Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN), giảm tham nhũng “vặt” và phát triển các chính sách hỗ trợ DN chính là điểm nhấn của Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023.
Ngày 9/5, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper chủ trì lễ công bố Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là lần thứ 19 PCI được công bố và lần thứ 2 thực hiện chỉ số PGI sau lần thí điểm đầu tiên năm 2022. Báo cáo PCI/PGI 2023 được xây dựng dựa trên phản hồi của hơn 10.000 DN, bao gồm cả DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Cuộc khảo sát năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức trong và ngoài nước: căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao tại các nước, sụt giảm thị trường quốc tế, rào cản thương mại gia tăng, nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm, khả năng tiếp cận các khoản vay hạn chế, giá cả đầu vào tăng, thảm hoạ thiên tai khó lường, hậu quả kinh tế và xã hội từ đại dịch Covid-19 vẫn còn dai dẵng.
So với năm 2022, bảng xếp hạng PCI 2023 ghi nhận một số tân binh mới lọt vào Top 10 như Bến Tre (69,20 điểm), Hậu Giang (69,17 điểm) và Phú Thọ (69,10 điểm). Đáng chú ý nhất là Hậu Giang, tăng từ top 20 (2022) lên top 10 (2023). Trong khi đó, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng (71,25 điểm), tiếp theo lần lượt là Long An (70,94 điểm ) và Hải Phòng (70,34 điểm). Bắc Giang lần thứ hai xuất hiện trong Top 5. Ngoài ra, PCI 2023 cũng ghi nhận một số tân binh lọt vào Top 30 như Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hoá. Đây là tín hiệu cho thấy các tỉnh với vị trí thấp hơn đã bám sát các tỉnh có thứ hạng cao hơn để lọt vào Top 30.
Bảng xếp hạng cũng ghi nhận các tỉnh thành thuộc 6 khu vực trên cả nước đều có mặt trong top 30. Trong đó, Đồng bằng Sông Hồng có 7/11 địa phương (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Bình và Hà Nội). Khu vực miền núi phía Bắc với 5/14 tỉnh (Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Lào Cai). Duyên hải miền Trung có 6/14 địa phương (Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, Thanh Hóa), trong khi Tây Nguyên chỉ có 1/5 địa phương (Đắc Nông) lọt top 30. Vùng Đông Nam Bộ có 3/6 tỉnh, thành phố (Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh và TP.HCM), trong khi vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 8/14 (Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh, Tiền Giang) trong top 30.
Năm nay, PCI đặc biệt nhấn mạnh vào công tác tăng cường hỗ trợ của các tỉnh, thành trong việc giảm quan liêu, tham nhũng “vặt” và tiến tới các chích sách hỗ trợ DN. Trong khi đó, báo cáo PGI tôn vinh và thúc đẩy cải cách pháp lý, đầu tư thân thiện với môi trường tại các tỉnh, thành gắn với việc bảo vệ môi trường trong tăng trưởng kinh tế. Báo cáo PGI năm nay cũng ghi nhận các tỉnh, thành đang đối mặt nhiều thách thức trong việc thực hiện các sáng kiến môi trường địa phương một phần do thiếu nguồn lực cũng như chuyên môn. Theo báo cáo PCI và PGI 2023, top 3 tỉnh thành dẫn đầu chỉ số PCI bao gồm Quảng Ninh, Long An và Hải Phòng, trong khi Quảng Ninh, Đà Nẵng và Đồng Nai dẫn đầu chỉ số PGI.
Kết quả khảo sát ghi nhận trong năm 2023, chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tập trung vào 06 lĩnh vực chính: cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tái cơ cấu hành chính nhà nước, quyền và trách nhiệm của quan chức nhà nước, tài chính công và thúc đẩy chính phủ điện tử và quản trị kỹ thuật số. Cụ thể, liên quan đến cải cách thể chế, Chính phủ đã tổ chức 10 cuộc họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong khi các cơ quan ngang Bộ đã trình Chính phủ ban hành 92 Nghị định ban hành theo thẩm quyền và 372 thông tư.
Năm 2023 cũng phản ánh hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính với chỉ số phụ Chi phí thời gian năm 2023 đạt 7,74 điểm, tăng từ 7,28 điểm so với năm 2022 và 7,35 điểm so với năm 2021. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát báo cáo có những cải thiện trong công tác giải quyết thủ tục hành chính tổng thể, bao gồm các quy trình xử lý trực tuyến.
Nhấn mạnh về công tác trợ lực cho DN phục hồi và phát triển trong bối cảnh nhiều biến động trong và ngoài nước, Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định: “Trong thời gian tới, các chính quyền địa phương cần triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí cho DN. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, DN cần sự hỗ trợ và sự tiên phong của chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ. DN cũng cần sự ổn định, nhất quán và tin cậy trong công tác xây dựng và thực thi chính sách pháp luật”.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững về môi trường có ý nghĩa sống còn đối với sự tăng trưởng và sức cạnh tranh của DN. Chính quyền các tỉnh đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chu kỳ tăng trưởng xanh của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đã phân quyền trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các chính quyền địa phương. Trong bối cảnh đó, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hướng tới 20 năm hợp tác, xây dựng chỉ số PCI (2005-2025) và hiện tại đang thực hiện chỉ số PGI – một công cụ mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh. Trong đó, PGI sẽ thúc đẩy các tỉnh thành hành động, tiến tới định hình môi trường kinh doanh thân thiện với môi trường và thu hút đầu tư xanh.
Từ mô hình thành công của PCI, PGI tập trung đánh giá và xếp hạng các chính sách môi trường của các tỉnh từ góc độ DN nhằm thông tin về sự phát triển chính sách của địa phương, thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, đồng thời giúp DN xác định được các tỉnh thành nào đang thúc đẩy các hoạt động xanh. Có thể nói, PGI được thực hiện như một phần quan trọng của cuộc khảo sát PCI hàng năm với sự tham gia của hơn 10.000 DN tư nhân trong và ngoài nước.
Theo ghi nhận của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, PGI sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam cũng như mục tiêu tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 của Việt Nam.
ĐỨC QUÂN