Ngày 27/1/2018, tại Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, cuộc thi viết truyện ngắn và ký đề tài: “Nông nghiệp, nông thôn; về đời sống sự nghiệp của các Doanh nhân và Nữ trí thức Thủ đô tiêu biểu”, do Quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức đã được trao các tác phẩm đoạt giải, tổng giải thưởng lên tới 210 triệu đồng.
BTC trao giải nhì cho các tác giả
Quỹ Nhà văn Lê Lựu đưa ra thông báo kết quả cuộc thi viết truyện ngắn, ký 2016-2017 hôm 2/12. Cuộc thi có đề tài: “Nông nghiệp, nông thôn; về đời sống và sự nghiệp của các Doanh nhân và Nữ trí thức Thủ đô tiêu biểu”, phát động từ năm 2016, đến hết ngày 30/8/2017.
Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các cây bút trên khắp mọi miền Tổ quốc, với tổng cộng 1.200 tác phẩm gửi tới dự thi. Sau một thời gian chấm giải, ban giám khảo chọn ra 12 tác phẩm đạt giải.
Cuộc thi không tìm được giải nhất (trị giá 50 triệu đồng). Có ba tác phẩm đạt giải nhì (trị giá giải thưởng là 30 triệu đồng), thuộc về: Phạm Bích Thủy (truyện ngắn À í a, Đậu phụ), Lê Ngọc Minh (truyện ngắn Bí kíp Number one, Trinh nữ, 0 chuyên), Nguyễn Anh Dũng – bút danh Du An (truyện ngắn Làm đẹp trong đêm, Trăng bản).
Ba tác giả được giải ba (trị giá giải thưởng 20 triệu đồng), gồm: Nguyễn Thu Hằng (truyện ngắn Ra đồng gặp một người), Vân Thảo (ký Làng tôi xanh bóng tre), Nguyễn Trọng Tân (ký Người nặng lòng với đất).
Sáu cây bút được giải bốn (trị giá giải thưởng 10 triệu đồng) dành cho: Nhà thơ Vương Trọng (ký Xứ dân gầy), Nguyễn Trọng Văn (truyện ngắn Dưới trăng, Mầu ơi, Người mẹ nông nổi), Vũ Đảm (truyện ngắn Cõi người), Nguyễn Trí (truyện ngắn Đa truân, Yên để tĩnh, Heo tai xanh), Đào Thị Mùi – bút danh Y Mùi (truyện ngắn Rể phố, Cô Gấm, Cụ Cội và con dế hồng), Lương Hiền (ký Thương trường là chiến trường).
Các tác giả nhận giải ba
Nhân dịp này, Quỹ nhà văn Lê Lựu tiếp tục phát động “Cuộc thi viết truyện ngắn, phóng sự, bút ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn; về đời sống, sự nghiệp của các Doanh nhân tiêu biểu 2018-2020” (lần 2), khởi động từ ngày 27 tháng 1 năm 2018 và kết thúc vào ngày 30 tháng 10 năm 2020, trao giải vào cuối năm 2020.
Trong chương trình, tác giả Phạm Bích Thuỷ (Giải nhì cuộc thi) đã ủng hộ cho Quỹ số tiền là 20 triệu đồng; Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt ủng hộ Quỹ số tiển 20 triệu đồng.
Quỹ nhà văn Lê Lựu thành lập đầu năm 2014, hoạt động dưới hình thức Quỹ xã hội phi lợi nhuận. Nhà văn Lê Lựu bỏ ra 1 tỷ đồng ban đầu để thành lập quỹ, sau đó quỹ tạo vốn trên cơ sở đóng góp của cá nhân tổ chức. Quỹ hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển Văn học – Xã hội, Văn hóa Doanh nhân, hai mảng đề tài gắn liền với sự nghiệp của Nhà Văn Lê Lựu. Vào năm 2014, thông qua cuộc thi do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, Quỹ Nhà văn Lê Lựu đã trao 01 giải thưởng cho nhà văn Phong Điệp.
HOÀI NGUYÊN
Sau đây TC VHDN xin đăng nguyên văn Báo báo tổng kết cuôc thi:
Báo cáo tổng kết cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký 2016 – 2017
do Quỹ NHà văn Lê Lựu tổ chức
Kính thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Cuộc thi viết truyện ngắn và ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn; về đời sống, sự nghiệp của các Doanh nhân và Nữ trí thức Thủ đô tiêu biểu” do Quỹ Văn học Nhà văn Lê Lựu tổ chức, được khởi động từ tháng 2 năm 2016 đã kết thúc. Hơn 1.200 (một nghìn hai trăm) sáng tác của các nhà văn, các tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc đã sôi nổi và hào hứng tham dự cuộc thi, phần nào đó đã phản ánh được tầm vóc văn học của một tổ chức không lớn nhưng đã có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đối với người viết và người đọc trong cả nước.
