Theo Sở Công thương Tây Ninh, dù ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Tây Ninh có đóng góp lớn vào tỷ trọng giá trị sản xuất (GTSX), tuy nhiên, hiện ngành này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của tỉnh.
Chủ yếu từ khu vực FDI
Tính đến cuối năm 2018, ngành công nghiệp Tây Ninh có khoảng 700 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo khoảng 150 ngàn việc làm.
Các khu, cụm công nghiệp thu hút 296 dự án (230 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 10.835 USD và 19.321 tỷ đồng. 214/296 dự án đang hoạt động thu hút 117.175 lao động. Hầu hết các dự án này tập trung vào các lĩnh vực như dệt may, da giầy, cao su, nhựa, chế biến thực phẩm và đồ uống, khoáng phi kim loại. Hàng năm, các doanh nghiệp và hộ cá thể (8.302 hộ) đã tạo ra GTSX chiếm tỷ trọng hơn 53% tổng GTSX của toàn ngành kinh tế tỉnh.
Nhìn chung, ngành công nghiệp Tây Ninh đã và đang đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế địa phương hàng năm. Cụ thể, tỷ trọng nông – lâm – thủy sản; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ trong GRDP (giá hiện hành) năm 2017 lần lượt là 24,93% – 37,85% (CN: 32,36%) – 33,18%; năm 2018: 23,89% – 39,80% (CN: 34,16%) – 33,17%.
Giai đoạn 2016- 2019, GTSX công nghiệp theo giá so sánh 2010 tăng bình quân 16,48%/năm (cao hơn mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh 14,5%/năm) do có sự đóng góp lớn về GTSX của các ngành công nghiệp chủ yếu như: dệt, sản phẩm từ cao su và nhựa, da giầy, ngành chế biến thực phẩm, khoáng phi kim loại.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Tây Ninh cũng đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, trong đó phải kể đến sự đóng góp ngày càng lớn về tỷ trọng GTSX của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Hiện Tây Ninh đã thu hút 112 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may (28 dự án dệt; 40 dự án da giầy; 44 dự án may); 50 dự án sản phẩm từ cao su và nhựa; cơ khí chế tạo có 85 doanh nghiệp (13 dự án sản xuất kim loại; 53 dự án sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; 03 dự án sản phẩm điện tử, máy vi tính; 05 dự án sản xuất thiết bị điện; 01 dự án sản xuất phương tiện và thiết bị vận tải khác; 10 dự án sản xuất máy móc thiết bị). Trong 247 dự án này, có 83 dự án (53 dự án hoạt động; 28 dự án xây dựng và chưa xây dựng; 02 dự án dừng hoạt động) sản xuất các sản phẩm CNHT thuộc các ngành công nghiệp chủ yếu.
Tuy nhiên, hiện ngành CNHT tại Tây Ninh vẫn đang phát triển rất chậm, manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Các sản phẩm phụ trợ còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, đa phần các doanh nghiệp sản xuất theo đơn hàng.
Bên cạnh đó, phần lớn các dự án sản xuất sản phẩm CNHT là của khu vực FDI có quy mô lớn và vừa (doanh nghiệp chế xuất). Các dự án có vốn đầu tư trong nước đa phần có quy mô nhỏ, nguồn lực yếu; nguyên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng… cho sản xuất chủ yếu nhập khẩu; các dự án sản xuất sản phẩm CNHT chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Ngành công nghiệp cũng chưa thu hút được dự án công nghiệp hỗ trợ để thu hút các dự án vệ tinh sản xuất sản phẩm CNHT.
Cơ chế ưu đãi phát triển CNHT
Triển khai thực hiện Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT, Tây Ninh đã có 02 dự án đầu tư (dệt sợi, vải) được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm CNHT.
Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch 2 phân khu công nghiệp dệt may và CNHT tại 02 khu công nghiệp (Thành Thành Công; Phước Đông), 01 khu công nghiệp dệt may và CNHT tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tổng diện tích đất quy hoạch 803,76 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 50%.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch số 793/KH-UBND ngày 04/4/2018 của UBND tỉnh về phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020; quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2019 về ban hành Quy chế quản lý kinh phí và mức chi cho các hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Duy Khang