Những năm gần đây thu hút đầu tư vào Tây Ninh liên tục có sự bứt phá, đưa địa phương này trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI. Đây là kết quả sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tại địa phương, sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh trong quá trình triển khai cùng nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, phát huy cao độ tiềm năng lợi thế sẵn có để mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh nhà. Cùng tìm hiểu thêm về những “quả ngọt” trong thu hút vốn FDI mà Tây Ninh gặt hái được thông qua nội dung trao đổi ngắn với Giám đốc Sở Kế hoạch&Đầu tư tỉnh – ông Bùi Công Sơn.
Tây Ninh được đầu tư 17000 tỷ đồng cho nông-nghiệp công nghệ cao
Những năm qua, Tây Ninh đã thực hiện nhiều chính sách “trải thảm đỏ” để mời gọi, thu hút vốn FDI đến với tỉnh nhà. Vậy đến nay những nỗ lực thu hút vốn FDI của tỉnh đã được đền đáp xứng đáng ra sao?
Lũy kế đến ngày 9/6/2017, trên địa bàn tỉnh có 265 dự án FDI với vốn đăng ký 4.837,73 triệu USD. Hoạt động của các doanh nghiệp FDI đã mang lại doanh thu 2.093,8 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu 2.484,7 triệu USD, nhập khẩu 1.494,4 triệu USD; góp phần giải quyết việc làm cho 124.957 lao động và nộp ngân sách nhà nước 40,58 triệu USD.
Đặc biệt kết quả thu hút vốn FDI năm 2016 đã góp phần tăng 7,6% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ tăng khá cao; trong đó ngành công nghiệp, dịch vụ vượt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD và đây cũng là năm đầu tiên Tây Ninh đạt mức kỷ lục về xuất khẩu. Kết quả khả quan trên đã góp phần nâng số điểm tổng hợp PCI năm 2016 của tỉnh đạt loại Tốt (năm 2015 là 59,66 điểm; năm 2016 là 60,14 điểm); trong đó các chỉ số về tính năng động của chính quyền tỉnh và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đều tăng so với năm 2015.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá
Một thực tế là mặc dù tổng vốn FDI Tây Ninh thu hút được đến thời điểm này tương đối lớn song theo đánh giá của giới chuyên môn, tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện của tỉnh so với vốn đăng ký là chưa cao. Nguyên nhân của thực trạng này cũng như biện pháp khắc phục?
Trong tổng số 265 dự án FDI trên địa bàn tỉnh hiện có 208 dự án đang hoạt động với số vốn 3.406,94 triệu USD; 16 dự án đang xây dựng với số vốn 695,26 triệu USD; 27 dự án chưa triển khai với số vốn 704,67 triệu USD; 14 dự án dừng hoạt động với số vốn 30,861 triệu USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 50,9% tổng vốn đăng ký. Theo tôi tỷ lệ giải ngân này không hề thấp, thậm chí so với mức tăng trưởng FDI tại một số nước trong khu vực thì đây được đánh giá là mức tăng trưởng khá.
Nếu xét ở tầm vĩ mô, có thể thấy từ các năm trước, nhà đầu tư FDI sang đầu tư tại Việt Nam để “đón đầu” những cơ hội mà TPP mang lại khi Hiệp định này được thông qua. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi TPP thì việc hưởng lợi từ Hiệp định này không còn nên nhà đầu tư FDI đã dần chuyển hướng đầu tư và sự tụt giảm tốc độ giải ngân FDI là điều tất yếu. Bên cạnh đó thời gian qua tại Việt Nam xảy ra hàng loạt các sự cố về môi trường mà vụ việc Nhà máy Formosa xả thải gây thảm họa môi trường cho các tỉnh miền Trung – Việt Nam là một điển hình gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các nhà đầu tư khác trong việc tiếp tục rót vốn đầu tư các dự án có ảnh hưởng môi trường tại Việt Nam.
