VHDN – LTS. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quang, sinh ngày 03/02/1972. Ông là một người con của đất Hải Phòng. Vì vậy, mà độc giả rất ấn tượng với nhiều tác phẩm mang màu sắc miền đất Cảng. Ông đã xuất bản tập thơ “Đất nước và Tình yêu”. Tập thơ đong đầy một nỗi niềm của người con đất Việt với trái tim luôn nồng ấm, thắm đượm tình yêu với đất nước và con người xứ sở quê hương. Ngoài ra ông còn xuất bản 03 tập thơ với thể loại trường ca – một thể loại khó viết và rất ít nhà thơ viết: “Triệu Vương phục quốc”, “Hoàng hoa Thám” và đặc biệt là tập thơ “Trường ca Hải Phòng” mang đậm đặc “hương vị” sử thi của mảnh đất ông gắn bó.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Kỳ Văn hóa Doanh nhân xin gửi tới Quý độc giả cuộc trò chuyện, chia sẻ với nhà thơ Nguyễn Hữu Quang về những câu chuyện tình yêu trong thơ của ông.
Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quang
… Thi ca làm ra những giấc mơ cho con người…
Những “giá trị” được tạo ra từ phẩm giá con người không chỉ là thi ca mà đối với doanh nhân chính là việc xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân trong thời kỳ hội nhập. Vậy bắt nguồn từ đâu mà ông lại có cảm hứng với đề tài về doanh nhân?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quang: Con người sẽ không sống được nếu không có của cải vật chất hay nói ngắn gọn là không có kinh tế. Doanh nhân, Doanh nghiệp chính là yếu tố then chốt của một nền kinh tế, nó là yếu tố quyết định đến sức khỏe của nền kinh tế đất nước, hay nói cách khác doanh nghiệp là đầu tầu dẫn dắt nền kinh tế của một đất nước. Yếu tố doanh nghiệp quan trọng tới mức nếu một đất nước không có doanh nghiệp thì đất nước đó cũng không có nền kinh tế bởi vậy suy cho cùng yếu tố doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định đến sự tồn vong của một đất nước. Chúng ta vẫn thường có câu nói “dân thịnh nước cường” nhưng nói cụ thể hơn nữa là: doanh nghiệp phát triển thì nước cường, doanh nghiệp phá sản thì đất nước suy yếu – doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế. Bởi vậy tôi cho rằng đến với văn hoá doanh nhân là đến với hơi thở của thời đại, đến với dòng chẩy của cuộc sống, ở đây chúng ta thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế dường như hai phạm trù này nó có một mối quan hệ không thể tách rời (hai mà là một) đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “văn hóa và kinh tế có tầm quan trọng ngang nhau”. Tôi cũng đã suy nghĩ và tự tìm ra định nghĩa cho từ “văn hóa” đó là: Văn hoá chính là kiến thức sống nó thể hiện ra trong muôn vàn những biểu hiện của cuộc sống.
Đất nước ta đã từng đi qua những cuộc vệ quốc vĩ đại mà ở đó thi ca đã có những đóng góp, ảnh hưởng to lớn cho những chiến thắng hào hùng thần kỳ của dân tộc. Ngày nay với chủ trương lớn của Đảng là: Quốc gia khởi nghiệp mà thương trường là chiến trường, cuộc chiến đấu không tiếng súng. Hơn lúc nào hết “thi ca” là yếu tố không thể thiếu đối với doanh nghiệp lúc này, nó không chỉ là cách giải toả tâm lý sau những giờ làm việc căng thẳng mà nó còn là sự khích lệ, là động lực, là hướng đi, là gieo mầm cho những ý tưởng sáng tạo, táo bạo của doanh nghiệp.
Từ những suy nghĩ ở trên mà tôi ý thức được rằng: Tôi không chỉ quan tâm đến đề tài về doanh nghiệp mà tôi còn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đề tài này. Phải đặt việc sáng tác thơ ca về đề tài doanh nghiệp lên mức quan trọng hàng đầu trong cuộc đời sáng tác thơ ca của mình.
