Nước sạch và vệ sinh môi trường là một tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, thời gian qua Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bạc Liêu ( gọi tắt Trung tâm) đã tích cực triển khai đưa nước sạch về các vùng nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Bạc Liêu có địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt, nguồn nước mặt chủ yếu là nước mặn hoặc nhiễm phèn, nguồn nước ngầm ở một vài nơi bị hạn chế về chất lượng và trữ lượng, đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người dân nông thôn. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, đồng thời, nâng cao nhận thức trong mỗi cá nhân về vệ sinh công cộng, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong những năm qua, Trung tâm đã tranh thủ nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung; mở rộng tuyến ống trạm, hệ cấp nước hiện có. Tính đến hết năm 2016, Trung tâm đã tổ chức kết nối đồng hồ nước cho hơn 45.160 hộ. Tính đến nay, Trung tâm đang quản lý vận hành 114 trạm, hệ cấp nước (xây dựng và đưa vào khai thác mới 8 trạm cấp nước); tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 87,5%; tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước sạch đạt quy chuẩn 02 Bộ Y tế là 47,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 58%; tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 52%. Trung tâm cũng đặt mục tiêu tiến đến năm 2020, 95% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Ông Trương Quốc Quang– Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Bạc Liêu cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm đặc biệt quan tâm về việc triển khai thực hiện nội dung cấp nước sạch sinh hoạt đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn đã góp phần nâng tỷ lệ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lên theo từng năm trên địa bàn tỉnh nói chung, điều đó cho thấy, đây thực sự là một chính sách đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống hàng ngày của các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho người dân chủ động hơn về nguồn nước sạch trong sinh hoạt, nhất là vào mùa khô khi khí hậu biến đổi gây hạn hán ngày càng trầm trọng nên nguồn nước tự nhiên ngày càng cạn kiệt dần.” Từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng dịch bệnh xảy ra nhất là các dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp, đồng thời tiết kiệm được thời gian để tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình nhằm; đặc biệt là đã nâng cao về ý thức cải thiện điều kiện sống; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Được sự quan quan tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình; đa dạng hóa các loại hình đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của nhân dân và các thành phần kinh tế vào sự phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức nhân dân; đồng thời, không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lựa chọn công nghệ phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đảm bảo chất lượng nước, tăng tính bền vững cho công trình theo hướng đơn giản trong quản lý, vận hành, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và tiết kiệm đầu tư.
Theo ông Trương Quốc Quang: “Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cần huy động sự đóng góp của các nguồn lự ctừ cộng đồng để nâng cao trách nhiệm sử dụng và bảo quản, nâng cao tuổi thọ sử dụng của các công trình. Tăng cường phát huy vai trò giám sát và tham gia đóng góp ngày công của cộng đồng, đoàn thể; gắn trách nhiệm của cộng đồng trong việc khai thác, quản lý, sử dụng và duy tu bảo dưỡng để phát huy hiệu quả sử dụng của công trình bền vững”.
Yến Oanh