Ở tầm vi mô, dễ dàng nhận thấy một thực trạng chung là hiện nay các doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ cao hơn thực tế rất nhiều, xin chủ trương đầu tư rất “hoành tráng” để được cấp “sổ đỏ” với diện tích lớn và được vay ngân hàng nhiều tiền làm vốn lưu động, kinh doanh còn thực chất rót vào đầu tư rất ít nên tỷ lệ giải ngân rất thấp so với vốn đăng ký. Một số dự án có vốn đăng ký rất lớn thì thời gian đầu tư tương đối dài, thậm chí chia làm 2 – 3 giai đoạn. Do đó thời điểm đánh giá chỉ mới khởi công hoặc hoàn thành giai đoạn 1 thì tỷ lệ giải ngân rất thấp so với vốn đăng ký cũng là tất yếu, chưa phản ánh đúng thực chất vấn đề.
Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tăng cường rà soát, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, giải ngân và nâng cao hiệu quả của dự án đầu tư. Ngoài ra trong quá trình cấp chủ trương đầu tư sẽ rà soát, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, trình độ công nghệ hiện đại đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngày 9/9/2017, tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ kỷ niệm 180 năm (1836-2016) hình thành và phát triển
Thực hiện chủ trương đón đầu làn sóng đầu tư, được biết Tây Ninh đã chủ động hình thành các phân khu công nghiệp hỗ trợ tại KCN Phước Đông và KCN Thành Thành Công. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các phân khu công nghiệp hỗ trợ này cũng như kết quả thu hút đầu tư vào đây?
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI thì việc tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữ vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy UBND tỉnh đã đồng ý cho phép Công ty CP KCN Thành Thành Công thành lập Phân Khu dệt may&Công nghiệp hỗ trợ Thành Thành Công có diện tích 278 ha. Trong KCN Phước Đông cũng đã hình thành Phân Khu dệt may&Công nghiệp hỗ trợ với diện tích 425,6 ha. Ngoài ra, KCN TMTC thuộc KKT Cửa khẩu Mộc Bài đã được UBND tỉnh đồng ý chuyển công năng thành KCN Dệt may&Công nghiệp hỗ trợ với quy mô 100,16 ha.
Việc thành lập các KCN, Phân Khu dệt may&Công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp các cơ sở sản xuất (nhất là trong ngành dệt may) tại các KCN, KKT trong và ngoài tỉnh từng bước chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, không lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu; đồng thời góp phần đảm bảo kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề về môi trường.
Hiện nay các Phân Khu dệt may&Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 19 dự án FDI với số vốn đầu tư đăng ký 1.862 triệu USD/4.634,11triệu USD, chiếm 40,18% vốn đầu tư trong các KCN, KCX, KKT Cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và chiếm 39,64% tổng số vốn đăng ký của tỉnh trong cùng kỳ.
Dự án khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Phước Đông, Tây Ninh
Xin ông cho biết thêm về định hướng thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ đây đến năm 2020?
Tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung nhưng xác định không phát triển bằng mọi giá mà theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Với định hướng này, trong thời gian tới ngoài việc thu hút đầu tư vào các KCN – CCN, tỉnh tập trung phát triển thương mại – dịch vụ và du lịch tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch theo hướng gắn kết và phát huy thế mạnh của địa phương với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thực hiện tốt việc cơ cấu lại ngành du lịch, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ KDL núi Bà Đen; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh đầu tư, hợp tác, mở rộng hoạt động thương mại – dịch vụ sang thị trường ASEAN.
Ngoài ra tỉnh cũng sẽ quan tâm học tập kinh nghiệm; tập trung chỉ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Bước đầu đã có Công ty CP Lavifood đầu tư Nhà máy Tanifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu (tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng) với hệ thống dây chuyền sản xuất các sản phẩm trái cây xuất khẩu. Hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư cam kết rót 17.000 tỷ đồng vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh giai đoạn 2017 – 2020. Đây được xem là “điểm sáng” trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo hiệu ứng tích cực trong phát triển nông nghiệp tỉnh nhà.
Đối với các KCN, tỉnh chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ…) nhằm phát triển các KCN theo hướng bền vững; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành ít thâm dụng lao động, ngành công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ tiên tiến tự động hóa cao, không gây ô nhiễm.
Xin cảm ơn ông!
Cường Nguyễn (thực hiện)