Tuyến đường cao tốc và chiếc cầu hiện đại là một sự đầu tư lớn về nguồn lực, công sức, trí tuệ của đất nước, nhà đầu tư, nhân dân và chính quyền.
Sáng 1/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ và cắt băng khánh thành thông xe tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng sau hơn ba năm triển khai xây dựng, giúp rút ngắn quãng đường từ Hà Nội đi Hạ Long giảm 50km (từ 180km xuống 130km), và rút ngắn thời gian 2 tiếng đồng hồ, từ 3,5 tiếng xuống 1,5 tiếng.
Cùng dự buổi lễ có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 với chiều dài tuyến là 25,2km, bao gồm 2 dự án với tổng mức đầu tư là gần 13.700 tỷ đồng.
Trong đó, dự án đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng có số vốn là 6.416 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; dự án cầu Bạch Đằng (dài khoảng 5,4km) là 7.277 tỷ đồng (vốn ngân sách 488 tỷ đồng và vốn của nhà đầu tư là 6.789 tỷ đồng).
Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Khoảng cách giữa Hạ Long và Hải Phòng sẽ rút ngắn chỉ còn 25km thay vì 70km như trước đây. Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công tư (PPP).
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hoàn thành cầu Bạch Đằng là sự đột phá đáng tự hào bởi cây cầu “made in Việt Nam”, một minh chứng cụ thể và rõ ràng về tinh thần tự lực, tự cường, về khả năng làm chủ công nghệ và thi công cầu đường của người Việt Nam.
Sự đột phá của cao tốc Hạ Long-Hải Phòng không chỉ phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mà hơn cả là thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển “3 chữ H” gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, mở thêm những không gian và cơ hội phát triển kinh tế lớn cho toàn khu vực.
Việc hoàn thành cây cầu còn thể hiện sự đột phá về tư duy năng động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo địa phương dưới sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Thủ tướng cho rằng, đó là một sự táo bạo, sự đột phá cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại để tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng thực sự là con đường cao tốc đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tuyến đường cao tốc và chiếc cầu hiện đại này là một sự đầu tư lớn về nguồn lực, công sức, trí tuệ của đất nước, từ các nhà đầu tư đến nhân dân, chính quyền và các đơn vị triển khai. Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của là làm sao cho sự đầu tư này thực sự có hiệu quả. Để tuyến đường thực sự có hiệu quả thì nó phải được nhiều hành khách, hàng hóa vận chuyển qua đó. Điều này phụ thuộc then chốt vào sự cất cánh kinh tế và du lịch của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị: “Chính quyền tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng tiếp tục đổi mới cách thức thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, chất lượng cao hơn để khu vực này trở thành một trung tâm du lịch, chế tạo và sáng tạo hàng đầu của đất nước”.
Cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng hiện đại với nhiều kỷ lục, chịu được động đất cấp 8, do chính các kỹ sư của Việt Nam thiết kế, thi công. Cây cầu là biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường của Việt Nam với thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ H cao 100m, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long. Cầu có bề rộng cầu 25m, 4 làn xe chạy và 2 dải an toàn.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đánh giá dự án là bước đột phá về nội lực tiên phong trong việc đề xuất Chính phủ được tự huy động các nguồn vốn để xây dựng, thay vì trông chờ hoàn toàn nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Dự án này giải quyết dứt điểm bài toán khó về hạ tầng giao thông của tỉnh và là cú huých quan trọng để tỉnh đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư./.
Ánh Nguyệt