VHDN – Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam, chỉ số PCI chính là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp, dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành ở Việt Nam. Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành. Từ lần thứ hai (năm 2006) trở đi đến nay, tất cả các tỉnh, thành Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm. Để hiểu thêm vấn đề này Văn hóa Doanh nhân đã có buổi phỏng vấn với Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI
– PV: Vì sao mỗi tỉnh, thành trên cả nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh? Quá trình thực hiện chỉ số PCI gồm có những mốc chính nào, thưa ông?
– Ông Đậu Anh Tuấn: Một trong những thông điệp xuyên suốt của chỉ số PCI từ khi bắt đầu triển khai đến nay đó là “Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”. PCI là một chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành ở Việt Nam. Do đó, cải thiện chỉ số PCI chính là nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, từ đó tạo thuận lợi môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư tư nhân ở các địa phương.
Các tỉnh, thành trên cả nước có thể tham khảo những kết quả của chỉ số PCI để xây dựng và thực thi các chương trình hành động cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và tạo thuận lợi môi trường kinh doanh. Điều này đem lại 3 lợi ích quan trọng cho địa phương. Thứ nhất, chi phí tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp giảm đi nhờ một hệ thống cung cấp dịch vụ công hiệu quả hơn và phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Thứ hai, các rủi ro kinh doanh được tối thiểu hóa nhờ việc ban hành và thực thi chính sách tốt hơn, đặc biệt là giảm bớt sự bất định của chính sách và các quy định thiếu sự tham vấn rộng rãi với các bên liên quan. Thứ ba, doanh nghiệp tại địa phương có sức cạnh tranh tốt hơn nhờ vào các chương trình hỗ trợ kinh doanh thực thi bởi chính quyền cấp tỉnh. Qua thời gian, những thay đổi này giúp doanh nghiệp tăng khả năng tạo lợi nhuận, hoạt động ổn định và tự tin xây dựng các kế hoạch kinh doanh lâu dài tại địa phương. Cuối cùng, tác động dài hạn sẽ là sự tăng trưởng số lượng doanh nghiệp, tăng trưởng vốn đầu tư, gia tăng các dự án kinh doanh mới, tăng trưởng việc làm và sự thịnh vượng ở các tỉnh, thành.
Bắt đầu từ năm 2005, VCCI và USAID đã phối hợp xây dựng chỉ số PCI trong khuôn khổ Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI). Trong năm này, chỉ số PCI đã tiến hành khảo sát thí điểm tại 42 tỉnh, thành của Việt Nam. Kể từ năm 2006 đến nay, chỉ số PCI trở thành dự án độc lập được tiến hành triển khai tại toàn bộ tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Trong quá trình này, VCCI đã từng bước làm chủ toàn bộ quá trình quản lý dự án và trực tiếp đánh giá, công bố chỉ số PCI hàng năm.
Thêm nữa, từ năm 2022, VCCI phát triển thêm một chỉ số nữa bên cạnh chỉ số PCI đó là Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Mục tiêu của chỉ số PGI là đặt bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vào trung tâm quỹ đạo phát triển của Việt Nam, từ đó góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện chiến lược phát triển bền vững, cũng như thúc đẩy việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
– PV: Thưa ông, kể từ lần đầu tiên nghiên cứu và công bố chỉ số PCI năm 2005 cho tới nay, PCI đã đạt được những tác động lớn nào? Hiệu quả ra sao?
– Ông Đậu Anh Tuấn: Kể từ năm 2005 đến nay, có thể xem chỉ số PCI là một trong những sáng kiến quan trọng góp phần vào sự thay đổi sâu sắc của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ở thời điểm năm 2005, doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với kinh tế của phần lớn địa phương. Đa số chính quyền các tỉnh, thành khi đó vẫn chưa nhìn nhận khu vực tư nhân như động lực chủ chốt của sự phát triển kinh tế địa phương. Các giải pháp hỗ trợ khu vực còn rất hạn chế và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính vẫn rất cao, đặc biệt trong những khía cạnh như gia nhập thị trường hay tiếp cận đất đai. Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương còn khá mờ nhạt. Hoạt động đối thoại chính quyền – doanh nghiệp chưa được coi trọng đúng mức.
Chỉ số PCI chính là một làn gió mới góp phần thay đổi bầu không khí đó. Việc triển khai chỉ số PCI và đánh giá, xếp hạng hàng năm đã từng bước tạo được sự chú ý từ các tỉnh, thành và ngày càng được đón nhận qua thời gian từ cả phía cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Tác động rõ rệt nhất có thể thấy là việc thúc đẩy thay đổi thái độ ứng xử của chính quyền các tỉnh, thành với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho đến nay, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đều định kỳ xây dựng các chương trình hành động cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính quyền các địa phương giờ xem cộng đồng doanh nghiệp tư nhân như đối tác đồng hành vì mục tiêu phát triển kinh tế. VCCI đã trực tiếp tham gia trên 600 hội thảo chẩn đoán chỉ số PCI và đối thoại doanh nghiệp do các tỉnh, thành tổ chức trong giai đoạn từ 2005 đến nay. Nhiều địa phương cũng đã lập những tổ công tác chuyên trách nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả chỉ số PCI còn được Chính phủ và các bộ, ngành tham khảo để phục vụ việc xây dựng các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ví dụ như loạt Nghị quyết 19 (2014-2018) hay loạt Nghị quyết 02 (2019-2022).
