(VHDN) – Quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì, phát triển và lan tỏa thương hiệu của doanh nghiệp, hay nói cách khác quản trị tài sản trí tuệ có quan hệ chặt chẽ với phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Quản trị tài sản trí tuệ gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ trong các hoạt động về kinh tế và chuyển giao công nghệ.
Quyền sở hữu tài sản trí tuệ
Các tài sản trí tuệ tồn tại dưới hình thức “quyền tài sản” và bao gồm các yếu tố “trí tuệ” mà doanh nghiệp có thể xác lập quyền sở hữu. Quyền sở hữu đối với một tài sản thường được nhìn nhận ở quyền chiếm hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản và quyền định đoạt tài sản. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật quy định như: (i) quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá; (ii) quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý; (iii) quyền đối với giống cây trồng bao gồm giống cây trồng và vật liệu nhân giống.
Việc xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ có thể được thể hiện dưới dạng văn bằng bảo hộ và được cơ quan có thẩm quyền cấp nhằm xác lập quyền tác giả và quyền liên quan tới quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.
Quản trị tài sản trí tuệ
Việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát tài sản trí tuệ hợp lý sẽ tác động tích cực tới thương hiệu của doanh nghiệp thông qua hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; đồng thời kích thích, khích lệ, tạo động lực cho người lao động, nhà quản trị doanh nghiệp hăng say sáng tạo bằng việc công nhận các quyền hợp pháp từ tạo dựng kết quả sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, đối với các quyền về lợi ích kinh tế có được từ việc khai thác tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp,…
PGS. TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Bên cạnh đó, để phát triển thương hiệu của doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ thì doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới các chính sách của nhà nước về sở hữu trí tuệ như việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ; hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ; ưu tiên đầu tư cho đào tạo về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Việc thu hút khách hàng tiềm năng thông qua sự khác biệt về sản phẩm, giới thiệu sản phẩm mới, quy trình mới hoặc có cải tiến đáng kể trong sản xuất, thương mại hóa và đưa sản phẩm ra thị trường là các chiến lược mà doanh nghiệp thường sử dụng để duy trì và khẳng định thương hiệu của mình. Khi phân tích thị trường bên cạnh chú ý tới giá trị quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp thì cũng cần quan tâm tới quy mô của thị trường, nhu cầu thực tế và tiềm năng của khách hàng, các sản phẩm hoặc dịch vụ cạnh tranh hiện tại hoặc có thể thay thế, quy mô, năng lực của đối thủ cạnh tranh hiện tại và tiềm ẩn.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thương hiệu của doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng của hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua áp dụng các tri thức mới. Tri thức mới là yếu tố chính tạo nên sức mạnh cạnh tranh, do đó doanh nghiệp tìm ra cách thức quản trị hoạt động đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả là cần thiết. Một trong các công cụ quan trọng để quản lý thành quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đó là sử dụng hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Quyền sở hữu trí tuệ cho phép các doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của họ so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh, giúp giảm thiểu các rủi ro liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm mới hoặc cải tiến ra thị trường. Đặc biệt, các quyền sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp có được sự độc quyền đối với bí mật thương mại, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, sáng tạo văn học và nghệ thuật, do đó làm giảm khả năng sao chép từ đối thủ cạnh tranh, làm tăng cơ hội thương mại hóa tài sản trí tuệ và giải quyết các xung đột liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp có năng lực quản trị tài sản trí tuệ không tốt sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ, kiểu dáng, cung cấp dịch vụ, tiếp thị, thu hút vốn, xuất khẩu, nhượng quyền thương mại. Hiểu biết về sở hữu trí tuệ, về cách thức bảo hộ và quản lý hiệu quả tài sản trí tuệ là cần thiết, quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất khẩu quốc tế. Các doanh nghiệp hạn chế về quản trị sở hữu trí tuệ có thể không gắn được lợi ích từ việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong chiến lược kinh doanh và phát triển thương hiệu, thậm chí không sẵn sàng, không có kế hoạch tiếp cận, khai thác thông tin về sở hữu trí tuệ từ khía cạnh thương mại, sản xuất kinh doanh và điều này có thể dẫn tới việc bảo vệ, duy trì và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc quản trị tài sản trí tuệ có mối quan hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng tích cực tới thương hiệu của doanh nghiệp.
Việc quản trị tài sản trí tuệ tốt sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, giá trị thương hiệu thông qua xác lập quyền, thương mại hóa và chuyển giao tài sản trí tuệ của mình.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Xuyên
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam