp chiếm 90,7% diện tích tự nhiên, dân số trên 1,7 triệu người, hơn 72% dân số sinh sống ở nông thôn và 61,8% lao động nông nghiệp). Gía trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản chiếm trên 40% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân nông thôn và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong tỉnh.
Chính vì sớm xác định tầm quan trọng này, Ngành Ngân hàng Kiên Giang đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp cung ứng tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có chính sách tín dụng theo NĐ 55. Qua 2 năm thực hiện, đến hôm nay cho vay nông nghiệp nông thôn tại đia phương tiếp tục tăng trưởng khá, gắn xây dựng NTM với trên 110 ngàn khách hàng được tiếp cận vốn vay với doanh số cho vay đạt 81 ngàn tỷ đồng, dư nợ đạt 22 ngàn tỷ đồng, chiếm 47% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn tỉnh Kiên Giang. Vốn tín dụng ngân hàng theo NĐ 55 đóng vai trò chủ lực giúp người dân thực hiện tốt việc thâm canh, tăng vụ, khai thác cơ bản tiềm năng đất đai, nâng sản lượng sản xuất lúa đạt cao nhất nước (4,65 triệu tấn), giá trị sản xuất nông nghiệp tăng khá. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất toàn địa phương tăng 3,98%, trong đó nông nghiệp tăng 1,18%, lâm nghiệp tăng 18,2%, thuỷ sản tăng 7,11%, nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp được cơ giới hoá trên 90% (trong đó khâu làm đất trên 97%).
Ngân hàng nhà nước tỉnh Kiên Giang
Nông nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực ngân hàng ưu tiên hỗ trợ, tuy nhiên việc cho vay phải đảm bảo hiệu quả, hạn chế phát sinh nợ xấu. Ông có thể cho biết rõ hơn điều này?
Sản xuất nông nghiệp là một lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Để vừa triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng theo NĐ 55 vừa đảm bảo chất lượng tín dụng ngân hàng, đòi hỏi Ngành Ngân hàng Kiên Giang phải tập trung vào nhiều biện pháp. Cụ thể là lấy hiệu quả từ phương án, dự án sản xuất kinh doanh để làm căn cứ quyết định cho vay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Tập trung vào những hoạt động sản xuất kinh doanh, những sản phẩm được sản xuất theo quy hoạch và lịch sản xuất của địa phương. Ngành cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng theo NĐ 55 và xử lý kịp thời các rủi ro xảy ra.
Ngân Hàng Quốc Dân – PGD Phú Quốc
Trong thời gian tới, đâu là hướng triển khai NĐ 55 của Ngành để đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn?
NĐ 55 ra đời với nhiều điểm mới, đặc biệt có quy định chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là điều kiện để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để triển khai NĐ 55 đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới, Ngành sẽ tập trung vốn ưu tiên cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này, nhất là các mô hình, sản phẩm truyền thống. Chú trọng cho vay triển khai thực hiện phương án, đề án sản xuất nông nghiệp theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm, nông nghiệp sạch, đầu tư bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao gia tăng giá trị, cơ giới hóa sản xuất … Đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng khác nhằm gia tăng hiệu quả chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như chính sách tín dụng phát triển thủy sản, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, các chương trình tín dụng chính sách xã hội…/.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện Lê Tiến Bảo