VHDN – Văn hóa kinh doanh là yếu tố gắn liền với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, là những giá trị kinh tế đi đôi với giá trị nhân văn và ý nghĩa xã hội. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng mới cũng đang ngày càng phổ biến và trở thành nét văn hóa trong kinh doanh mà doanh nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, để có thể phát huy tối đa những giá trị – cũng đòi hỏi thêm nỗ lực từ những người trong cuộc.
Ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngành nghề Nông thôn Việt Nam chia sẻ: “Văn hóa trong kinh doanh trước hết là văn hóa từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp trước tiên phải xây dựng văn hóa mang tính toàn diện và phổ cập, quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên, quan tâm đến tiêu chí hàng hóa, mục đích sử dụng của người sử dụng. Hiện nay, các doanh nghiệp đều đang lúng túng trong việc xây dựng hình ảnh và xây dựng mẫu mã bao bì – đây cũng là văn hóa. Có những người xây dựng mẫu mã không được đảm bảo về văn hóa, thẩm mỹ nên ảnh hưởng đến tiêu thụ. Hiện nay, người sử dụng đều mong muốn sản phẩm tốt, đẹp thì mọi việc đều phải đảm bảo. Tôi mong muốn tất cả doanh nghiệp đều phải phấn đấu đạt được điều đó để mang lại lợi ích cho cộng đồng”.
Bà Đoàn Thị Kiều Thanh – Giám đốc Công ty Nhôm Nam Sung chia sẻ: “Hiện nay, người tiêu dùng nắm bắt thông tin rất nhanh chóng và doanh nghiệp cần thích nghi, đáp ứng những tiêu chuẩn về văn hóa của người Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện điều này và cũng muốn chứng minh rằng con người Việt Nam có thể sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chất lượng cao. Chúng tôi luôn mong muốn học hỏi kinh nghiệm và cải tiến sản xuất để ngày càng tiên tiến hơn”.
AHLĐ Phạm Thị Huân tại Diễn đàn “Văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới” do VCCI tổ chức tháng 5/2024
Bà Phạm Thị Huân – Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân nhấn mạnh tầm quan trọng của triết lý kinh doanh của doanh nghiệp: “Chuyển đổi văn hóa và kinh doanh thì mình thật sự phải thay đổi mẫu mã, cách tiếp cận khách hàng, mô hình văn hóa kinh doanh phải lành mạnh, an toàn. Trật một ly là đi một dặm nên phải giữ triết lý kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, văn hóa kinh doanh là yếu tố đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, mục tiêu kinh doanh cụ thể, thực chất”.
Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam chia sẻ về bài học trong văn hóa kinh doanh: “Khi tôi đi công tác tại Châu Âu, có doanh nghiệp phản ánh rằng doanh nghiệp Việt Nam đã gửi chào hàng sản phẩm lần đầu tiên rất tốt, lần thứ 2 có sự khác biệt và lần thứ 3 không thể chấp nhận được. Đây cũng là bài học trong văn hóa kinh doanh – chúng ta phải thay đổi về tư duy, góc nhìn trong văn hóa kinh doanh để phát huy tiềm năng với người tiêu dùng Việt Nam. Mở rộng thị trường là mục tiêu quan trọng khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế”.
Ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngành Nghề Nông thôn Việt Nam nhận xét: “Tôi nghĩ uy tín và chất lượng hàng hóa là điều cốt lõi mà hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang vướng mắc phải. Họ chỉ tập trung vào việc đẩy mạnh bán hàng mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến việc có những lô hàng không đồng đều về chất lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của doanh nghiệp và gây mất niềm tin của khách hàng. Do đó, tôi nghĩ các doanh nghiệp, nhà máy và các doanh nhân cần quan tâm đúng mức đến vấn đề này”.
Diễn đàn “Văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này. Trong đó, khẳng định việc xây dựng văn hóa kinh doanh trong bối cảnh hiện nay cần tập trung xây dựng uy tín – thương hiệu doanh nghiệp; tăng cường sự tin tưởng của khách hàng.
Diễn đàn cũng gợi mở nhiều giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.