Tập thơ “Đất nước và Tình yêu” – đong đầy một nỗi niềm của người con đất Việt với trái tim luôn nồng ấm, thắm đượm tình yêu với đất nước và con người xứ sở quê hương
Là người con Hải Phòng, chứng kiến nhiều thời kỳ thăng trầm của thành phố. Sự trải nghiệm đó đã được đưa vào thơ ông như “Sắc màu Hải Phòng”… đặc biệt là tác phẩm “Trường ca Hải Phòng” – một khúc tráng ca mang đậm chất sử thi về thành phố Hoa Phượng đỏ. Đây có phải là tác phẩm ông tâm đắc nhất về quê hương?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quang: “ Trường ca Hải Phòng “không chỉ là tác phẩm tâm đắc nhất của tôi mà còn là tác phẩm tôi tâm huyết và gửi gắm nhiều tình cảm nhất của mình. Quê hương không chỉ là nơi ta sinh ra, nơi chôn rau cắt rốn mà còn là nơi nuôi dưỡng, che chở ta nơi chốn ta nương náu, đi về là điểm tựa tinh thần cho suốt cuộc đời ta.
Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Hải Phòng quen từ con đường, từ góc phố, từ hàng cây, ngọn cỏ… Hải Phòng trong tôi đầy ắp những kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm mặc dù đã cách đây gần 40 năm gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác ngày ấy: Đó là ngày kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Hải Phòng. Năm đó tôi mới 12 tuổi lần đầu tiên được bố mẹ cho phép đi chơi một mình xem lễ kỷ niệm. Tôi hòa vào dòng người đổ về trung tâm thành phố, lần đầu tiên tôi được chứng kiến một biển người đông đến vậy, những dòng người bất tận từ mọi con đường đổ về quảng trường trung tâm thành phố, để xem lễ duyệt binh kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Hải Phòng. Có những người ở xa họ phải dậy sớm từ ba, bốn giờ sáng đi bộ mang theo cơm nắm muối vừng, nhưng họ đều không thấy vất vả, mệt mỏi nét mặt mọi người đều hân hoan, rạng ngời và luôn nở nụ cười vui vẻ. Tôi nhận thấy tình yêu của mọi người dành cho thành phố thật xúc động, điều đó đã lưu lại mãi trong kí ức của tôi. Tôi tự nhủ sau này lớn lên nhất định phải có một đóng góp nhỏ bé gì cho thành phố thân yêu của mình và rồi trong đầu tôi lóe lên ý định sau này sẽ viết trường ca về thành phố Hải Phòng. Vậy là cũng không biết từ bao giờ tôi cứ cần mẫn tìm hiểu, sưu tầm và tích cóp những tư liệu về thành phố để phục vụ cho công việc viết trường ca Hải Phòng sau này của tôi.
Tập thơ “Trường ca Hải Phòng” mang đậm đặc “hương vị” sử thi của Nhà thơ
Nguyễn Hữu Quang
Lan tỏa tình yêu doanh nhân qua thơ ca
Trước khi nghĩ đến chuyện tiến xa hơn trong sự phát triển của doanh nghiệp, xa hơn nữa là nâng tầm vị thế của đất nước, dân tộc, thì phải nghĩ đến yếu tố văn hóa, trách nhiệm xã hội. Từ góc nhìn của một người trong giới văn học – nghệ thuật, xin ông cắt nghĩa những yếu tố này?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quang: Như tôi đã nói, văn hóa chính là kiến thức sống nó thể hiện ra trong muôn vàn những biểu hiện của cuộc sống. Cái yếu tố văn hóa ở đây phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất đó là lời nói, là cử chỉ, là lối sống, là suy nghĩ… nhưng chính những điều nhỏ bé đó nó là nền tảng tạo lên nhân cách, đạo đức, thương hiệu về văn hóa của một dân tộc một đất nước. Tích tiểu thành đại, tích gió thành bão – hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, đó chính là nền tảng cho một nền văn hóa phát triển ổn định và lâu dài. Chúng ta hãy nói về văn hóa tập trung cho văn hóa nhưng lại ít khi đề cập, chú trọng đến việc