Mía là một trong các loại cây trồng chủ lực tại nhiều vùng trong cả nước, là sinh kế của hàng chục nghìn nông hộ từ bao đời nay. Sản phẩm đường mía là nhu yếu phẩm hàng ngày và có vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Những năm gần đây, ngành đường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nếu có một hướng đi đúng đắn về quy hoạch vùng nguyên liệu, hiện đại hóa sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm từ mía,… ngành đường trong nước hoàn toàn có thể sánh ngang với những cường quốc mía đường thế giới như Brazil, Thái Lan…
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại một số khu vực Việt Nam được đánh giá phù hợp phát triển cây mía, song với phương thức sản xuất truyền thống mang tính thủ công, cây giống bị xuống cấp do sản xuất lại nhiều lần, khiến dễ sâu bệnh, năng suất và chữ đường thấp. Việc sản xuất còn tự phát, manh mún, rất ít vùng trồng tập trung theo cánh đồng mẫu lớn nên khó thực hiện cơ giới hóa. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đẩy mạnh đầu tư khâu chế biến để đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía, khiến cây mía dần mất đi vị trí chiến lược. Nếu không sớm tìm ra giải pháp, ngành đường Việt Nam sẽ rất khó tồn tại, phát triển lớn mạnh cũng như trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Trước thực trạng trên, một số doanh nghiệp ngành đường trong nước đã tập trung đầu tư theo hướng nông nghiệp xanh bền vững, hiện đại hóa sản xuất, liên kết hỗ trợ nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, áp dụng cơ giới hóa, tiết giảm chi phí sản xuất cân bằng với các nước trong khu vực. Vì vậy, sản phẩm của các doanh nghiệp này có độ phủ rộng và chiếm lĩnh khá nhiều thị phần ở thị trường xuất khẩu. Trong số đó, phải kể đến Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar), là doanh nghiệp có bề dày lịch sử hơn 50 năm, là thương hiệu uy tín được đông đảo giới đầu tư, người tiêu dùng biết đến.
Hiện nay, TTC Sugar có tổng diện tích mía gần 60.000 hecta, vùng nguyên liệu tập trung tại các tỉnh Tây Ninh, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận…; tổng sản lượng đường tiêu thụ niên vụ 2018 – 2019 đạt gần 750.000 tấn và chiếm khoảng 40% thị phần đường trong nước. Ngoài sản phẩm chính từ cây mía là đường, TTC Sugar đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm khác cạnh đường – sau đường như: đường organic, đường lỏng, phân bón hữu cơ vi sinh, phát điện từ bã mía, nước uống Miaqua,…
Theo đó, sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào từ quá trình sản xuất mía là bã bùn, doanh nghiệp này đánh giá việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh sẽ góp phần tối ưu hóa chuỗi giá trị của ngành. Trước bối cảnh nhu cầu phân hữu cơ vi sinh đang rất lớn, tổng nhu cầu phân hữu cơ vi sinh của nước ta khoảng 13 triệu tấn, trong khi sản xuất chỉ được đáp ứng 30%. Phân hữu cơ vi sinh được nhà nước khuyến khích sử dụng vì không chỉ cung cấp đủ các yếu tố dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung lượng, vi lượng cho cây trồng, hòa tan các chất vô cơ trong đất thành chất dinh dưỡng mà còn giúp bồi dưỡng, cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu, tăng lượng mùn làm đất tơi xốp, không bị bạc màu. Việc sử dụng loại phân bón này có ý nghĩa tích cực trong việc giảm thiểu tác hại của hóa chất lên nông sản do lạm dụng hóa chất như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giúp bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Được biết đầu năm 2019, TTC Sugar đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh với công suất 34.000 tấn/năm tại Tây Ninh. Dự kiến cuối năm nay, Công ty sẽ giới thiệu và cung cấp sản phẩm phân hữu cơ thương hiệu TTC Sugar ra thị trường. Với lợi thế chi phí đầu tư cơ bản không quá cao và nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, doanh thu mảng sản xuất phân hữu cơ vi sinh dự kiến mang về cho TTC Sugar ước tính lên đến 100 tỷ đồng, hứa hẹn trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực phân bón hữu cơ vi sinh.
