Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, nông nghiệp vẫn là hướng đi quan trọng và là nền tảng của Trà Vinh, trong khi đó tỉnh xác định công nghiệp chế biến là ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm chia sẻ với Tạp chí VHDN về giải pháp và nỗ lực nhằm đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.
Trà Vinh có những quyết sách gì nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2018, thưa ông?
Với mục tiêu GRDP tăng 12% so với năm 2017, Trà Vinh đã thực hiện 06 nhiệm vụ tập trung và 3 nhiệm vụ đột phá trong năm 2018. UBND tỉnh đã ban hành 09 kế hoạch trên các lĩnh vực.
Tỉnh đã thực hiện bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020, ban hành mức hỗ trợ về giá thuê mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN), ban hành chính sách hỗ trợ người nghèo giai đoạn 2018-2020, bổ sung quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương, thành lập tổ công tác hỗ trợ UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với những quyết sách và nỗ lực này, hy vọng chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu cao nhất có thể trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm
Tỉnh đã thực hiện chính sách tái cơ cấu kinh tế như thế nào nhằm đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), thưa ông?
Nhằm đưa kinh tế phát triển theo hướng nhanh và bền vững, Trà Vinh đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tiến hành quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm, vùng chuyên canh; phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với xây dựng nông thôn mới.
Về nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nông nghiệp xanh và sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.
Về công nghiệp, chúng tôi xem công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở lấy nông nghiệp làm nền tảng, đặc biệt là công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển công nghiệp sử dụng công nghệ cao và các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp chế biến tôm đông lạnh, gạo xay xát, giày dép, than hoạt tính, thuốc viên… tiếp tục tăng trưởng; các ngành tiểu thủ công nghiệp được củng cố và phát triển, toàn tỉnh hiện có 10.488 cơ sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 13 làng nghề.
Về hạ tầng, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng các KCN-CCN và phát triển làng nghề; cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường mời gọi đầu tư, ưu tiên dự án có công nghệ cao, tiết kiệm nguyên vật liệu; phát triển thương mại theo hướng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ và thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng…
Qua hơn 2 năm thực hiện, GRDP của tỉnh tăng bình quân 10,04%, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40.202 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 0,73%; hình thành một số vùng sản xuất tập trung với quy trình kỹ thuật tiên tiến.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 16,97%, một số sản phẩm kết nối tiêu thụ tại các thị trường lớn trong và ngoài nước, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, hệ thống các ngân hàng, bảo hiểm, kho bãi, dịch vụ du lịch, các cơ sở lưu trú, các loại hình dịch vụ công, tư… phát triển nhanh.
Chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới được Trà Vinh cụ thể hoá như thế nào?
Công tác phát triển nông thôn mới được tỉnh thực hiện thông qua nhiều Nghị quyết, văn bản và chương trình hành động cụ thể. Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại Trà Vinh đã đạt được kết quả khả quan.
Cụ thể, kinh tế tỉnh tiếp tục đà phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng 9%/năm trong giai đoạn 2008-2017, kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực từ 60,3% (2008) xuống còn 34,99% (2017); công nghiệp, xây dựng từ 18,38% tăng lên 31,16%; dịch vụ từ 21,32% tăng lên 33,85%.
Quy mô nền kinh tế GRDP theo giá hiện hành năm 2017 đạt 41.003 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 27,5 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2008; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân đạt khoảng 3%/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2008.
Đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 34.447 tỷ đồng chiếm khoảng 25% cơ cấu kinh tế nông thôn, tốc độ tăng bình quân 25,28%/năm. Toàn tỉnh hiện có 10.423 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng 3.338 cơ sở so với năm 2008, giải quyết việc làm cho 61.387 lao động, tăng 21.505 lao động. Về dịch vụ ở nông thôn, tổng mức hàng hóa bán lẻ năm 2017 là 13.880 tỷ đồng tăng 6 lần so với năm 2008, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 22%.
Xây dựng nông thôn đã trở thành phong trào mạnh mẽ, phát triển ngày càng sâu rộng và không ngừng nâng cao chất lượng, sau hơn 07 triển khai, diện mạo nông thôn và điều kiện sống của cư dân đã được cải thiện đáng kể. Tính đến cuối năm 2017, Trà Vinh có 30 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm 23,5% tổng số xã).
Trà Vinh đặt mục tiêu tăng chỉ số PCI trong năm 2018 như thế nào, thưa ông?
Năm 2017, tỉnh xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng thứ 8/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, với 61,71 điểm, tăng 4,07 điểm và tăng 05 bậc trên bảng xếp hạng PCI so với năm 2016. Năm 2018, Trà Vinh phấn đấu tăng từ 5-8 bậc, đứng thứ 29-32/63 tỉnh, thành phố.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao PCI đã đề ra mục tiêu cụ thể: cố gắng giữ bậc những chỉ số có thứ hạng cao năm 2017 (tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức); chỉ số gia nhập thị trường tăng 10 – 13 bậc, chỉ số tính minh bạch tăng 10 bậc, chỉ số tính năng động tăng 10 bậc, chỉ số đào tạo lao động tăng 15 – 18 bậc, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp tăng 20 bậc, chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng 02 bậc, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 03 – 05 bậc.
Ông Đồng Văn Lâm Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh