VHDN Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách trở mình với thương mại điện tử, ứng dụng nhiều giải pháp trong lĩnh vực này để vận hành và hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Các hoạt động thương mại điện tử ngày càng đóng vai trò then chốt trong mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ và SME. Khẳng định vai trò của thương mại điện tử, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – một tổ chức uy tín nhất tại Việt Nam về thương mại điện tử đã đồng hành cùng rất nhiều doanh nghiệp trên khắp cả nước suốt những năm qua. Hiệp hội cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp thành viên trong nước và quốc tế đưa ra các giải pháp tối ưu, những đự đoán xu thế trong chuyển đổi số.
Kinh tế số Việt Nam và những con số ấn tượng
Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á của Tập đoàn Google, nhà đầu tư Temasek Holdings (Singapore) và Công ty Tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) được công bố hôm 10-11, khu vực Đông Nam Á đã có thêm 60 triệu người dùng internet mới kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, nâng tổng số người dùng internet lên 440 triệu.
Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỉ USD trong năm nay nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2030, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ chứng kiến GMV đạt 220 tỉ USD, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Tính đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có đến 8 triệu người tiêu dùng số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 55% trong số họ đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị. Mức độ duy trì giữ ở mức cao khi tiêu dùng số đã trở thành một lối sống, thông qua việc 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai.
Những con số ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện một chuyển mình vượt bậc trong hoạt động kinh tế và xã hội. Tuy nhiên đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng để phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Cùng với xu thế chuyển mình mạnh mẽ, những dấu ấn quan trọng trong quản lý và chính sách của nhà nước ta rất được quan tâm và ưu tiên chú trọng thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của kinh tế số, hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng việc đo lường các chỉ tiêu kinh tế số, đặc biệt là chỉ tiêu “tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP.
Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN lần thứ tư, Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Tiếp đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kết luận số 77-KL/TW, ngày 29-5-2020, của Bộ Chính trị, “Về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19” nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận các hình thức sản xuất, kinh doanh hiện đại, hiệu quả, tăng cường năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị mới. Cùng nhiều thông tư, nghị định khác được ban hành nhằm tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
VECOM đồng hành cùng doanh nghiệp
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thành lập vào ngày 25 tháng 6 năm 2007. Đại hội toàn thể lần thứ nhất nhiệm kỳ 2007-2011 được tổ chức vào ngày 24 tháng 7 năm 2007 với sự tham dự của trên 200 hội viên sáng lập, đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai diễn ra vào ngày 26 tháng 5 năm 2011. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba diễn ra vào ngày 15 tháng 04 năm 2016. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư diễn ra vào ngày 10 tháng 11 năm 2021.
Từ những ngày đầu thành lập đến hay, VECOM đã triển khai nhiều hoạt động liên quan tới tư vấn, phản biện chính sách và pháp luật, phổ biến tuyên truyền về thương mại điện tử. Cùng với đó, VECOM đã chủ trì và phối hợp triển khai một số chương trình trọng điểm về thương mại điện tử. Những chương trình này đã thu hút sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và những nhà khởi nghiệp trẻ như Chỉ số Thương mại điện tử (EBI), Chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019-2025, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam, Diễn đàn tiếp thị trực tuyến, Diễn đàn Du lịch trực tuyến, Diễn đàn xuất nhập khẩu trực tuyến…
Chuyển đổi số không tách rời hoạt động của thương mại điện tử, mỗi hoạt động của VECOM đều mang đến những giá trị thiết thực mà doanh nghiệp cần. Trong đó, VECOM đã kết hợp tổ chức các hoạt động liên quan tới dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng, thanh toán, du lịch trực tuyến, thương mại di động, bảo vệ thông tin cá nhân… Đồng hành với quá trình hoạt động các hoạt động này có sự đồng hành của các ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội đến từ các lĩnh vực hạ tầng thương mại điện tử, thanh toán, chuyển phát, tiếp thị, đào tạo và truyền thông gồm Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Vebid, Napas, IM Group, Sapo, Fado, Gotadi, Vietnam Post, Vietnam Trade, Accesstrade, Momo, Do Ventures, Haravan… và nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài như USAID, UNDP, Google, Facebook, Visa… cùng với đó là các hoạt động thực tiễn được phối hợp với UBND và Sở Công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức triển khai nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp địa phương. Chuỗi hoạt động này đến nay đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng Chủ tịch VECOM nhiệm kỳ 2021-2025 nhấn mạnh: “Trong giai đoạn này, thương mại điện tử là giải pháp tối ưu cho nền kinh tế và doanh nghiệp toàn cầu khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19“.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch VECOM
Trong Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV giai đoạn 2021 – 2025, Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: “Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đòi hỏi cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ các hoạt động kinh doanh trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo vệ người tiêu dùng. Hiệp hội cần chủ động theo dõi và có các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật liên quan tới thương mại điện tử trên nền tảng di động, kinh doanh trên các mạng xã hội, thương mại điện tử gắn với AI, Blockchain, các loại tiền điện tử, quảng cáo trực tuyến, bảo vệ thông tin cá nhân, các vấn đề liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh, thuế, giải quyết tranh chấp. Trong giai đoạn này thương mại điện tử được coi là giải pháp tối ưu cho nền kinh tế và doanh nghiệp khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như trong nước”.
Ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký VECOM nhiệm kỳ 2021-2025 cũng nhấn mạnh những hoạt động nổi bật của VECOM trong thời gian tới: “Phương hướng hoạt động đã nêu bật ý nghĩa to lớn của các hoạt động thường niên như Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam, Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến, Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, Chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững, các hoạt động đào tạo tập huấn cho thương mại điện tử. Công tác phát triển, chăm sóc hội viên và hợp tác với các đối tác cũng được chú trọng”.
Ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký VECOM nhiệm kỳ 2021-2025
Như vậy, việc chuyển đổi số có sự đóng góp không nhỏ của thương mại điện tử trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. VECOM đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường chuyển đổi số với thương mại điện tử, và trở thành một tổ chức có uy tín lớn nhất Việt Nam về lĩnh vực này, đồng thời là cầu nối lớn mạnh nhất tại Việt Nam với thương mại điện tử quốc tế. Doanh nghiệp nhận được rất nhiều những lợi ích, kinh nghiệm và kiến thức về thương mại điện tử thông qua VECOM.
Vũ Đào