Ban giám khảo cuộc thi gồm các nhà văn: Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa và Nguyễn Trí Huân đã làm việc nghiêm túc, khách quan và đã lựa chọn được 30 tác phẩm vào chung khảo. Trong đó, 12 tác phẩm dã được đề nghị Ban Tổ chức trao giải thưởng.
Tháng 12 năm 2016, Ban Tổ chức cuộc thi đã tổ chức sơ kết trao tặng thưởng cho 9 tác giả, đánh dấu kết quả chặng đầu của cuộc thi: 4 tác giả trong số đó, cùng với những tác phẩm của họ đã đi tiếp chặng đường thiếp theo, trở thành chủ nhân của các giải thưởng cao như Phạm Thị Bích Thủy, Nguyễn Trọng Tân, Vân Thảo và Nguyễn Thu Hằng.
Điều đáng tiếc là cuộc thi, với sự tham dự nhiệt thành của các nhà văn hội viên, của các tác giả mới nhưng đã không có giải nhất. Sau khi cân nhắc, Hội đồng giải thưởng đã quyết định giải nhất trị giá 50 triệu đồng sẽ để lại cho cuộc thi tiếp theo diễn ra trong hai năm 2018-2020.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Đề tài nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp và doanh nhân cũng như đề tài về trí thức trẻ Thủ đô là những đề tài lớn của văn học. Chúng ta đều biết rằng, đất nước ta là một đất nước nông nghiệp. Một đất nước đang chuyển động nhọc nhằn và dữ dội để trở thành một đất nước công nghiệp. Trong sự chuyển động mang tính chất sinh tử đó, không ít những doanh nhân thành đạt, những trí thức trẻ đã tạo nguồn cảm hứng, làm bệ phóng cho họ. Bùn đất còn in đậm trong ký ức mỗi người. Đó là thế mạnh nhưng cũng là những hạn chế khi họ đặt chân vào cơ chế thị trường…
Tất cả những điều đó đã được phản ánh chân thực và tinh tế trong các tác phẩm tham dự cuộc thi.
Trước hết, tôi xin được đề cập đến 4 bài bút ký được giải của các nhà văn: Nhà Vân Thảo, Nguyễn Trọng Tân, Lương Hiền và Vương Trọng.
Nhà văn Vân Thảo, tác giả của tiểu thuyết Bí thư tỉnh ủy tham dự cuộc thi với bút ký Làng tôi xanh bóng tre. Một bài bút ký đầy hoài niệm về một làng quê miền Trung với những con người, những câu chuyện, truyện đời được kể lại một cách dung dị và đằm thắm. Văn Vân Thảo đẹp và man mác buồn. Nhà văn, sau nhiều năm đi xa đã tìm về với cội nguồn của chính mình để từ đó, cắt nghĩa sức mạnh tiềm ẩn, bất biến của tre, của đất trước những biến thiên dữ dội của thời cuộc.
Hai bài bút ký Người nặng lòng với đất của nhà văn Nguyễn Trọng Tân và Thương trường là chiến trường của Lương Hiền đều viết về hai doanh nhân thành đạt: Ông Nguyễn Quang Mâu, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần Viglacera Hạ Long nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần gốm Đất Việt và Công ty Cổ phần Gạch ngói Đất Việt, là anh hùng lao động đầu tiên của ngành đất sét nung Việt Nam. Là Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Lan, lập nghiệp ở vùng biên ải phía bắc.
Cả hai bài bút ký đều được viết một cách giản dị, kể lại những thăng trầm, được mất và nghị lực phi thường của hai doanh nhân trước sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường. Đọc hai bút ký này, người đọc mải miết theo dõi hành trình và số phận của nhân vật mà không còn chú ý tới văn chương nữa. Phải chăng, đó chính là phẩm chất, là yếu tố cần phải có của một bút ký văn học.
Bút ký cuối cùng đoạt giải là Xứ dan gầy của nhà thơ Vương Trọng. Cũng như Vân Thảo, nhà thơ Vương Trọng kể chuyện về làng quê xứ Nghệ của mình. Bằng một giọng văn hóm hỉnh mà thông minh, Vương Trọng đưa chúng ta đến với một ngôi làng đang chuyển động, từ nông thôn cũ lên nông thôn mới. Từ tâm lý thuần nông dưới lũy tre làng dịch chuyển sang tâm lý phố thị với nhà mái bằng, với con đường làng được bê tông hóa…
Ký nói chung, bút ký nói riêng là thể loại biểu lộ sức mạnh của văn học đối với đời sống. Ở cuộc thi này, bút ký dự thi không nhiều. Số còn lại nặng về ký báo chí, lệ thuộc vào số liệu, diễn giải. Cố nhà thơ Chế Lan Viên, trước đây đã từng nói rằng, ký như con tằm chỉ ăn một thứ lá dâu để nhả ra tơ. Còn truyện như con ong hút nhụy trăm hoa để làm mật. Chúng ta không xem nhẹ thể loại ký nhưng ở cuộc thi này, ký không đạt được nhiều kỳ vọng như truyện ngắn.