Chỉ số PCI cũng tạo cảm hứng cho hàng loạt sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh do các tỉnh, thành thực hiện ví dụ như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và địa phương, mô hình “Cà phê doanh nhân”, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp”, các mô hình tổ công tác chuyên trách hỗ trợ nhà đầu tư, các sáng kiến chuyển đổi số và hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính.
Những đóng góp của chỉ số PCI trong 18 năm qua đã tạo ra một bức tranh môi trường kinh doanh với nhiều gam màu lạc quan. Chính quyền các địa phương ngày càng năng động, tiên phong và có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân được coi trọng và hầu như không còn tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hoạt động đối thoại chính quyền – doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên. Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giảm rõ rệt. Chi phí phi chính thức cũng giảm đáng kể trong những năm gần đây.
– PV: Chỉ số PCI có vai trò gì đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, thưa ông?
– Ông Đậu Anh Tuấn: Chỉ số PCI là công cụ hữu ích không chỉ với chính quyền các tỉnh, thành mà còn đối với doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Trong giai đoạn 2006-2022, trung bình cứ 5 doanh nghiệp đang hoạt động thì xấp xỉ 1 doanh nghiệp đã từng trả lời phiếu khảo sát chỉ số PCI. Nhờ đó, chỉ số PCI có thể phản ánh “tiếng lòng” của các doanh nghiệp, truyền tải những thông điệp cải cách của cộng đồng doanh nghiệp đến chính quyền cấp tỉnh. Chỉ số PCI như một “thước đo” cho thấy mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tại địa phương về công tác điều hành kinh tế và tạo thuận lợi kinh doanh.
Với các nhà đầu tư nước ngoài hoặc nhà đầu tư từ các địa phương khác, chỉ số PCI là công cụ tham khảo quan trọng cho việc đưa ra quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Các nhà đầu hiện nay ngày càng coi trọng chất lượng quản trị công và các giải pháp hỗ trợ kinh doanh tại các tỉnh, thành phố nơi họ có ý định đặt cơ sở kinh doanh.
– PV: Được biết, cứ 4 năm một lần, nhóm nghiên cứuchỉ số PCI sẽ thực hiện đánh giá lại chỉ số và sửa đổi phương pháp luận theo hướng cập nhật những chuyển động của môi trường kinh doanh. Cụ thể, trong năm 2022, 10 chỉ số thành phần trong chỉ số PCI đã có sự điều chỉnh? Vậy xin ông cho độc giả được biết rõ hơn về những nội dung này?
– Ông Đậu Anh Tuấn: Để chỉ số PCI luôn là công cụ hữu ích và đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách cũng như các bên có liên quan, nhóm nghiên cứu chỉ số PCI tiến hành định kỳ 4 năm một lần có những điều chỉnh lớn về phương pháp luận. Việc điều chỉnh này nhằm tiếp tục phản ánh sát nhất những chuyển động của môi trường kinh doanh và khung khổ chính sách, pháp luật, cũng như sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong phiên bản chỉ số PCI mới nhất, số chỉ tiêu mới được bổ sung so với chỉ số PCI giai đoạn 2017-2020 là 56 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu duy trì từ giai đoạn 2017-2020 nhưng được điều chỉnh nội dung 8 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu cũ trong giai đoạn 2017-2020 bị loại bỏ là 52. Trong khi đó, 77 chỉ tiêu của giai đoạn trước vẫn được giữ như cũ trong phiên bản chỉ số PCI cập nhật.
Đối với hệ thống chỉ số thành phần, PCI hiện tại đã làm mới gần như toàn bộ chỉ số thành phần “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” và chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” (tên cũ là Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp). Bên cạnh đó, từ năm 2022, trong số của 10 chỉ số thành phần cũng được cập nhật để bảo đảm rằng những chỉ số thành phần được gán trong số lớn nhất là những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp qua thời gian. Những chỉ số thành phần có trọng số lớn nhất trong chỉ số PCI 2022 là “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương”, “Chi phí không chính thức” và “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”.
– PV: Xin cảm ơn ông!
Thi Huyền (thực hiện)
Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có:
- Chi phí gia nhập thị trường thấp;
- Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;
- Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;
- Chi phí không chính thức thấp;
- Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;
- Môi trường cạnh tranh bình đẳng;
- Chính quyền tỉnh, thành năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;
- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;
- Chính sách đào tạo lao động tốt;
- Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.