Đặc biệt, doanh nghiệp này luôn đánh giá cao vai trò của người nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất. Thời gian qua, TTC Sugar triển khai nhiều dự án thiết thực đồng hành cùng người dân trồng mía, trong đó việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất được đánh giá cao và trở thành xu hướng chung của toàn ngành. TTC Sugar đã chuyển giao toàn bộ các quy trình kỹ thuật canh tác mới, hỗ trợ máy móc thiết bị để bà con mạnh dạn đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhờ vào việc áp dụng cơ giới, trồng đúng khoảng cách hàng tạo điều kiện cho việc đưa máy thu hoạch vào hiệu quả, giảm chi phí thu hoạch, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, đưa mía về nhà máy kịp thời giúp cho chữ đường trong mía tốt hơn so với thu hoạch thủ công.
Cùng nông dân thực hiện canh tác xanh bền vững
Từ trước đến nay, Tây Ninh là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp chu kỳ sinh trưởng của cây mía. Tại Tây Ninh và các vùng nguyên liệu khác, bên cạnh áp dụng cơ giới hóa, TTC Sugar còn nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp canh tác xanh theo hướng bền vững, chú trọng đưa sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh vào quá trình chăm sóc cây mía. Sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh giúp cây mía nâng cao sức đề kháng, tăng năng suất và bảo vệ môi trường, cải tạo đất. Ngoài ra, việc tận dụng ong mắt đỏ vào công tác phòng trừ sâu bệnh cho mía thay cho các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá là giải pháp mang tính đột phá. Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (SRDC) thuộc TTC Sugar đã đầu tư nghiên cứu giá trị của biện pháp sinh học từ loài ong mắt đỏ.
Niên vụ 2016 – 2017, SRDC nhân nuôi và thả ong mắt đỏ trên 200 hecta diện tích nông trường khu vực tỉnh Tây Ninh và 300 hecta diện tích canh tác mía hữu cơ của TTC Attapeu (Lào). Kết quả đạt được hết sức khả quan khi mức độ thiệt hại do sâu đục thân gây ra giảm rõ rệt, được các nông trường đánh giá cao. Từ những tín hiệu khả quan ban đầu, SRDC đã cải tiến, dần hoàn thiện phương pháp nhân nuôi ngài gạo để lấy trứng nhân nuôi ong mắt đỏ, cũng như phương pháp tồn trữ, phương pháp cho ký sinh và phương pháp thả ong trên ruộng. Đến nay, SRDC có thể sản xuất được số lượng rất lớn ong mắt đỏ vừa cạnh tranh về chi phí vừa thân thiện môi trường so với việc sử dụng thuốc trừ sâu. Với sự cải tiến này, SRDC có đủ năng lực cung cấp ong mắt đỏ cho 7.000 hecta mía trong niên độ 2018 – 2019 và đạt trên 40.000 hecta từ niên độ tiếp theo.
Để duy trì ổn định vùng nguyên liệu, đồng hành cùng bà còn nông dân tại Tây Ninh nói riêng và các vùng nguyên liệu nói chung, TTC Sugar ban hành nhiều chính sách linh hoạt hỗ trợ người dân trồng mía như cung cấp vốn, giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, chương trình tối ưu hóa theo quy mô, năng suất, hỗ trợ chi phí khi nông dân hợp thửa. Ở vụ Đông – Xuân, doanh nghiệp này đầu tư không hoàn lại đối với mía tơ là 12 triệu đồng/ha; đầu tư không hoàn lại đối với mía gốc 2 trở lên là 3,8 triệu/ha. Riêng chính sách trồng mới mía tơ vụ Hè – Thu, đầu tư không hoàn lại 18 triệu đồng/ha.
Dù trong giai đoạn khó khăn chung của ngành mía đường Việt Nam hiện nay, TTC Sugar vẫn duy trì những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người trồng mía từ chính sách về trợ giá thu mua thông qua chính sách đầu tư cho đến giải ngân vốn theo tình trạng chăm sóc, sinh trưởng cây mía của nông dân, nhằm đảm bảo vốn đầu tư hỗ trợ kịp thời cũng như sử dụng đúng mục đích. Đối với các nông dân có năng suất thấp, TTC Sugar tiếp tục giải ngân ở mức phù hợp giúp nông dân có vốn và vật tư chăm sóc mía. Ngoài ra, với những khoản nợ quá hạn của nông dân, dù TTC Sugar phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, tài trợ cho nông dân nhưng Công ty vẫn không tính lãi suất quá hạn nhằm khuyến khích nông dân gắn bó cùng cây mía.
Giai đoạn tới, TTC Sugar sẽ tập trung tăng thị phần, giảm giá thành, phát triển các sản phẩm cạnh đường và sau đường, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. TTC Sugar xem đây là những chiến lược cần thiết để phát triển bền vững ngành đường.