Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung các nguồn lực vào phát triển các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) tỉnh Cà Mau theo hướng đột phá và xem đây như là giải pháp trọng tâm trong việc thực hiện CNH-HĐH tỉnh nhà. Trong đó, nhiều dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, tăng thêm thu nhập cho người lao động, góp phần vào sự phát triển KT-XH trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh ÁI – Trưởng ban BQL KTT tỉnh Cà Mau
Để thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, những năm qua UBND Tỉnh và Ban quản lý (BQL) đã tập trung hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng 3 KCN và 1 KTT. Trong đó, KCN Khánh An tập trung các ngành sản xuất dùng khí thấp áp làm nguyên nhiên liệu, các ngành công nghiệp hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ,… nằm liền kề Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau; KCN Hòa Trung tập trung các ngành chế biến thủy hải sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn nuôi trồng thủy sản và các ngành công nghiệp phục vụ,…; KCN Sông Đốc thu hút các ngành công nghiệp chế biến từ biển, dịch vụ khai thác biển, kho bãi và cơ khí sửa chữa tàu,… Đến nay, các KCN, KKT tỉnh Cà Mau đã làm việc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến từ: Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản,… đến tìm hiểu thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, trong điều kiện của một tỉnh có tiềm năng phát triển, nhưng vị trí địa lý ở xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng giao thông liên kết vùng còn hạn chế, tỷ trọng kinh tế công nghiệp còn thấp, việc đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, KKT của Cà Mau trước đây còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, do vậy mà thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và tiềm năng vốn có của tỉnh. Ông Nguyễn Minh Ái – Trưởng Ban BQL KKT tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Cà Mau cần thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có giải pháp thiết bị công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, trình độ quản lý tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành sản xuất, chế biến trong Khu công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao”.
Xác định đầu tư hạ tầng là yếu tố quyết định phát triển các KCN, KKT. Trong đó, KCN Khánh An được ưu tiên là KCN trọng điểm để đầu tư. Song song đó, Tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp, kêu gọi xúc tiến đầu tư từ các tập đoàn, công ty có tiềm lực về tài chính; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ nhà đầu tư trong giải quyết thủ tục hành chính liên thông. Đặc biệt, thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, giảm tối đa về thời gian hoàn tất các thủ tục cho DN; Tập trung đầu mối tại BQL KKT từ khi DN đăng ký đầu tư đến khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động; Từ đó, BQL chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế liên thông tiếp nhận và giải quyết thủ tục đầu tư các dự án trong KCN, KKT. Đồng thời, xây dựng quỹ đất sạch, thực hiện đầy đủ ưu đãi chung theo chính sách ưu đãi chung của cả nước, theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư: đào tạo nghề và giới thiệu lao động, hỗ trợ nghề và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ khuyến công,…
Tính đến hết năm 2016, các KCN, KKT có 27 dự án được cấp chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, vốn đăng ký 13.785,71 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể nhất là Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau (KCN Khánh An) do Tổng Công ty khí thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam đầu tư với số vốn là 10.525 tỷ đồng là dự án lớn nhất từ trước đến nay đăng ký đầu tư vào các KCN, KKT tạo cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp sử dụng khí thấp áp và các ngành phụ trợ khác…. sẽ vận hành, đi vào hoạt động trong năm 2017.
Nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế chung, KKT Năm Căn với lợi thế là 1 trong 16 KKT ven biển của cả nước, diện tích 11.000 ha; là KKT tổng hợp đa ngành và sẽ là đầu mối trong giao thông, dịch vụ trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng đang chủ trương mời gọi đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, bước đầu thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu. Đây là những tín hiệu khả quan mang tính đột phá trong tăng trưởng công nghiệp, có ý nghĩa đặt biệt quan trọng gắn với việc đầu tư KKT Năm Căn, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Theo Ông Nguyễn Minh Ái, để có thể phát huy hơn nữa tiềm năng và cơ hội của tỉnh Cà Mau; trong thời gian tới, BQL KKT sẽ đẩy mạnh đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng KCN Khánh An, ưu tiên triển khai xây dựng có trọng điểm các hạng mục dự án KCN, KKT Năm Căn; Xây dựng và trình ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào KCN, KKT; Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm tham mưu công tác xúc tiến đầu tư, Gắn công tác thu hút đầu tư, phát triển KT-XH với bảo vệ môi trường, trong đó khẩn trương tìm nguồn vốn đầu tư Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN, kiên quyết xử lý các DN gây ô nhiễm môi trường; Triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế đầu mối liên thông; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục cho DN. Định kỳ tổ chức đối thoại với DN và tăng cường phối hợp với các cấp, ban ngành trong giải quyết các kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc của DN./.
Minh Kiệt