Nuôi dưỡng niềm tin kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp là nhân tố quan trọng nhất để hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ông PHẠM TẤN CÔNG, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ:
– Năm 2021, dù nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp rất khó khăn do đại dịch nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Điều này thể hiện tinh thần kinh doanh và sức sống của doanh nghiệp.
Hơn 1,65 triệu doanh nghiệp đã thành lập
* Nhưng để phát triển tinh thần kinh doanh cần làm nhiều việc đồng bộ?
– Để nuôi dưỡng và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, niềm tin kinh doanh của người dân, theo tôi, cần tiếp tục chú trọng vào các nhiệm vụ:
Thứ nhất, khẩn trương xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam một cách toàn diện và hệ thống, gồm: văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa tiêu dùng, văn hóa truyền thông, văn hóa quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đề cao vai trò của văn hóa truyền thông, báo chí cổ vũ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Thứ hai, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước tiếp tục kiềm chế lạm phát, xây dựng lòng tin cho người kinh doanh. Các chính sách phải dễ dự đoán, các bộ ngành tiếp tục gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh.
Thứ ba, xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp có định hướng trong những lĩnh vực ưu tiên, đề cao tính đổi mới sáng tạo và có tính quốc tế cao hơn.
Thứ tư, cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới các chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông theo hướng đào tạo kỹ năng sáng tạo, độc lập, khả năng làm việc nhóm. Xây dựng một cơ quan đầu mối tập hợp các chương trình hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ để những người làm kinh doanh dễ tiếp cận…
* Chính phủ từng đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 nhưng chưa đạt. Việt Nam cần bao nhiêu doanh nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu thành nước công nghiệp phát triển?
– Ước tính, đến hết năm 2021, số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế chỉ đạt trên 850.000 doanh nghiệp.
Trong nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đưa ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục thì một việc quan trọng khác là Chính phủ cần tập trung hơn vào các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập để các doanh nghiệp này có thể trụ vững và phát triển.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh, huyện Nhà Bè, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thực tế, số doanh nghiệp thành lập lũy kế tính đến hết 2021 tại Việt Nam đã hơn 1,65 triệu, nhưng số doanh nghiệp hoạt động chỉ bằng khoảng 52-53%, cho thấy số doanh nghiệp rút khỏi thị trường rất cao, nhất là trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, đối với sự phát triển kinh tế của đất nước thì chất lượng doanh nghiệp quan trọng hơn số lượng. Do vậy, chúng ta cần đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp hơn là chỉ chú tâm phát triển số lượng doanh nghiệp.
Định hình các “sếu đầu đàn”
* Nền kinh tế đang thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu chuỗi sản xuất, cung ứng – những “sếu đầu đàn” dẫn dắt sự phát triển?
– Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn chiếm khoảng 0,07% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chiếm 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, đóng góp hơn 29% GDP của đất nước. Các doanh nghiệp nhà nước đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng. Như vậy, có thể khẳng định các doanh nghiệp nhà nước đa số là các “sếu đầu đàn”.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Như vậy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong các lĩnh vực trọng yếu mà Nhà nước cần quản lý để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Còn các lĩnh vực khác, vai trò dẫn dắt sẽ thuộc về các doanh nghiệp lớn của khu vực tư nhân.
Hiện nay, chúng ta đã có một số doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh có khả năng dẫn dắt trong một số lĩnh vực. Đã đến lúc cần tập hợp và phát huy vai trò các doanh nghiệp tư nhân “sếu đầu đàn” trong phát triển kinh tế ở Việt Nam.
* Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được VCCI công bố nhiều năm cho thấy còn nhiều bất cập đang khiến doanh nghiệp phiền lòng, khó phát triển?
– Sự thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh thời gian qua có đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành phố. Tuy vậy, một số lĩnh vực cần tiếp tục thay đổi nhiều hơn như thủ tục hành chính, thực hiện triệt để thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến, minh bạch các quy trình thủ tục…
Nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, quy hoạch, môi trường… các nhà đầu tư vẫn phản ảnh gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí.
Các doanh nghiệp mong muốn chính quyền các tỉnh, thành phố tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra. Các doanh nghiệp cũng mong chính quyền các tỉnh thành nỗ lực mạnh mẽ hơn để giảm gánh nặng chi phí không chính thức…
Điều doanh nghiệp mong muốn nhất từ Chính phủ…
* Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 đã được Quốc hội thông qua. Theo ông, cần làm gì để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận?
– Điểm nhấn đáng chú ý của nghị quyết về phục hồi kinh tế 2022-2023 theo tôi là đã đưa nội dung cải cách thể chế là một trụ cột riêng và giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong 2022.
Do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, tốc độ phát triển của Việt Nam trong 2020-2021 chững lại đáng lo ngại, nguy cơ lỡ nhịp phát triển với thế giới ngày càng rõ. Các giải pháp cải cách thể chế sẽ mang lại lợi ích lớn, bền vững. Suy cho cùng, điều doanh nghiệp mong đợi nhiều nhất vẫn chính là “cơ chế, cơ chế và cơ chế”.
Tôi rất tâm đắc với phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại hội VCCI vừa qua. Ông nhấn mạnh “không chỉ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nước ta phải cạnh tranh được với sản phẩm, hàng hóa của các nước khác mà chất lượng pháp luật, thủ tục hành chính, sự chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền các cấp của chúng ta cũng phải cạnh tranh được với các quốc gia khác”.
Tôi kỳ vọng Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương quán triệt tinh thần này của Thủ tướng, nhanh chóng triển khai trong thực tế, tạo điều kiện để phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt vững mạnh, qua đó thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ông Phạm Tấn Công: Nỗ lực để doanh nghiệp “chịu lớn”
Trong giai đoạn 2015-2019, tỉ lệ các doanh nghiệp quy mô lớn giảm từ 3,1% xuống còn 2,6%. Tỉ lệ doanh nghiệp quy mô vừa giảm từ 3,6% xuống còn 3,4%. Như vậy, tỉ lệ doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ đang chiếm đến 94% trong tổng số doanh nghiệp năm 2019. Ngay cả đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, tỉ lệ các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp quy mô vẫn nhiều hơn tỉ lệ các doanh nghiệp tăng quy mô.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề trong sự phát triển, nhất là về quy mô. Việc thiếu vắng lực lượng các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn đã khiến Việt Nam khó tiếp cận với các công nghệ mới và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, chưa tận dụng được lợi thế về quy mô, khiến năng suất lao động còn thấp.
Việc thiếu các thể chế hỗ trợ thị trường hiệu quả đã khiến các doanh nghiệp khó có điều kiện để phát triển về quy mô. Nhiều doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn lực. Ngay cả các doanh nghiệp FDI cũng nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ và các địa phương hơn các doanh nghiệp tư nhân trong nước…
Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được phát triển dù được coi là lĩnh vực xương sống đối với công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Các cụm công nghiệp chưa tạo được hạ tầng để kết nối thực sự doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng và giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt là thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau khi thành lập…
Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp