Sáng ngày 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026. VHDN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại Đại hội.
Thưa đoàn Chủ tịch Đại hội!
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Trong không khí phấn khởi, trang trọng của Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tên gọi mới là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, viết tắt là VCCI. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước tôi thân ái gửi tới các quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội thành công!
Thưa các quý vị đại biểu!
Đại hội của chúng ta diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covd-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã làm biến đổi sâu sắc mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới, đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia. Đối với nước ta, trong hai năm vừa qua đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội, sức khỏe đời sống và hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau với tinh thần tương thân, tương ái để cùng vượt qua khó khăn và thách thức, có nhiều đóng góp quan trọng thiết thực, hiệu quả kịp thời cả về vật chất và tinh thần trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp đối với nhân dân với đất nước.
Đảng, Nhà nước ghi nhận đánh giá cao sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân cả nước chúng ta. Đồng thời, Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang phải đối mặt và gặp phải. Chủ động đề ra và tích cực triển khai các giải pháp, hỗ trợ hiệu quả kịp thời doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cấp các ngành, các địa phương đã quyết liệt sáng tạo trong chỉ đạo điều hành với sự đồng tình chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện linh hoạt hiệu quả đa mục tiêu. Vừa phòng chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân vừa phải phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vừa phải giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thưa toàn thể các vị đại biểu!
Cùng với cộng đồng doanh nhgiệp, vai trò vị thế và uy tín của VCCI ngày càng được khẳng định và đề cao. Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam. VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước chúng ta. VCCI đã tập hợp được đông đảo các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và tăng cường vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. VCCI đã có gần 200.000 doanh nghiệp là hội viên, tăng hơn 70% so với đầu nhiệm kỳ trước. BCH hoạt động hiệu quả, với hơn 90 thành viên là các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các thành phần kinh tế.
VCCI đã chủ động tham gia tích cực xây dựng và hoàn thiện các chính sách quan trọng đối với doanh nghiệp như Nghị quyết của BCH TW, Bộ Chính trị, liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham gia góp ý, xây dựng hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật. Một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định, nhất là đối với các cơ chế chính sách, quy định trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh thương mại. Chủ động rà soát có nhiều kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho người dân. VCCI có những sáng kiến thúc đẩy quá trình thực thi chính sách góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh như việc nghiên cứu và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. VCCI trong 16 năm vừa qua đã tạo thêm động lực và sung lực mới cho sự phát triển, nỗ lực phát triển bền vững của các doanh nghiệp như xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam. VCCI đã tích cực dẫn dắt và thúc đẩy quá trình hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam. Tổ chức nhiều diễn đàn doanh nghiệp quốc tế lớn như: Diễn đàn kinh tế doanh nghiệp APEC, triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại đầu tư có hiệu quả.
Đã thiết lập được quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 tổ chức quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu. Có được những kết quả, đạt được như vậy là vì VCCI đã bám sát tinh thần nắm vững quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân, phát huy truyền thống và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới và sáng tạo. Sự tín nhiệm và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, sự hỗ trợ, giúp đỡ phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các Bộ, các Ngành, các cơ quan TW và các địa phương, các hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng và triển khai có hiệu quả.
Qua 35 năm đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử và đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như ngày nay. Trong thành tích chung đó của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta có sự đóng góp quan trọng của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam.
Thay mặt lạnh đạo Đảng và Nhà nước tôi ghi nhận đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và đóng góp tích cực của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước của dân tộc chúng ta trong suốt thời gian vừa qua.
Tuy vậy, như báo cáo Đại hội, và nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu trước những thách thức, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước còn nhiều việc mà VCCI có thể làm tốt hơn như: Tiếp tục đổi mới tư duy; Mở rộng tầm nhìn về chiến lược; Tổ chức bộ máy phương thức hoạt động cần được cải thiện để nâng cao hiệu lực hiệu quả; Việc tham gia xây dựng chính sách đối với nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước cần được đẩy mạnh hơn nữa; Sự liên kết giữa các doanh nghiệp và chất lượng hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp chưa được đề cao; Cần quan tâm hơn nữa đến công tác đại diện cho người sử dụng lao động và hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa thúc đẩy phát triển bền vững trong các doanh nghiệp.
Tôi tin rằng với tập thể lãnh đạo mới, khí thế mới, quyết tâm mới VCCI sớm xử lý khắc phục được những tồn tại, hạn chế nêu trên để tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp hơn nữa đối với đất nước, đối với dân tộc.
Thưa toàn thể quý vị đại biểu!
