Theo số liệu thống kê đến hết tháng 9, giá trị xuất khẩu (XK) hầu hết các sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều tăng, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn tỉnh đạt gần 381,7 triệu USD, đạt 12,7% kế hoạch. Trong đó kinh tế nhà nước thực hiện 1 triệu USD; kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 63,4 triệu USD; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 317,3 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giữ đà tăng trưởng tốt
Tiền Giang đã phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu nên cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh có sự thay đổi lớn.
Thủy sản tính tháng 9/2019 xuất ước xuất 99.520 tấn, tăng 20,1% so cùng kỳ, về giá trị đạt 273,9 triệu USD, tăng 21,8% so cùng kỳ; . Ngay những tháng đầu của năm 2019, thị trường cá tra nguyên liệu đã bất ngờ giảm mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng cá tra sang thị trường lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ sụt giảm. Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14, với mức thuế tăng khá cao gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nên khả năng xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Thị trường Trung Quốc chuyển từ nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch yêu cầu các lô hàng thủy sản nhập khẩu phải được sản xuất từ cơ sở có tên trong danh sách kèm chứng thư. Thị trường châu Âu, Brazil, Liên bang Nga… cảnh báo, các cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam nếu phát hiện hóa chất kháng sinh bị cấm, sẽ đưa khỏi danh sách nhập khẩu vào thị trường của họ.
Ngày 21/8/2019, mức thuế xuất khẩu tôm 0% cho một số doanh nghiệp vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố chứng tỏ các doanh nghiệp tôm Việt Nam trung thực trong hoạt động, khai báo số liệu kinh doanh với DOC đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là thành quả tốt nhất trong 13 lần xem xét hành chính về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ. Với mức thuế như nêu trên, đây là tin vui cho ngành tôm Việt Nam, là động lực tốt để các thương nhân tôm tiếp tục việc kinh doanh, tạo tiền đề tăng trưởng trong thời gian tới.
Cũng trong 9 tháng/2019 Tiền Giang đã xuất khẩu 118.612 tấn gạo, giảm 45,9% so cùng kỳ, về giá trị đạt 54,4 triệu USD, giảm 53,3% so cùng kỳ, . Mặt hàng may mặc xuất 51.322 ngàn sản phẩm, giảm 8,9% so cùng kỳ, về trị giá đạt 585 triệu USD, tăng 59,3% so cùng kỳ.
Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu mặt hàng giày dép, sản phẩm bằng nhựa, túi xách, ống đồng ổn định. Chín tháng đầu năm trị giá xuất khẩu giày dép các loại đạt 169,7 triệu USD, tăng 8,4%; túi xách sản phẩm bằng nhựa đạt 204,8 triệu USD, tăng 20,7%, sản phẩm kim loại đạt 161 triệu USD, tăng 62,9% so cùng kỳ…
Thị trường Châu Mỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường XK của các DN trên địa bàn tỉnh, chiếm 40%, tăng 3,4% so cùng kỳ; kế đến là châu Á chiếm 34% tăng 1,7% so cùng kỳ; thị trường châu Âu mặc dù XK đa dạng mặt hàng nhưng tỷ trọng kim ngạch chỉ chiếm 20%, giảm 5% so cùng kỳ.
Theo đánh giá của của Sở Công Thương, kim ngạch XK tăng cao nhờ phần lớn các mặt hàng XK chủ yếu của tỉnh tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có thủy sản. Tuy tăng trưởng xuất khẩu của Tiền Giang có bước phát triển nhưng chưa thật ổn định khi vẫn còn tồn tại thách thức lớn về thị trường xuất khẩu, chưa đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng gia công như sản xuất hàng may mặc, giày da, túi xách… và chưa nhiều mặt hàng có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2019 thực hiện 1.289,9 triệu USD, đạt 71,7% kế hoạch, tăng 22,1% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 94,9 triệu USD, giảm 3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.195,1 triệu USD, tăng 24,6% so cùng kỳ; nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng cho ngành dệt may 466 triệu USD, chiếm 36%; kim loại thường 329 triệu USD, chiếm 25,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 141,6 triệu USD, chiếm 11%… trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Hướng đến mục tiêu phát triển thương mại bền vững
Theo mục tiêu mà ngành công thương đề ra, đến năm 2020 giá trị xuất khẩu của tỉnh ước đạt 3,4 tỷ USD, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016- 2020 là 16,3%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 ước đạt 91.500 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2016- 2020 là 12,4%/năm.
Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên cũng như nâng cao khả năng hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế, Tiền Giang tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về phát triển DN, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ DN tăng cường đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu; đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực tham gia hội chợ trong nước, quốc tế nhằm quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm.
Đối với hạ tầng thương mại, sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan mời gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Ngoài ra, với mục tiêu nhằm khuyến khích, hỗ trợ các DN và cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp thương mại, góp phần giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội đồng thời thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, tăng xuất khẩu, Tiền Giang cũng tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải, khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; đồng thời góp phẩn vào sự phát triển công nghiệp thuông mại bền vững của tỉnh.