Trong số 12 tác giả đoạt giải thưởng thì 8 tác giả đoạt giải ở thể loại truyện ngắn. Trong đó 3 tác giả đoạt giải nhì, 1 tác giả đoạt giải ba và 4 tác giả đoạt gỉải tư. Truyện lấn át ký là một thực tế nằm ngoài dự liệu của Ban Tổ chức cuộc thi.
3 chùm truyện ngắn đạt giải cao là các tác phẩm Đậu phu, À í a, Báo tin cho hạnh phúc của Phạm Thị Bích Thủy. Bí kíp numberone, O Chuyên của Lê Ngọc Minh và Trăng bản, Làm đẹp trong đêm của Du An.
Phạm Thị Bích Thủy là một doanh nhân. Cả 3 truyện ngắn gửi dự thi của chị đều viết về môi trường doanh nghiệp và nông thôn. Văn của chị tinh tế, giàu sức gợi. Đó là những ký ức về một làng quê nghèo, tù đọng, nhẫn nhục và cam chịu, nhưng vẫn lấp lóe những khát vọng về một sự thay đổi. Là một doanh nhân người ngoại quốc với những điều khó đoán định từ nước da, dáng người đến sở thích, tính cách… Tác giả không nói tới chuyện thương thảo, hợp tác nhưng vẫn ngầm cảnh báo những gì mà các doanh nhân người ngoại quốc sẽ đem đến cho doanh nhân Việt, kinh tế Việt.
Báo tin cho hạnh phúc là một truyện ngắn man mác buồn. Một nỗi buồn sang trọng, đẹp và quyến rũ.
Hai truyện ngắn Bí kíp numberone và O Chuyên của nhà văn đạo diễn Lê Ngọc Minh là những tác phẩm tham dự vào giai đoạn cuối của cuộc thi. Bí kíp numberone kể về thủ đoạn kinh doanh tàn nhẫn hủy hoại môi trường của một doanh nhân mà ông ta coi đó là bí kíp số 1. Lê Ngọc Minh đã miêu tả nhân vật con sếu mồi sinh động, đáng thương như một con người. Con sếu – con người là một đồng cảnh bị khai thác đến cùng kiệt bởi chiếc vòng cổ, bởi sự ràng buộc cơm áo không sao dứt bỏ là một phân khúc ám ảnh, day dứt trong tâm trí người đọc.
O Chuyên là truyện gnắn viết về số phận bi thảm của một phụ nữ, một người mẹ, nạn nhân của lòng tham của những kẻ coi tiền bạc là lẽ sống. Một môtíp quen thuộc, không mới nhưng được tác giả viết một cách giản dị, thô mộc và chân thực.
Du An tên thật là Nguyễn Anh Dũng, một nhà văn sống ở Điện Biên tham dự cuộc thi với hai truyện ngắn: Trăng bản và Làm đẹp trong đêm. Trăng bản đề cập đến những hệ luỵ khi làn sóng đô thị hóa ập đến những thị trấn những bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất của vùng biên ải. Đó là những cơn gió độc gây ra những mất mát, đổ vỡ, bi phẫn trong mỗi gia đình và chỉ có ánh trăng, biểu trưng của văn hóa nguyên thủy làng bản mới có thể tẩy, chữa lành những thương tổn trả lại tình yêu cho con người
Làm đẹp trong đêm là một truyện ngắn độc đáo khi tác giả viết về một cậu bé mắc căn bệnh thế kỷ có nguyện vọng được trang điểm, làm đẹp sau khi chết. Và, một thiếu phụ, người làm đẹp cho con người duy nhất của thị trấn đã nhận thực hiện công việc đó. Truyện gửi đến cho chúng ta một thông điệp ngắn: Con người dẫu ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vẫn khao khát cái đẹp, tìm đến với cái đẹp. Văn của Du An trong và sáng. Tuy viết về miền núi nhưng tác giả sử dụng rất ít phương ngữ. Có thể vì thế mà truyện của anh dễ đọc, dễ cảm và dễ được chia sẻ.
Những truyện ngắn được giải khác: Ra đồng gặp một người, Đi tìm cỏ màn tiên của Nguyễn Thu Hằng, Dưới trăng, Người mẹ nông nổi của Nguyễn Trọng Văn, Cõi người của Vũ Đảm, Đa Tuân, Yên để tĩnh của Nguyễn Trí, Rể phố, Cụ Cội và con dế hồng của Đào Thị Mùi, mỗi người một vẻ đã tạo nên sắc thái đa dạng của cuộc thi.