sai lệch về văn hóa. Đó là văn hóa bẩn, văn hóa độc hại và ít ai biết rằng sự sai lệch về văn hóa còn nguy hiểm hơn là không có văn hoá. Lịch sử nhân loại đã chứng minh có biết bao nhiêu nền văn minh xuất hiện trên trái đất này nhưng đã bị hủy diệt mà nguyên nhân chính là do sự sai lệch về văn hóa gây ra. Ngay văn hóa ứng xử của mọi người thôi nó cũng quyết định trực tiếp đến thành bại hay sống chết của một cá nhân. Người xưa cũng từng nói: “lời nói không mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tôi cứ suy nghĩ mục đích tối thượng của các chính đạo trên thế gian này là gì? Rồi chợt tự mình tìm ra câu trả lời: “Các chính đạo trên thế gian này có một mục đích duy nhất đó là: truyền giảng kiến thức sống. Cho nên với tôi một người hoạt động trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật thì văn hóa hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Ông có rất nhiều tác phẩm viết riêng cho những doanh nhân tầm cỡ của Việt Nam như DN Phạm Nhật Vượng, DN Phan Thiên Ân… Điều đó đồng nghĩa với việc ông đã theo dõi, quan tâm và hiểu được những thăng trầm của các doanh nhân. Ông nhận định như nào về câu “Làm kẻ chiến thắng đâu có đáng kể, giữ được cao quý trong thành công mới là hoàn hảo” DN Thái Hương, người sáng lập TH true Milk, khi được Tổng thống Israel Shimon Peres dành tặng lời khen vì đã tạo ra “cuộc cách mạng sữa”?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quang: Như anh Phạm Nhật Vượng đã từng nói: “Nếu chỉ vì cuộc sống mưu sinh của cá nhân tôi thì tôi cũng chẳng cần phải làm doanh nghiệp làm gì”. Quả đúng là như vậy nếu chỉ vì cuộc sống mưu sinh thì ngay trên đất Ukraina anh Phạm Nhật Vượng cũng đã làm được ra một số tiền mà cá nhân anh ấy sống nhiều đời cũng không hết tiền. Vậy thì còn về lại đất nước mở doanh nghiệp, mở tập đoàn làm gì cho vất vả. Chắc chắn hành động của anh Vượng xuất phát từ một hoài bão lớn, từ một lý tưởng cao đẹp, từ những mong mỏi đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước… thực hiện mong mỏi lúc sinh thời của bác Hồ là làm sao cho nước Việt Nam sánh vai được với các cường quốc năm châu. Ngay doanh nhân Phan Thiên Ân xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi Rồi trở thành doanh nhân được bình chọn là người giầu nhất thế giới ở thập niên 70 của thế kỷ trước ngay trên đất Mỹ, nhưng khi về cuối đời ông ấy cũng không quan tâm vào khối tài sản khổng lồ của mình mà ông ấy chỉ mong mỏi trở về Việt Nam làm sao tìm được người để giúp ông ấy quảng bá những cẩm nang kinh doanh cho đồng bào mình ở Việt Nam. Chiến thắng cũng là sự cần thiết nhưng giữ được sự cao quý trong thành công mới là hoàn hảo. Nếu thành công mà không gắn với những mục đích cao đẹp, cao cả thì những thành công ấy cũng chỉ là những điều bình thường không đáng để nói đến.
Với thể loại trường ca, ông có dự định gì cho tác phầm tương lai?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quang: Những trường ca tôi đã viết và đang viết dường như đây chỉ là sự tập dượt và tích lũy trong việc viết lách về thể loại trường ca nói riêng và các thể loại thơ khác nói chung. Tôi mong tới một ngày nào đó tôi tích lũy được đủ kiến thức đủ kỹ năng, kỹ thuật, đủ kinh nghiệm viết lách để có thể viết một Thiên trường ca vĩ đại về một con người vĩ đại nhất trong mọi thời đại đó chính là: Bác Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Nhà thơ.
Nhật Mai – Minh Khôi