Tin nổi bật

Thay đổi tư duy đào tạo và phương pháp tiếp cận tuyển sinh

1:50 sáng | 25/02/2022

VHDN Phóng viên tuyển sinh (PV): Xin chào Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Phó Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Khoa học, ĐHH. Xin cảm ơn cô đã dành thời gian tiếp chuyện với chúng tôi về chủ đề tuyển sinh đại học trong năm tuyển sinh 2022!

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh (TS): Vâng! Xin cảm ơn phóng viên!

PV: Trước hết xin tiến sĩ cho biết tình hình đào tạo và học tập của các em sinh viên Khoa Lý luận chính trị trong thời gian dịch bệnh Covid 19 vừa qua?

TS: Trong 2 năm học 2020 và 2021 tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp trong cả nước nên Khoa Lý luận chính trị đã thực hiện nghiêm túc các quy định và biện pháp phòng chống dịch bệnh của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, của Đại học Huế và Trường Đại học Khoa học một cách nghiêm túc đúng quy định phòng chống dịch bệnh trên diện rộng; đồng thời, khoa cũng đã triển khai kịp thời đúng với kế hoạch, lịch trình đào tạo của nhà trường (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) đề ra, vừa an toàn cho giáo viên và sinh viên vừa đảm bảo đúng tiến độ học tập cho các em; đó là, tuân thủ triệt để việc giảng dạy và học tập trực tuyến (online) kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Sau khi kết thúc học kỳ, kết thúc năm học chúng tôi có tiến hành sơ kết, tổng kết việc giảng dạy theo hình thức online. Để có được thành quả đó, nhà trường đã hỗ trợ tối đa hệ thống phần mềm đào tạo online và tổ chức tập huấn cho từng cán bộ giảng viên và sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất kịp thời. Tất cả từng nội dung chương trình, bài giảng đều được phân công cán bộ biên soạn phù hợp với hình thức giảng dạy trực tuyến, từ khâu quản lý thời khóa biểu, nội dung bài giảng, thời lượng học tập cho đến quản lý người học.v.v… đều được thiết lập một cách khoa học.

PV: Thực trạng về nội dung chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ và số lượng sinh viên, ngành học của khoa như thế nào?

Hiện nay, Khoa Lý luận chính trị tham gia giảng dạy các môn lý luận chính trị chung cho các trường thành viên Đại học Huế do khoa phụ trách, chúng tôi còn có 2 mã ngành đào tạo, đó là ngành Quản lý nhà nước và ngành Triết học. Đây là hai ngành học truyền thống và có triển vọng với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực cao của xã hội, nhất là tình hình việc làm trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tình hình dịch bệnh hiện nay.

Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh phức tạp đã làm biến đổi cấu trúc và cơ cấu ngành nghề trong xã hội, nhất là việc làm trước, trong và sau dịch bệnh Covid. Chúng tôi đã có những nghiên cứu, khảo sát thị trường, nhà tuyển dụng kể cả tham vấn chuyên gia để xây dựng, đổi mới nội dung và cấu trúc chương trình đào tạo cho phù hợp. Cụ thể, theo chỉ đạo của nhà trường chúng tôi đã xây dựng mới 2 chương trình đào tạo Quản lý nhà nước và Triết học được ban hành và áp dụng cho khóa 45 (K45), tuyển sinh năm 2021, chương trình theo hướng lý thuyết vận dụng, liên hệ, xử lý nghiệp vụ tình huống và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Chính chương trình này, qua khảo sát được cựu sinh viên và các nhà tuyển dụng ủng hộ cao; nhất là ngành Quản lý nhà nước chúng tôi thiên về hướng nghiệp vụ, thực hành nghề. Còn riêng về khâu tuyển sinh ngành Quản lý nhà nước chúng tôi luôn tuyển đúng chỉ tiêu nên không có áp lực trong tuyển sinh những năm vừa qua.

PV: Như trên tiến sĩ vừa nói, các ngành tuyển sinh của khoa không bị áp lực, xin cô nói rõ hơn về vấn đề này.

TS: Đúng vậy! Riêng đối với Khoa Lý luận chính trị của chúng tôi chưa bao giờ bị sức ép hay áp lực về tuyển sinh đủ hay vượt chỉ tiêu mà chúng tôi luôn chủ động và tự tin trong kế hoạch tuyển sinh và đào tạo của mình. Để nói đầy đủ và rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin nhắc lại triết lý và khẩu hiệu tuyển sinh của Khoa Lý luận chính trị trong những năm trước, chúng tôi đưa ra thông điệp gửi đến thí sinh “Hãy chọn theo cách của bạn!”. Ngay thông điệp này đã cho thấy thí sinh cần chúng tôi và chúng tôi thực sự và đặc biệt quan tâm đến thí sinh, đến người học, đến công việc của chính mình. Phải nói rằng, hai ngành học mà chúng tôi đào tạo khác với những ngành học khác, nhất là những ngành học truyền thống, những ngành của khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật.v.v… chúng tôi có những đặc thù riêng, có những ưu điểm và giá trị riêng của mình. Chúng tôi thấy được những điểm hạn chế để khắc phục và quan trọng hơn cả thấy được điểm mạnh để phát huy, thấy được điểm chung, mặt bằng phổ quát để lan tỏa và hòa nhập. Với một đội ngũ giảng viên đông đủ, có học hàm (giáo sư, phó giáo sư), học vị (tiến sĩ) và bậc nghề (giảng viên chính) cộng với đào tạo môn chung nên không bị áp lực về công việc và chỉ tiêu tuyển sinh. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, riêng ngành học triết học được nhà nước quan tâm hỗ trợ miễn học phí, ngành Quản lý nhà nước được tài trợ nhiều học bổng.v.v… đó là những thuận lợi cơ bản cho chúng tôi xây dựng chiến lược đào tạo và tuyển sinh trong những năm tiếp theo.

PV: Xin tiến sĩ có thể nói rõ hơn chiến lược và điểm nhấn tuyển sinh năm 2022 của Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là gì?

TS: Trong mùa tuyển sinh năm nay (2022) và kể cả những năm tiếp theo chiến lược của chúng tôi đưa ra là “Thay đổi tư duy đào tạo và phương thức tiếp cận tuyển sinh”, nghĩa là, đối với đào tạo chúng tôi mạnh dạn thay đổi, loại bỏ những vấn đề, chương trình nội dung quá cũ, quá hàn lâm trước đây, làm thế nào để tính hàn lâm, lý thuyết xâm nhập vào được thực tiễn và nắm bắt được hơi thở của cuộc sống xã hội, những công việc hàng ngày của xã hội; phải đào tạo cho người học biết chuyển sang tính liên hệ, tính ứng dụng, tính thực hành và hơn cả là thiên về kỹ năng, nghiệp vụ thực hành nghề nghiệp rõ ràng. Cần xóa bỏ tư duy học các ngành khoa học cơ bản không phải là một nghề, nếu khoa học cơ bản được xây dựng trên một nền tảng số, bài bản, khoa học, rút ra từ thực tiễn của đời sống xã hội thì khi người học trưởng thành sẽ đưa kiến thức được học áp dụng vào thực tế, với sự đam mê và sáng tạo điều đó sẽ trở thành một nghề hữu dụng, thậm chí nghề rất cơ bản của cuộc sống mỗi người. Còn đối với thay đổi phương thực tiếp cận tuyển sinh nghĩa là không tuyển sinh vì áp lực, chúng tôi sẽ đề nghị Hội đồng tuyển sinh nhà trường nâng điểm chuẩn ngang bằng với các ngành nghề kỹ thuật có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên để chọn những người học có chất lượng tốt, nếu không chọn được hoặc đủ số lượng thì chúng tôi sẵn sàng tạm dừng đào tạo trong một thời gian, một vài năm chứ nhất định không hạ điểm chuẩn để lấy đủ chỉ tiêu và số lượng tuyển sinh. Chúng tôi sẽ phát đi thông điệp cho xã hội biết rằng, chúng tôi có những ngành nghề triển vọng, với đội ngũ cán bộ chất lượng và môi trường thân thiện, nhất định trong mùa tuyển sinh 2022 người học thực sự tìm đến chúng tôi và chúng tôi cũng thực sự quan tâm đến họ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ về cuộc trao đổi ngày hôm nay!