Viết về văn hóa doanh nhân, về nông thôn và trí thức trẻ Thủ đô là viết về vẻ đẹp của con người trong sự chuyển mình từ cũ sang mới, từ tối qua sáng. Các thành viên trong ban giám khảo đều nhận thấy rõ một điều, độ chênh của các giải thưởng không lớn. Có thể ở thứ hạng này, cũng có thể ở thứ hạng khác. Độ chính xác chỉ đạt được ở một góc độ tương đối. Ở khía cạnh này, chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ của các tác giả tham dự giải, của người đọc.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Cuộc thi truyện ngắn và bút ký về đề tài doanh nghiệp, doanh nhân, nông nghiệp, nông thôn và nữ trí thức Thủ đô 2016-2017 đã khép lại. Nhưng những vấn đề lớn của mảng đề tài này không dễ có lời giải, vẫn còn để ngỏ, tiếp tục đòi hỏi sự phát hiện khám phá không ngừng của văn học.
Xuất phát từ tình hình trên, thay mặt Ban tổ chức, tôi xin tuyên bố phát động Cuộc thi truyện ngắn, bút ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn; về đời sống, sự nghiệp của các Doanh nhân lần thứ 2 khởi động từ ngày 27 tháng 1 năm 2018 và kết thúc vào ngày 30 tháng 10 năm 2020. Đây cũng là mong muốn, là ý nguyện của nhà văn Lê Lựu, người sáng lập và bảo trợ cho những hoạt động của Quỹ Nhà văn Lê Lựu.
Chúng tôi hy vọng, những gì mà cuộc thi lần thứ nhất chưa làm được sẽ được bù đắp, lấp đầy trong cuộc thi lần thứ 2. Đặc biệt là thể loại bút ký văn học viết về nông thôn mới, về doanh nghiệp và doanh nhân trong giai đoạn hội nhập và phát triển của Đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn các anh các chị và các bạn!
Nhà văn Nguyễn Trí Huân – CTHĐQLQ, Trưởng ban giám khảo
QUỸ NHÀ VĂN LÊ LỰU PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT TRUYỆN NGẮN, PHÓNG SỰ, KÝ 2018 – 2020
“Đề tài: Nông nghiệp, nông thôn; Đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu”
Dưới đây là thể lệ cuộc thi.
1. Thành phần ban giám khảo:
– Nhà văn Nguyễn Trí Huân – PCT Hội Nhà văn Việt Nam, CT Quỹ làm Trưởng ban Giám khảo;
– Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: thành viên.
– Nhà văn Lê Minh Khuê: thành viên.
– Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: thành viên
1.Nội dung:
Cuộc thi viết về đề tài “Nông nghiệp, nông thôn; về đời sống, sự nghiệp của các Doanh nhân”.
2. Đối tượng dự thi:
Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước.
3. Điều kiện dự thi:
Mỗi tác giả gửi không quá 05 tác phẩm, mỗi tác phẩm không quá 5000 (năm nghìn từ).
Các tác phẩm tham dự cuộc thi phải là tác phẩm chưa tham dự bất ký cuộc thi nào; Chưa đoạt giải thưởng trong các cuộc thi nào.
Ban tổ chức không trả lại bài dự thi.
Bản thảo được đánh máy trên một mặt giấy rõ ràng, ghi kèm địa chỉ, số điện thoại, email liên hệ của tác giả.
Ngoài bì thư phải ghi rõ “Bài dự thi viết về đề tài Nông nghiệp, nông thôn; về đời sống, sự nghiệp của các Doanh nhân”.
Các tác phẩm được chọn sẽ được đăng tải trên Tạp chí Văn hoá Doanh nhân và Báo điện tử vhdn.vn.
4. Cơ cấu Giải thưởng.
– 01 giải nhất: Trị giá 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng).
– 02 giải nhì: Mỗi giải trị giá 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng)
– 03 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000đ (Mười triệu đồng)
Và một số giải khuyến khích.
5.Thời gian:Thời gian nhận tác phẩm dự thi tính từ ngày phát động (27/1/2018) đến hết ngày 30/8/2020. Trao giải vào tháng 12/2020.
6.Nơi nhận tác phẩm dự thi:
Cá nhân và tập thể có thể gửi bài đến trực tiếp hoặc qua bưu điện đến các địa chỉ sau:
– Văn phòng thường trực Quỹ nhà văn Lê Lựu: tầng 1, nhà I, ngõ 319 đường Tam Trinh, Q. Hoàng Mai, Hà Nội. Hoặc qua Email: quynhavanleluu@gmail.com; hthoainguyen@gmail.com; Hoặc Nhà báo Trần Thị Hoài, ĐT: 0904822348.
Ban tổ chức trân trọng thông báo!