Những năm gần đây, khi mà nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ thì cụm từ Nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền tác giả hay sở hữu công nghiệp đã quen thuộc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ngay cả với các cá thể kinh doanh các mặt hàng nhỏ lẻ cũng biết nhìn xa, trông rộng, tìm hiểu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quyền tác giả cho những sản phẩm mình sáng chế, nhằm bảo vệ trí tuệ, công sức niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình. Tuy nhiên, không ít trường hợp do cố ý, hoặc vô tình xâm phạm đến nhãn hiệu hàng hóa, quyền tác giả, sở hữu công nghiệp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín các sản phẩm và nhà sản suất.
Sở hữu trí tuệ được hiểu là những tài sản trí tuệ được sáng tạo bởi bàn tay và khối óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa,… Quyền sở hữu trí tuệ là tất cả các quyền đối với những sản phẩm sáng tạo nói trên.
Công ty LTD là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp văn phòng phẩm và thiết bị văn phòng thông qua các trang thương mại điện tử của mình. Trong suốt nhiều năm qua, Công ty LTD đã sử dụng nhãn hiệu “SUNO” để gắn lên các sản phẩm dịch vụ của công ty kinh doanh. Hiện tại thương hiệu đã khá nổi tiếng với người tiêu dùng. Xác định được tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu, nên công ty đã đăng ký nhãn hiệu trên tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Ngày 01/8/2016 Công ty LTD nộp đơn đăng kí bảo hộ nhãn hiệu “SUNO”, ngày 27/5/2019 Cục sở hữu trí tuệ đã ra Thông báo từ chối theo điểm e khoản 2 điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005 vì: “Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;”. Trong đó, nhãn “ SUNO” có số đơn: 4-2016-233xx không được bảo hộ cho các sản phẩm trong nhóm 03 vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu số 361xx “SUNOV”.
Việc bị Cục sở hữu trí tuệ từ chối bảo hộ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty, vì tầm quan trọng của nhãn hiệu này quá lớn đối với sự phát triển của công ty. Công ty LTD đã liên hệ với Ban pháp chế của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân để xin tư vấn. Trung tâm cử luật sư Vũ Minh Tiến làm việc với Công ty LTD để tháo gỡ tình huống pháp lý trên cho công ty.
Qua phần tìm hiểu thông tin từ đại diện Công ty LTD và quá trình kiểm tra hồ sơ liên quan, luật sư tư vấn và tiến hành tra cứu sơ bộ nhãn hiệu đối chứng “SUNOV” thì phát hiện ra nhãn hiệu này đã hết hạn và không được sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục. Do vấy, luật sư đưa ra một số giải pháp cho công ty lựa chọn để có thể tiếp tục đăng ký nhãn “SUNO” như sau:
Phương án 1: Loại bỏ các sản phẩm bị từ chối trong nhóm 03, gửi phản hồi chấp nhận với ý kiến của cục SHTT để bảo hộ các sản phẩm còn lại thuộc nhóm 16 và 21.
Phương án 2: Nộp công văn trả lời phản đối ý kiến từ chối của cục SHTT dựa trên cơ sở nhãn hiệu đối chứng “SUNOV” đã hết hạn hiệu lực và không sử dụng trong thời gian 5 năm liên tục.
Phương án 3: Tách đơn nhãn hiệu thành 2 đơn. Bước đầu, với sản phẩm tại nhóm 03 sẽ tiến hành yêu cầu điều tra đối với nhãn hiệu đối chứng của “ SUNVO” thông qua Trung Tâm Công Nghiệp và thương mại (VITIC) trực thuộc Bộ Công Thương nhằm chứng minh nhãn hiệu này không sử dụng 5 năm liên tục. Thu thập kết quả từ VITIC, đồng thời thực hiện: Chuẩn bị nộp đơn tách các sản phẩm trong nhóm 16, 21; nộp yêu cầu ghi nhận sửa đơn đối với nhãn hiệu số 4-2016-233xx là loại bỏ các sản phẩm trong nhóm 16,21. Nộp Công văn trả lời Thông báo cục sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu khi còn nhóm 03 với các lập luận: Một là, nhãn hiệu đối chứng đã hết hạn; Hai là, nhãn hiệu đối chứng “SUNOV” không được sử dụng trong 5 năm liên tục vì vậy không thể lấy ra là đối chứng từ chối nhãn hiệu “SUNO’ của công ty LTD.
Với sự phân tích chuyên sâu, đưa ra các rủi ro cũng như khả năng thành công trong việc theo đuổi việc đăng kí nhãn hiệu trên. Phía công ty đã chựa chọn phương án số 3 để tiếp tục đăng ký nhãn hiệu.
Ngày 26/8/2019, Đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2019-163xx cho nhãn “SUNO’’ trong nhóm 16,21 đã được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp và được cấp văn bằng bảo hộ vụ việc đã đạt được kết quả như dự kiến.
Qua câu chuyện trên, các cá nhân và doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền, đăng ký thương hiệu. Trong thời buổi hội nhập kinh tế như hiện nay, việc đăng ký sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng để xác lập về quyền sở hữu. Câu chuyện của “SUNO” như một bài học cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp trong nước, ngay từ khi xây dựng thương hiệu, gắn nhãn hàng hóa dịch vụ nên đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ngay để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh về sau.
Luật sư Vũ Minh Tiến