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định và khát vọng về mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là mục tiêu lớn, đầy thử thách với đất nước ta nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp và tình hình thế giới có nhiều bất ổn. Giai đoạn phát triển mới có những cơ hội thuận lợi nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn.
Điều này càng đặt trọng trách lớn hơn, nặng nề hơn tới cả hệ thống chính trị, doanh nhân, doanh nghiệp và nhất là đối với cả cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc góp phần hiện thực hóa mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc đã đề. Công việc của VCCI sẽ nhiều hơn, nặng nề hơn với những nhiệm vụ lớn hơn, khó khăn hơn, phải làm và cần làm tốt hơn để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi, tin tưởng của nhân dân và công đồng doanh nghiệp, doanh nhân của cả nước.
Doanh nghiệp, doanh nhân là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất kinh doanh, là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế. Tuy nhiên để có được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đoàn kết, vai trò của VCCI, tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động là rất quan trọng.
Việc tổ chức Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII vào thời điểm này là hết sức thiết thực, phù hợp là cơ hội để tổng kết, đánh giá rút ra được những bài học quý là dịp để hoàn thiện lại tổ chức bộ máy đội ngũ lãnh đạo, củng cố tăng cường khối đoàn kết đề ra những định hướng, giải pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Sau khi nghe báo cáo về kết quả hiệp thương và bầu cử, tôi đánh giá cao sự đổi mới của VCCI với tên gọi mới, với trên 30% Ủy viên BCH khóa VII là các thành viên mới trong đó có đại diện của hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam kinh doanh hiện nay. Tôi tin tưởng BCH mới của VCCI sẽ tiếp tục kế thừa những thành tựu của BCH khóa trước, của nhiều thế hệ trước, đồng thời tạo luồng gió mới, sinh khí mới, đổi mới sáng tạo, kết nối các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững của đất nước.
Thưa toàn thể các quý vị đại biểu!
Về kế hoạch nhiệm kỳ tới, tôi cơ bản tán thành 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá lớn mà Văn kiện Đại hội của VCCI đã đề ra. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực và phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới như Bác Hồ đã từng dạy: “Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao”. Nhiệm vụ bao trùm quan trọng nhất của VCCI là đại diện làm tốt công tác tập hợp liên kết phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để góp phần giải quyết những bài toán, vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân.
Tất nhiên, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là nhiệm vụ của nhiều chủ thể nhưng trong đó có vai trò quan trọng không thể thay thế của VCCI. Trước mắt VCCI là cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực tham gia cùng cả nước thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, thực hiện thật tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và cải tạo kinh tế xã hội.
Về nhiệm vụ sắp tới, tôi đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:
Một là: không ngừng xây dựng, củng cố VCCI thực sự trở thành tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. VCCI không chỉ đại diện cho gần 200.000 hội viên, phải xây dựng vị thế và xác lập uy tín xứng đáng là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho cả cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.
Chính vì vậy, BCH, Ban Thường trực VCCI nhiệm kỳ mới cần phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng trong xây dựng hình ảnh, vị thế, vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh của mình. Cần trở thành một tổ chức đại diện chuyên nghiệp, hiện đại, là cầu nối tin cậy hiệu quả giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và người sử dụng lao động.
Hai là: Ưu tiên và tham gia tích cực góp phần ngày càng quan trọng và thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng cơ chế chính sách. Môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, cơ chế chính sách pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, có thể nói thể chế nào doanh nghiệp đó.
Thời gian qua mặc dù đã nỗ lực nhưng thời gian tới VCCI cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, góp phần cùng cả nước cải thiện thể chế nâng cấp môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta lên nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực.
Để đạt được các mục tiêu phát triển trên, không chỉ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nước ta còn phải cạnh tranh được hàng hóa của các nước khác mà chất lượng, pháp luật, thủ tục hành chính, cơ chế chính sách, sự chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền các cấp của chúng ta cũng phải cạnh tranh được với các quốc gia khác.
Để làm được điều này, vai trò của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Nội dung, phương thức chất lượng tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật cần được tăng cường, cần thu hút rộng rãi hơn nữa trong doanh nghiệp, doanh nhân và quan tâm tham gia góp ý xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và bám sát thực tiễn.
Tham mưu cho Đảng, Nhà nước, ban hành thực hiện những chủ trương, chính sách lớn về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội chuyên ngành và chuyên nghiệp hơn. Mục tiêu quan trọng nhất là làm sao cho các chính sách pháp luật khi ban hành phải gần với cuộc sống nhất, khả thi nhất, và hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển hiệu quả nhất.
Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cần tiếp tục nâng cao chất lượng, tính khách quan chuyên nghiệp hội nhập và tính lan tỏa trong nghiên cứu công bố chỉ số cấp tỉnh PCI, tích cực tham gia cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh hướng tới góp phần nhiều hơn ở quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia.
Ba là: Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tôi cơ bản tán thành với quan điểm của VCCI là: “Doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng”. Đề nghị VCCI triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển vững mạnh có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại. Tích cực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hóa dịch vụ của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, quan tâm hơn đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, xây dựng và củng cố quan hệ lao động bền vững, hài hòa.
Bốn là: Đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tự lực, tự cường, tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. Cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 10 của TW 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân và các Nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ, hỗ trợ xây dựng đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, vươn tầm thế giới, thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới…
VCCI phải giương cao ngọn cờ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, xây dựng công dân số, doanh nghiệp số, nền kinh tế số, xã hội số. Đồng thời tôi tán thành với định hướng của VCCI là bắt tay xây dựng ngay văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Đại hội Đảng toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư chủ trì đã xác định rất rõ tầm quan trọng của văn hóa. Với cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh phải xứng tầm với sự phát triển của đất nước, xứng tầm với tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của dân tộc ta. Văn hóa kinh doanh gắn liền với xây dựng đất nước văn minh, phồn vinh, hiện đại và hạnh phúc. Việc lựa chọn xây dựng và xác lập văn hóa kinh doanh vừa là nhiệm vụ quan trọng vừa là nhiệm vụ trọng tâm vừa là đột phá hoàn toàn đúng tầm, đúng đắn trong điều kiện hiện nay. Chúng ta phải triển khai thực hiện nhiệm vụ này thật tốt, góp phần tạo ra được một đội ngũ doanh nhân vững mạnh, Việt Nam giàu và mạnh phải có các doanh nghiệp giàu và mạnh. Việt Nam có phát triển và văn minh khi doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững và văn minh có văn hóa. Văn hóa kinh doanh tạo ra sức mạnh mềm của doanh nghiệp và cũng góp phần nâng cao hình ảnh vị thế của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.
Cùng với vốn tự nhiên, vốn con người vốn tài chính, vốn vật chất, vốn thể chế thì vốn xã hội vốn văn hóa là những nguồn lực rất quan trọng đối với doanh nghiệp và cả nền kinh tế của chúng ta. Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ trong một xã hội đề cao tính trung thực thì việc thực hiện các giao kết hợp đồng sẽ rất nhanh không mất nhiều thời gian để tìm hiểu xác minh về đối tác của mình. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như dịch bệnh thiên tai căng thẳng thương mại giữa các nước thì nền tảng văn hóa kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chống chọi được với biến động bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài.
Năm là: Dẫn dắt doanh nghiệp thành công, chủ động tham vấn, góp phần hoàn thiện các chính sách hội nhập của đất nước thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ là chủ thể ký kết nhưng doanh nghiệp mới là chủ thể thực hiện và hưởng lợi cũng như trách nhiệm từ các hiệp định này. Năm 2021 dù tình hình kinh tế hết sức khó khăn nhưng tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt được con số kỉ lục cao nhất từ trước tới nay, tăng 22,6% so với năm 2020. Nền kinh tế của Việt Nam là hội nhập và thực tế Việt Nam đã là quốc gia hội nhập rất sâu rộng với thế giới. Do vậy, đề nghị VCCI tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, về công nghệ, về nguồn vốn, về kinh nghiệm quản trị, về tìm kiếm bạn hàng, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, xử lý và hỗ trợ khi có các tranh chấp trong quá trình hoạt động, thúc đẩy liên kết hợp tác với hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài.
Đề nghị VCCI tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến pháp lý. Tôi đề nghị Các Bộ, các Ngành, cơ quan hữu quan như: Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ VCCI triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lớn mạnh trong thời gian tới lớn mạnh nhưng phải vững mạnh, nhanh nhưng mà phải bền vững.
Thưa toàn thể quý vị đại biểu!
Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều biến đổi, bất định khó lường, cơ hội thuận lợi đan xen với khó khăn thách thức, nhưng tôi tin tưởng rằng với bản lĩnh trí tuệ tinh thần vượt khó yêu nước đoàn kết tự lực tự cường đi lên từ bàn tay khối óc của mình, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ thích ứng, nỗ lực vượt lên vươn cao, vươn xa và có nhiều đóng góp quan trọng góp phần đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng sánh vai cùng cường quốc nam châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Nhân dịp đón chào năm 2022 và đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần tôi xin gửi tới toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể lãnh đạo và người sử dụng lao động VCCI sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 phát triển vượt bậc lớn hơn, hiệu quả hơn so với năm 2021.
Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu!